"Ông Lớn" Nam Cường ngang nhiên mang Dự án Dương nội đi thế chấp ngân hàng
Là một trong những đại gia có tiếng trong làng BĐS Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường đã thế chấp quyền sử dụng đất đối với 27 thửa đất tại Khu Đô thị mới Dương Nội (khu A), phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.
Dự án Dương Nội "nằm gọn" trong tay ngân hàng
Dự án Khu đô thị mới Dương Nội nằm trên đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội) rộng hơn 197 ha, có tổng mức đầu tư hơn 7 nghìn tỷ đồng do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, KĐT mới Dương Nội được khởi công từ năm 2008. Dự án phát triển đồng bộ với hệ sinh thái các tiện ích, dịch vụ, các loại hình bất động sản đa dạng: Hệ thống biệt thự, các tòa chung cư, văn phòng, bệnh viện, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại, khu mua sắm shop villas, hồ điều hòa, công viên...
Tuy nhiên, sau 10 năm khởi công, dự án KĐT mới Dương Nội cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn ngổn ngang nửa vời. Và có một điều khiến khách hàng vô cùng "sốc" khi mới đây trong công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường đã thế chấp bằng quyền sử dụng đất các thửa đất số 92, 78, 64, 186, 156, 192, 200, 177, 198, 206, 222, 227, 229, 234, 244, 242, 217, 174, 138, 120, 246, 245, 150, 54, 71, 254, 164 tại KĐTM Dương Nội (khu A) phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Trước đó, ngày 04/06/2018, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ra văn bản Thông báo danh sách chủ đầu tư đã thế chấp tại Khu đô thị mới Dương Nội (Khu A), phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Theo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, tính đến cuối tháng 05/2018, đơn vị đã thực hiện đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất đối với 05 thửa đất thuộc Khu đô thị mới Dương Nội (Khu A), phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội do Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội làm chủ đầu tư đăng ký thế chấp tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong.
Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đã đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) tại các thửa đất số: 192, 186, 200, 156, 178 Khu đô thị mới Dương Nội.
Như vậy trong khoảng thời gian 4 tháng từ 5/2018 - 9/2018, Tập đoàn Nam Cường tiếp tục thế chấp các thửa đất thuộc Khu A tại Khu đô thị mới Dương Nội bao gồm: 92, 78, 64, 177, 198, 206, 222, 227, 229, 234, 244, 242, 217, 174, 138, 120, 246, 245, 150, 54, 71, 254, 164.
Danh sách 27 thửa đất tại Khu Đô thị mới Dương Nội (khu A) được Nam Cường mang đi thế chấp ngân hàng.
Hậu quả khôn lường khi dự án bị thế chấp
Việc Tập đoàn Nam Cường mang các thửa đất tại Khu đô thị mới Dương Nội đi thế chấp ngân hàng khiến không ít người lo lắng. Liên quan đến vấn đề này Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp ở ngân hàng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm bàn giao giấy chứng nhận cho cư dân. Khi mang dự án đi thế chấp, chủ đầu tư không thể tiếp tục thực hiện những hoạt động liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người dân. Trên thực tế cũng có nhiều chủ đầu tư thế chấp dự án tại ngân hàng nhưng sử dụng vốn sai mục đích. Vì vậy, trước khi mua nhà, người mua cần tự tìm hiểu kỹ về dự án và năng lực, uy tín của chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM.
Nhìn ở khía cạnh khách hàng, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhìn nhận, việc doanh nghiệp mang dự án BĐS đi thế chấp có nghĩa chủ đầu tư đang bán 1 dự án cho cùng 1 lúc hai người, một là ngân hàng hai là người mua nhà, đẩy rủi ro về phía người dân khi không làm được sổ đỏ.
“Đây vấn đề rất nghiêm trọng, nếu trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ phá sản thì thiệt hại rất lớn cho người dân”, ông Đực nói.
Ông Đực cũng nhấn mạnh, hiện nay có nhiều khe hở trong việc doanh nghiệp vừa bán hàng, vừa vay ngân hàng, vừa thiếu nợ vật tư của các nhà thầu. Vấn đề này cả cơ quan quản lý nhà nước, người mua nhà đều không kiểm soát được.
Theo ông Đực việc dự án bị thế chấp không chỉ người mua nhà chịu thiệt mà cả ngân hàng cũng chịu thiệt. Người dân không biết cách gì để giải quyết, không được cấp sổ hồng vì doanh nghiệp mang sổ đỏ đi cầm cố. Người dân lúc này như người đi ở nhờ nhà của ngân hàng. Còn ngân hàng không các nào đuổi người dân ra.
Theo Thu Hiền/KD&PL