Nhìn lại cổ phiếu BĐS tuần 22 - 26/3: Điều chỉnh cùng thị trường chung, FLC về mệnh giá
Thị trường chứng khoán giảm trong tuần từ 22 - 26/3 và nhóm bất động sản cũng đi theo xu hướng chung. FLC đi ngược lại diễn biến điều chỉnh của thị trường và vượt mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Kết thúc tuần giao dịch từ 22 - 26/3, VN-Index giảm 31,84 điểm (2,7%) so với tuần trước đó xuống 1.162,21 điểm; HNX-Index giảm 6,74 điểm (-2,4%) xuống 270,96 điểm; UPCoM-Index giảm 1,63 điểm (-2%) xuống 79,85 điểm.
Như vậy, thị trường chứng khoán đã điều chỉnh trở lại trong tuần qua với sự sụt giảm của nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không có được sự tích cực khi sắc đỏ có phần áp đảo hơn với 70/133 mã giảm giá, trong khi đó, số mã tăng chỉ là 33 mã.
Cổ phiếu đứng đầu danh sách giảm giá của nhóm ngành này là IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật với 15%. IJC giảm điểm trong tuần kèm với thanh khoản duy trì ở mức cao với khối lượng khớp lệnh mỗi phiên đều trên 8 triệu cổ phiếu.
Tiếp sau đó, cổ phiếu TID của CTCP Tổng công ty Tín Nghĩa giảm 13,2% sau một tuần giao dịch. Thanh khoản của TID cũng có thanh khoản tăng mạnh so với tuần trước. Tổng khối lượng khớp lệnh trung bình là hơn 320.000 cổ phiếu/phiên, gấp đôi tuần trước.
Tâm điểm ở nhóm bất động sản tuần qua thuộc về FLC của CTCP Tập đoàn FLC. Trong tuần, FLC đã tăng đến gần 38% từ 8.020 đồng/cp lên 11.050 đồng/cp và chính thức vượt mệnh giá (10.000 đồng/cp). Như vậy, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT của FLC đã thực hiện được “lời hứa” đưa FLC lên mệnh giá, dù trễ hẹn 2 lần vào năm 2019 và 2020.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ban lãnh đạo FLC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất hơn 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 1.100 tỷ đồng (gấp 3 lần so với thực hiện 2019), lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng. HĐQT FLC dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận luỹ kế 2021 với tỷ lệ 10% (cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt sẽ do HĐQT quyết định). Bên cạnh đó, công ty cũng đang có kế hoạch tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ, dự kiến được trình lên ĐHĐCĐ vào ngày 12/4 tới.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, VIC của Tập đoàn Vingroup tăng 3,7% và là nhân tố chủ chốt trong việc nâng đỡ VN-Index, VIC đã có đóng góp lớn trong việc giúp chỉ số này hồi phục mạnh mẽ ở phiên cuối tuần.
NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va có được mức tăng nhẹ 0,6% trước sự rung lắc của thị trường chứng khoán nói chung. Trong khi đó, các cái tên gồm VHM của CTCP Vinhomes, VRE của CTCP Vincom Retail và BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp đều có một tuần giao dịch không mấy tích cực và đều giảm giá./.