Nhiều hạn chế đáng tiếc trong quản lý tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ vốn dưới 50%

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, quản lý vốn tại doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống còn nhiều hạn chế đáng tiếc. Trong đó, công tác quản lý phần vốn Nhà nước tại DN thuần túy là quản lý hành chính chứ không phải là quản lý kinh doanh.

Phát biểu tại Hội thảo “Kiểm toán đối với DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ” sáng 6/7, TS Vũ Đình Ánh- Chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ những bất cập và hạn chế trong công tác quản lý vốn trong loại hình DN này.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Quy định đánh giá, xếp loại người đại diện phần vốn nhà nước tại DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ vừa mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc điểm của DN, vừa khiến cho công tác quản lý vốn có hiệu quả thấp.

Người đại diện có thể có hoặc không có quyền quyết định trong DN phụ thuộc vào tỷ trọng vốn Nhà nước trong mỗi DN cũng như cơ chế ra quyết định theo điều lệ của DN. Vì vậy, người đại diện phần vốn Nhà nước có thể có hoặc không có ảnh hưởng gì đến kết quả kinh doanh của DN, do đó họ không có quyền quyết định tại DN. Đây có thể được coi là một hạn chế đáng tiếc trong quản lý vốn nhà nước tại DN.

Nhiều hạn chế đáng tiếc trong quản lý tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ vốn dưới 50% - Ảnh 1Chuyên gia Vũ Đình Ánh chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Ngân Anh).

Cùng với đó, các nội dung về điều kiện, tiêu chuẩn của người đại diện phần vốn Nhà nước loại hình DN chưa được quy định rõ ràng, còn nặng về quản lý hành chính. Điều này khiến cho người đại diện phần vốn Nhà nước chỉ như một công chức, viên chức trong bộ máy hành chính chứ không phải như một doanh nhân tại DN.

Như vậy, công tác quản lý phần vốn nhà Nước tại DN thuần túy là quản lý hành chính chứ không phải là quản lý kinh doanh, quản lý tài chính trong nền kinh tế thị trường.

Rõ ràng các quyền và trách nhiệm của đại diện vốn nhà nước tại DN chủ yếu là báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để biết còn các kiến nghị, yêu cầu và chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu khó khả thi khi người đại diện không có tiếng nói quyết định tại DN.

Kiến nghị các giải pháp tăng cường công tác quản lý vốn Nhà nước, TS Ánh cho rằng: Quản lý phần vốn Nhà nước tại DN có vốn nhà nước dưới 50% sẽ được tăng cường và nâng cao hiệu quả khi và chỉ khi người đại diện vốn Nhà nước tại DN có quyền quyết định tại DN và quyền quyết định này ngày càng được mở rộng và tăng cường phù hợp với đặc điểm DN hoạt động trong nền kinh tế thị trường.

Người đại diện vốn Nhà nước là doanh nhân chứ không phải là cán bộ Nhà nước (thậm chí chỉ là cán bộ hành chính đơn thuần).

Ngược lại, nếu người đại diện vốn Nhà nước không thể có quyền quyết định tại DN thì nên ủy quyền cho người có quyền quyết định tại DN quản lý phần vốn này thay vì cử người đại diện chỉ để làm vì trong cả hai trường hợp.

Chia sẻ với Tạp chí DN Việt Nam, TS Ánh cho biết thêm: Bất cứ DN nào có vốn Nhà nước đều chịu sự thanh tra, kiểm toán tài sản công. Theo luật định, DN cứ mỗi năm kiểm toán một lần, không thanh tra thì kiểm toán.

Thậm chí, DN đã kiểm toán rồi, vẫn bị thanh tra, kiểm tra vì đây là hoạt động quản lý Nhà nước đối với tài sản công. Nếu DN có vốn Nhà nước dưới 50% thuê kiểm toán độc lập, hoạt động kiểm toán Nhà nước vẫn diễn ra bình thường.

Ngân Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam