Nhìn lại hệ sinh thái của đại gia Đức cá tầm và những khoản thế chấp tại ngân hàng MSB
Trước đó đại gia Đức cà Tầm được nhắc tới liên tục khi các doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái liên tục huy động đến 4.000 tỷ đồng trái phiếu.
CTCP Câu lạc bộ du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính cho giai đoạn 6 tháng từ 1/1 đến 30/6/2023.
Báo cáo ghi nhận Công ty đã có lãi gần 43 tỷ đồng nửa đầu năm 2023, trong khi nửa đầu năm ngoái đang chìm trong thua lỗ với số lỗ 111 tỷ đồng. Trước đó cả năm 2022 công ty ghi nhận lỗ 248,5 tỷ đồng còn năm 2021 cũng chỉ có lãi sau thuế hơn 2 tỷ đồng.
Chỉ tiêu | Kỳ trước | Kỳ này |
Vốn chủ sở hữu | 164,6 tỷ đồng | 207,5 tỷ đồng |
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu | 28,48 (4.688 tỷ đồng) | 7,62 (1.581 tỷ đồng) |
Dư nợ trái phiếu | 15,15 (2.500 tỷ đồng) | 4,55 (944 tỷ đồng) |
Lợi nhuận sau thuế | -111,8 tỷ đồng | 42,9 tỷ đồng |
Về tình hình tài chính, dù kinh doanh đã khởi sắc, có lãi gần 43 tỷ đồng, nhưng bức tranh tài chính của công ty vẫn chưa có cửa “sáng”. Hệ số nợ phải trả đến hết quý 2 vẫn đang gấp 7,6 lần vốn chủ sở hữu, lên 1.581 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu 944 tỷ đồng.
CLB Du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh được nhắc đến nhiều vào năm 2021 khi công ty huy động thành công lô trái phiếu NCRCH2123001 trị giá 2.500 tỷ đồng. Lô trái phiếu phát hành ngày 3/12/2021 và đáo hạn vào 3/12/2023. Thông tin về lô trái phiếu này không nhiều.
Cập nhật mới nhất từ HNX, Công ty đã mua lại hơn 2.131 tỷ đồng đối với lô trái phiếu này, số còn lưu hành hơn 368 tỷ đồng.
CLB Du thuyền Cam Ranh thành lập tháng 12/2015, ban đầu do ông Đinh Đức Tuấn làm Tổng Giám đốc. Tháng 3/2017 ông Lê Anh Đức lên làm Tổng Giám đốc. Cơ cấu cổ đông trước đó do CTCP Đầu tư và phát triển công nghệ Mefrimex sở hữu 80% và ông Đinh Đức Tuấn sở hữu 20% trên tổng vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Cập nhật tháng 4/2017 cơ cấu cổ đông thay đổi, trong đó ông Lê Anh Đức sở hữu 80% và bà Hà Thị Phương Thảo sở hữu 20% trên mức vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Tháng 11/2017 công ty công bố thông tin tăng vốn điều lệ gấp đôi, lên 100 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông ngoài ông Đức góp 80 tỷ (80%), bà Phương Thảo góp 18 tỷ (18%) còn có sự hiện diện của ông Hà Vân Hiển 2 tỷ (2%).
Tháng 4/2020 công ty tăng vốn điều lệ lên 110 tỷ đồng. Tháng 1/2021 tiếp tục tăng vốn lên thành 150 tỷ đồng. Tháng 12/2021 tăng vốn lên thành 170 tỷ đồng. Tháng 4/2022 tăng vốn tiếp lên thành 500 tỷ đồng – công ty vẫn do ông Lê Anh Đức làm Chủ tịch HĐQT.
Đại gia Đức cá tầm: hai doanh nghiệp liên quan huy động 4.000 tỷ đồng trái phiếu
Ông Lê Anh Đức còn được người trong ngành gọi với biệt danh đại gia Đức cá tầm. Ngoài vị trí Chủ tịch tại CLB Du thuyền Cam Ranh, ông Lê Anh Đức còn là lãnh đạo tại các doanh nghiệp cá tầm, trong đó có CTCP Cá tầm Việt Nam.
Ông Lê Anh Đức được xem là người sáng lập CTCP Cá tầm Việt Nam, từ 2009. Có một thời gian công ty được chuyển giao cho bà Hà Thị Phương Thảo là Chủ tịch trước khi trả về cho ông Đức vào năm 2017.
Thời điểm tháng 3.2019 Cá tầm Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông thay đổi rất lớn, trong đó ông Lê Anh Đức sở hữu 52,09%; bà Hà Thị Phương Thảo và ông Hà Văn Hải rút tên khỏi danh sách nắm giữ vốn, ông Hà Vân Hiền (3,71%). Đến tháng 8/2021 vốn điều lệ công ty đã lên đến 410 tỷ đồng.
Năm 2022 CTCP Cá tầm Việt Nam cũng gây bất ngờ khi phát hành 1.477 tỷ đồng trái phiếu. Lô trái phiếu CTVCH2224001 phát hành ngày 10/2/2022 và đáo hạn vào 10/2/2024. Đáng chú ý, lô trái phiếu hơn 1.477 tỷ đồng này phát hành trong bối cảnh Cá tầm Việt Nam có vốn điều lệ 410 tỷ đồng và kinh doanh bết bát.
Năm 2022 Cá tầm Việt Nam lỗ với số lỗ 6,8 tỷ đồng trong khi năm 2021 vẫn lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng.
