Nhiều nhà đầu tư trả giá đắt vì tin rằng USD suy yếu
Tin tưởng Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đồng USD sẽ suy yếu, song thực tế không diễn ra như kỳ vọng của họ.
Giới phân tích từng dự đoán đồng USD sẽ suy yếu so với một số đồng tiền khác trong năm nay. Tuy nhiên, dự đoán của họ đã không trở thành hiện thực.
Đồng bạc xanh vẫn tăng mạnh, gây áp lực lên các giao dịch đặt cược chống lại đồng tiền này và buộc các ngân hàng trung ương phải hành động để bảo vệ đồng nội tệ của mình.
Ví dụ rõ ràng nhất về sức mạnh đáng nể của USD là việc đồng yen đã rơi xuống mức đáy 34 năm so với đồng bạc xanh. Theo FactSet, USD đã tăng khoảng 9% so với đồng yen trong năm nay. 1 USD hiện mua được khoảng 154 yen.
Lần cuối cùng đồng nội tệ của Nhật Bản tụt xuống mức đó, ông George H. W. Bush đang là tổng thống Mỹ và Nintendo Game Boy là máy trò chơi mà nhiều người đều muốn sở hữu.
Dư chấn khắp toàn cầu
Đà tăng của USD đã gây dư chấn khắp thị trường toàn cầu. Các quỹ phòng hộ đặt cược vào đồng yen bị tổn hại. Các quỹ ETF cho phép nhà đầu tư ở Mỹ và những nơi khác mua cổ phiếu Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng.
Đồng yen yếu cũng có thể tạo ra những gợn sóng trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 27.000 tỷ USD, bởi nợ của chính phủ Mỹ đang trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Nhật Bản là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ và một khi khẩu vị của các nhà đầu tư này thay đổi, nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc Mỹ cũng sẽ chịu tác động lớn.
Diễn biến khó lường
Vào đầu năm nay, thị trường tin tưởng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất, có thể tới 6 lần.
Về lý thuyết, điều đó sẽ làm đồng USD suy yếu vì nhà đầu tư sẽ bớt quan tâm đến trái phiếu ở thị trường Mỹ.
Dữ liệu kinh tế hồi đầu năm từng khiến thị trường lo lắng về hướng đi của Fed.
Song, các nhà giao dịch đã yên tâm hơn kể từ tháng 3, khi các quan chức Fed cho biết họ vẫn dự định hạ lãi suất ba lần trong năm nay.
Cùng thời điểm đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã đảo chiều chính sách.
BoJ chính thức chấm dứt chế độ lãi suất âm kéo dài 8 năm, tăng lãi suất và huỷ bỏ cam kết giữ lợi suất trái phiếu chính phủ gần mức 0.
Chênh lệch về lãi suất là một động lực quan trọng đối với tỷ giá hối đoái. Trong bối cảnh lãi suất dự kiến sẽ giảm ở Mỹ và đi lên tại Nhật Bản, dường như đồng yen có thể tăng giá so với đồng USD.
Các nhà quản lý quỹ cũng tin viễn cảnh đó và bắt đầu đặt cược. Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hoá Tương lai, các nhà giao dịch ở Mỹ đã gom 114,4 tỷ USD vị thế mua đồng yen so với đồng USD trong giai đoạn từ ngày 3/1 đến 9/4, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ván cược của các nhà quản lý quỹ bị lung lay khi nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc, theo Wall Street Journal.
Đa số bộ phận của nền kinh tế Mỹ đều đang bùng nổ. Doanh số bán lẻ tăng, doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh tuyển dụng và lạm phát ba tháng đầu năm đều tăng cao hơn dự kiến.
Các nhà kinh tế từng bất an về suy thoái. Còn giờ đây, nỗi sợ suy thoái đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022, theo cuộc thăm dò mới nhất của Wall Street Journal.
Sự chần chừ của Fed
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ chỉ hạ lãi suất một hoặc hai lần trong năm nay, thậm chí một số nhà đầu tư nhận thấy có khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ “án binh bất động” trong cả năm.
Chủ tịch Jerome Powell lưu ý rằng Fed cần thêm thời gian để có đủ tự tin về lạm phát, sau đó mới bắt đầu giảm lãi suất.
Chỉ số USD, thước đo dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ khác, tăng khoảng 5% trong năm 2024.Các nhà phân tích và nhà đầu tư đang giảm dự báo về đồng yen.
Hôm 16/4, Bank of America dự kiến 1 USD sẽ mua được khoảng 155 yen vào cuối năm nay. Trước đó, Bank of America kỳ vọng 1 USD sẽ đổi được khoảng 142 yen.
Hồi đầu năm, hãng đầu tư T. Rowe Price dự đoán đồng yen sẽ giao dịch ở mức 140 yen đổi 1 USD.
Quentin Fitzsimmons, nhà quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định của T. Rowe Price, dự báo hiện giờ đồng yen có thể tụt xuống 170 yen đổi 1 USD.
Quỹ phòng hộ RV Capital cũng bị bất ngờ. Nhà sáng lập Ranodeb Roy cho biết quỹ này đã đặt cược vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản kể từ năm ngoái.
RV Capital sử dụng kết hợp các chiến lược như mua trái phiếu liên kết với lạm phát và các hợp đồng hoán đổi tiền tệ, cũng như đặt cược đồng USD sẽ giảm giá so với đồng yen.
Roy nhận định quyết định tăng lãi suất của BoJ cũng như biến động trên thị trường đều diễn ra như dự đoán, nhưng RV Capital không hề tưởng tượng rằng đồng yen sẽ suy yếu.
Đà tăng của đồng USD so với đồng yen cũng tác động đến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Cổ phiếu Nhật Bản đã thu hút được kha khá sự quan tâm từ các nhà đầu tư Mỹ kể từ đầu năm.
Quỹ ETF iShares MSCI Nhật Bản có phòng ngừa rủi ro tiền tệ đã tăng khoảng 16% trong năm nay. Trong khi đó, phiên bản quỹ không phòng ngừa rủi ro chỉ đi lên khoảng 4%.
Wall Street Journal nhận định các nhà đầu tư đang cố gắng dự đoán khi nào Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ. Hồi tháng 9/2022, Nhật Bản đã lần đầu tiên can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong nhiều thập kỷ.
Trong một số bài phát biểu hồi đầu tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản xác nhận Tokyo đang cân nhắc tất cả các biện pháp để bảo vệ đồng yen.
Không chỉ đồng yen, một số đồng tiền khác cũng đang chịu sức ép khi USD tăng mạnh. Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gặp người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc. Bà cho biết ba nước có “những quan ngại sâu sắc” về sự mất giá của cả đồng yen và đồng won.
Ngân hàng trung ương Indonesia đã can thiệp để vực dậy đồng rupiah sau khi nó rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá so với USD sau nhiều tuần cố gắng bảo vệ đồng nội tệ.
Liệu các quan chức ngân hàng trung ương có cần hành động mạnh tay hơn để bảo vệ đồng tiền của họ hay không? Điều đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào một ẩn số lớn: nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục bùng nổ trong bao lâu.