Nhiều vấn đề tại các dự án của tập đoàn Nam Cường

Tổng tài sản của Tập đoàn Nam Cường tính đến cuối năm 2019 đạt 7.200 tỷ đồng nhưng lại đang chậm giải phóng mặt bằng ở hàng loạt dự án.

Hà Nội công bố rà soát, một số dự án Nam Cường trong danh sách

TP. Hà Nội vừa có báo cáo về tình hỉnh quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Theo đó, qua rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

Các dự án này nằm tập trung ở một số quận huyện như: Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án.

Trong danh sách này có nhiều dự án của Tập đoàn Nam Cường như KĐT Chương Mỹ, xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật KĐT Cổ Nhuế.

Đây đều là những dự án có quy mô lên tới cả nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Nam Cường. Dự án KĐT Chương Mỹ có quy mô hơn 750ha, từng được kỳ vọng sẽ là khu trung tâm khách sạn, văn phòng và nhà ở phục vụ cho cuộc sống hiện đại tại khu vực phía Tây Thủ đô.

KĐT Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.  
KĐT Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.  
 

Tuy nhiên, cả chục năm nay dự án này vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, khu đất rộng lớn giao cho Tập đoàn Nam Cường hiện nay vẫn đang để cỏ mọc.

Còn dự án xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật KĐT Cổ Nhuế cũng chưa được Tập đoàn Nam Cường thực hiện kéo theo nhiều hệ lụy trong việc phát triển những dự án liên quan.

Tiền thân của Tập đoàn Nam Cường là Tổ hợp Dịch vụ Vật tư Nông nghiệp và Vận tải Xuân Thủy, được thành lập năm 1985. Tổ hợp này là chủ đầu tư của các dự án lớn ở Hải Phòng và Hải Dương vào những năm đó.

Năm 2010, sau khi doanh nhân Trần Văn Cường qua đời, vợ của ông là bà Lê Thị Thúy Ngà chính thức tiếp quản vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng con gái Trần Thị Quỳnh Ngọc.

Tập đoàn Nam Cường sở hữu nhiều quỹ đất với tổng diện tích lên tới gần chục nghìn ha ở TP. Hà Nội. Các dự án khu đô thị, nhà ở đều chiếm quỹ đất khổng lồ như tại Phúc Thọ 156,5ha; Thạch Thất 2.448,5ha; Quốc Oai 2.841ha; Chương Mỹ 1.000ha; Ứng Hòa 849ha; Thanh Oai 7ha; Mỹ Đức 953ha và Phú Xuyên 681ha.

Năm 2013, Tập đoàn Nam Cường là một trong những doanh nghiệp bất động sản đầu tiên trả lại dự án cho Hà Nội. Chủ đầu tư này đã đề xuất xin bàn giao lại khu đô thị Quốc Oai có quy mô lên đến trên 1.200ha và khu đô thị Thạch Thất hơn 800ha.

Động thái của Tập đoàn Nam Cường tại hai siêu dự án cũng là lúc thị trường bất động sản đang trên đà xuống dốc.

Bước sang giai đoạn 2014 - 2015, thị trường bất động sản thoát khỏi cơn bão khủng hoảng và hồi phục tích cực. Nhiều ông lớn bất động sản cũng tạo sự bứt phá, phát triển. Tuy nhiên, mặc cho thị trường kéo nhau tăng trưởng đi lên thì Tập đoàn Nam Cường dường như vẫn đứng ngoài cuộc đua. Một số khu đất vàng vẫn dở dang, bất động nhiều năm.

Trong khi đó, những năm qua, Tập đoàn Nam Cường đã cắt dần những phần nhỏ trong quỹ đất khổng lồ của mình để chuyển nhượng cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp thực hiện dự án.

Một số khu đất đã được Tập đoàn Nam Cường chuyển nhượng cho đơn vị khác như 3 tòa cao ốc H, J, K của khu chung cư cao cấp The Sparks giờ thuộc về CENInvest làm chủ đầu tư.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai trở thành chủ đầu tư triển khai 3 tòa tháp cao 25 tầng mang tên Xuân Mai Spark Tower…

Nhiều vấn đề tại các dự án

Trong quá trình hoạt động của mình, Tập đoàn Nam Cường cũng bị cơ quan chức năng chỉ ra nhiều sai phạm tại các dự án doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Nổi lên trong hàng loạt những sai phạm của Nam Cường là dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài từng dính lùm xùm về “đội vốn” đầu tư lên tới 1.000 tỷ đồng, vượt gấp 43% tổng mức đầu tư ban đầu. Chi phí xây dựng mỗi km đường này lên tới 200 tỷ đồng, tương đương hơn 12 triệu USD/km đường, được cho là rất đắt đỏ ở thời điểm năm 2008.

Cuối năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã đưa dự án khu đô thị Dương Nội và Handico vào kế hoạch kiểm toán để làm rõ các vấn đề đầu tư, tài chính. Đến nay, kết quả của 2 cuộc kiểm toán này vẫn chưa được công bố rộng rãi.

Tại báo cáo vừa qua, Hà Nội cũng kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo pháp luật với dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam đoạn qua Thạch Thất. Quyết định thu hồi khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.

Đồng thời kiến nghị ra hạn 24 tháng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với dự án Bệnh viện Quốc tế 500 giường tại Dương Nội do Nam Cường làm chủ đầu tư...

Tại các tỉnh khác, Tập đoàn Nam Cường có nhiều khu đô thị mới phía đông, phía tây TP. Hải Dương, Khu đô thị mới Mỹ Trung tại tỉnh Nam Định... Các dự án này cũng vướng phải những lùm xùm trong một thời gian dài.

Khu đô thị mới phía tây Hải Dương của Tập đoàn Nam Cường từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm nợ đọng tiền sử dụng đất khi chuyển đổi từ đất du lịch sinh thái thuộc Khu đất Đảo Ngọc sang đất ở.

Trong khi đó, khu đô thị Mỹ Trung tại Nam Định đang bị bỏ hoang, cỏ mọc cao giữa những công trình xây dựng dang dở. Nhiều lô đất trở thành nơi tập kết rác, các công trình công cộng xây dựng đã xuống cấp.

Văn Thanh

Theo Đất Việt