Chỉ tiêu | Kỳ trước | Kỳ báo cáo |
Vốn chủ sở hữu | 175,3 tỷ đồng | 162,7 tỷ đồng |
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu | 0,4 (70 tỷ đồng) | 10,2 (1.660 tỷ đồng) |
Dư nợ trái phiếu | 9,08 (1.477 tỷ đồng) | |
Lợi nhuận sau thuế | 1,6 tỷ đồng | -6,8 tỷ đồng |
Tổng cộng chỉ trong vòng hơn 2 tháng, từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022, cả 2 doanh nghiệp liên quan đại gia Đức cá tầm đã huy động gần 4.000 tỷ đồng trái phiếu – con số khiến nhiều người giật mình. Giật mình hơn nữa khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ.
Ngoài những doanh nghiệp trên ông Đức còn được biết đến với những hoạt động trong mảng bất động sản. CTCP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang thành lập tháng 8/2014 do bà Hà Thị Phương Thảo làm người đại diện. Cập nhật năm 2016 cơ cấu cổ đông gồm CTCP Bất động sản Hà Quang (Hà Quang Land - góp 120 tỷ đồng - 40%), bà Hà Thị Phương Thảo (120 tỷ đồng - 40%), ông Hà Vân Hiền (30 tỷ đồng – 10%) và ông Phạm Quang tùng (30 tỷ đồng – 10%).
Tháng 8/2021 công ty cập nhật thông tin tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Các lãnh đạo gồm ông Lê Anh Đức - Chủ tịch HĐQT, và bà Hà Thị Phương Thảo là Tổng Giám đốc.
Hà Quang Land được biết đến là chủ đầu từ các dự án Khu đô thị Lê Hồng Phong I, Khu đô thị Lê Hồng Phong II và dưn án Nhà ở xã hội HQS. Website của Hà Quang Land cũng giới thiệu “Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Quang (Ha Quang Land) được thành lập từ năm 2001 với các cổ đông chiến lược là: Công ty Cổ phần Cá Tầm Việt Nam và Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC)”.
Những giao dịch thế chấp thú vị đổ về MSB
Lô trái phiếu 2.500 tỷ đồng không có nhiều thông tin. Còn đối với CLB Du thuyền nghỉ dưỡng Cam Ranh lại có nhiều thế chấp thú vị:
-Tháng 9/2021 - trước thời điểm phát hành lô trái phiếu 2.500 tỷ đồng – công ty mang toàn bộ lợi ích thu được trong quá trình thực hiện đầu tư phần diện tích còn lại chưa bán của dự án Câu lạc bộ du thuyền nghỉ dưỡng Cam Ranh – Khu 7, Khu Du Lịch Bắc Bán Đảo Cam Ranh, Phường Cam Nghĩa, Thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa (“DA Cam Ranh CityGate”) bao gồm nhưng không giới hạn các quyền khai thác, quyền chuyển nhượng dự án, quyền quản lý, quyền sử dụng các khoản phải thu, quyền hưởng lợi, các khoản phải thu hiện tại và trong tương lai phát sinh thế chấp tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải MSB.
Cùng thời điểm tháng 9/2021 ông Đức và bà Phương Thảo lại mang 11 triệu cổ phần CLB Du thuyền Nghỉ dưỡng Cam Ranh thế chấp cũng tại MSB. Thời điểm đó công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng - số cổ phần mang đi thế chấp chiếm 73,3% vốn điều lệ công ty.
-Những lần sau đó, công ty cũng thường xuyên có những giao dịch thế chấp mà tài sản là xe ô tô các loại.
-Mới đây nhất, tháng 4/2023 công ty lại mang toàn bộ phần vốn góp trong Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh, giá trị phần vốn góp 120 tỷ đồng, chiếm 79,5% vốn điều lệ công ty, đi thế chấp cũng tại MSB.
-Ông Đức và bà Thảo tuy không cùng địa chỉ thường trú, nhưng lại thườn xuyên đứng tên cùng nhau tại các giao dịch đảm bảo. Từ năm 2020 2 người từng đưa 90.000 cổ phần của CTCP Trần Thái cam Ranh đi thế chấp tại MSB. Tháng 8/2021 tiếp tục mang 1,5 triệu cổ phần Trần Thái Cam Ranh đi thế chấp tại MSB, tiếp đó là 11 triệu cổ phần thế chấp nói trên. Trần Thái Cam Ranh được biết đến là chủ đầu tư dự án The Arena Cam Ranh.
-Lần gần đây nhất, thàng 4/2023 – cùng thời điểm CLB Du Thuyền có giao dịch thế chấp thì ông Đức cũng có giao dịch thế chấp tại MSB, tài sản đảm bảo là 11.482.567 cổ phần của CTCP Tầm Long Đa Mi thế chấp tại MSB.
-Tháng 6/2023 CTCP Tầm Long Đa Mi cũng lại đem toàn bộ phần vốn góp trong Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh, tương ứng 31 tỷ đồng, chiêm 20,53% vốn điều lệ, đi thế chấp tại MSB.
Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh thành lập tháng 6/2014 với ngành nghề kinh doanh chính là nuôi trồng thủy sản.
Cập nhật tháng 2/2022 công ty tăng vốn điều lệ từ 62,46 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông có Công ty TNHH Growbest Việt Nam (64,7%) và CTCP CLB Du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh sở hữu 35,3%. Tháng 7/2022 cơ cấu cổ đông có thay đổi khi CLB Du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh sở hữu 70,6% và Growbest Việt Nam sở hữu (29,4%). Lần gần đây nhất, tháng 5/2023 công ty thay đổi cơ cấu cổ đông, Cá tầm Long Đa Mi sở hữu 30,53% và CLB du thuyền Cam Ranh sở hữu 79,47% - khớp với 100% sổ cổ phần đã mang đi thế chấp tại MSB.