Nhiều doanh nghiệp bất động sản chủ động bắt tay gỡ rối pháp lý dự án
Theo đánh giá của giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho dự án bất động sản đã hoạt động hiệu quả, đạt được kết quả tích cực. Nhiều dự án đã có chuyển biến tích cực khi được rà soát, giải quyết khó khăn. Các chủ đầu tư bất động sản cũng bước đầu được khơi thông các vấn đề pháp lý, tận dụng dòng vốn trên thị trường để bắt tay ngay vào việc triển khai dự án.
Nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ giúp nhiều dự án bất động sản “mắc kẹt” trong thời gian dài đang dần hồi sinh trở lại. Hiện nay, TP.HCM có 143 dự án bất động sản, Hà Nội 246 dự án, Hải Phòng 4 dự án, Bình Định 16 dự án, Cần Thơ 34 dự án… còn vướng mắc đang chờ được tháo gỡ.
Thời gian qua, sự vào cuộc của Tổ công tác của Thủ tướng đã giúp khoảng 77 dự án bất động sản ở TP.HCM được gỡ vướng, 143 dự án đang tiếp tục được Bộ Xây dựng, các bộ liên quan và địa phương giải quyết. Tới đây, khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành hứa hẹn sẽ tạo thêm lực đẩy giúp khơi thông các dự án vướng mắc này.
Nhận định về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nói: “Hiện nay, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS. Vì vậy, nếu thúc đẩy tốt việc tháo gỡ pháp lý, doanh nghiệp bất động sản sẽ sớm đi qua khó khăn, giúp nguồn cung nhà ở dồi dào, người dân có cơ hội nhiều hơn với giấc mơ an cư”.
Doanh nghiệp chủ động tháo gỡ pháp lý dự án
Về pháp lý các dự án bất động sản, nhiều doanh nghiệp cho biết đang trong quá trình thúc đẩy pháp lý dự án để dự án sớm được triển khai, đưa nguồn cung mới ra thị trường.
Đơn cử như tại Tập đoàn Đất Xanh, công ty sẽ hoàn thành pháp lý 8 dự án quy mô lớn, đặc biệt trọng tâm ở khu vực phía Nam. Mỗi dự án có quy mô 5-10ha, cung cấp 3.000-5.000 căn hộ.
Bên cạnh đó, Đất Xanh sẽ tiếp tục chuẩn bị các chiến lược hoàn thiện, đền bù, hoàn thành 5 dự án lớn để chuẩn bị cho giai đoạn 2025-2030; tiếp tục hoàn thiện, mua các dự án để mua các quỹ đất phát triển. Lãnh đạo công ty tiết lộ đã mua thêm quỹ đất tại Bình Phước và Đồng Nai ngay trong tháng 4.
Với Phát Đạt, công ty ưu tiên đẩy mạnh triển khai kinh doanh – bán hàng trong năm nay tại 4 dự án gồm Thuận An 1-2, Cadia Quy Nhơn, Bắc Hà Thanh và Poulo Condor.
Trong đó, công ty xác định trọng tâm là dự án Bắc Hà Thanh (Bình Định), dự kiến tháng 5-6 sẽ hoàn thành đóng tiền sử dụng đất và đủ điều kiện bán hàng. Tới quí 2, công ty sẽ bắt đầu bán hàng và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận vào nửa cuối năm. Còn dự án Thuận An 1 đã có giấy phép xây dựng phần thân, Thuận An 2 đã có giấy phép xây dựng phần cọc.
trong năm nay, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền sẽ tập trung xây dựng Dự án Emeria quy mô 6 ha và Dự án Clarita quy mô 5,8 ha cùng Tập đoàn Keppel Land (Singapore) sau thời gian khá dài “mắc kẹt”. Sản phẩm chủ yếu của 2 dự án này là biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư. Tổng chi phí phát triển 2 dự án khoảng 10,2 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả chi phí đất đai. Bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT Nhà Khang Điền cho hay, dự kiến cuối năm nay, khi đủ các điều kiện pháp lý theo quy định, Dự án sẽ “bung hàng” ra thị trường.
Ngoài việc hợp tác nói trên, hiện các dự án Khu dân cư Tân Tạo và Khu đô thị Phong Phú 2 cũng đang được Nhà Khang Điền tiến hành giải phóng mặt bằng, hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, dự kiến hoàn thành trong năm 2024 - 2025.
Cập nhật tiến độ giải quyết pháp lý dự án với cổ đông tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo Novaland cho biết một số dự án của tập đoàn hiện nằm trong kế hoạch tháo gỡ pháp lý trọng tâm của Chính phủ và các địa phương. Các dự án được kể đến như dự án 30,2ha (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức), The Grand Manhattan (quận 1, TPHCM), NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận) và Aqua City (Đồng Nai).
Bất động sản sẽ “dễ thở” hơn trong thời gian tới
Giới chuyên gia kỳ vọng sắp tới, nếu các luật liên quan bất động sản, đặc biệt là Luật Đất đai được thực hiện sớm nửa năm, sẽ tạo động lực lớn cho thị trường. Khi thực thi, Luật Đất đai sẽ giúp thị trường giải quyết bài toán ách tắc nguồn cung, kìm giá nhà, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được đất đai thuận lợi hơn, phát triển dự án nhanh hơn. Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn khác trên thị trường, đồng thời chấn chỉnh, đưa thị trường phát triển ổn định, bền vững hơn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - cho rằng, nếu áp dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sớm, đồng thời các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì sẽ xử lý được hầu hết các “vướng mắc pháp lý” của hàng trăm dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM. Vì hiện nay các vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản 70% là do vướng mắc pháp lý.
Tại tọa đàm "Pháp lý và thị trường bất động sản trong chu kỳ mới" vào ngày 30/5 vừa qua, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho hay, các luật mới sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các dự án nhà ở, giúp tăng nguồn cung các sản phẩm bất động sản.
Với quy định hiện nay, thủ tục để triển khai dự án nhà ở phải mất đến 600 ngày mới xong, có những chủ đầu tư mất nhiều năm mới xong thủ tục khiến chi phí tăng, giá nhà đội lên.
Khi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực thì thời gian làm thủ tục sẽ được rút gọn xuống còn 160-300 ngày.
Ở góc độ các doanh nghiệp, phía doanh nghiệp đều cho rằng Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đều có bước tiến mới, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, việc thực thi các Luật mới này cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết và sự thống nhất, quyết liệt trong bộ máy công vụ. Bởi những vướng mắc của doanh nghiệp về đất đai thời gian qua không chỉ nằm ở cơ chế, chính sách mà còn ở một bộ phận cán bộ ngại việc, sợ sai phạm dẫn đến tình trạng “ngâm” hồ sơ năm này qua năm khác.