NHNN bán vàng cho dân: 'Mua bao nhiêu có bấy nhiêu, giá sẽ hạ ngay’
TS. Cấn Văn Lực khẳng định, việc bán vàng qua nhóm ngân hàng Big 4 chỉ là biện pháp trước mắt khiến giá giảm ngay. Về lâu dài cần đảm bảo thị trường vàng minh bạch và ngăn chặn thao túng giá, xoá bỏ độc quyền có thể xử lý dứt điểm được câu chuyện chênh lệch giá.
Big 4 sẵn sàng bán vàng trực tiếp
Ông Phạm Quang Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết từ ngày 3/6, 4 ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank sẽ bán vàng trực tiếp tới người dân.
Cũng theo ông Dũng, nguồn cung vàng của các ngân hàng này là từ Ngân hàng Nhà nước với mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định căn cứ theo giá thế giới. Với mạng lưới rộng khắp cả nước, các ngân hàng nhóm Big4 này đã chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.
Đánh giá về việc bán vàng trực tiếp đến người dân thông qua các ngân hàng Big4, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho hay đây là một biện pháp tăng nguồn cung.
Giải pháp này được coi như “chỉ định thầu” và có thể thay thế cho đấu thầu vàng miếng vừa qua. Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định mức giá hợp lý dựa trên giá vàng thế giới. Điều quan trọng là bán vàng thông qua các ngân hàng Big4 thì giá bán phần lớn sẽ phụ thuộc vào giá mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vì nếu cộng với biên lợi nhuận của các ngân hàng cũng không chênh quá 1 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, việc thông báo cung ứng cho các ngân hàng sẽ hạn chế khả năng bị làm giá, thao túng giá vàng vì theo Ngân hàng Nhà nước người dân “cần mua bao nhiêu, có bấy nhiêu”.
Tuy nhiên, ông Lực cũng khẳng định việc bán vàng qua nhóm ngân hàng Big 4 chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài cầnđảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá trên thị trường vàng thì mới có thể xử lý được câu chuyện chênh lệch giá.
Thứ hai là giải pháp căn cơ, lâu dài hơn là phải tăng nguồn cung vàng bằng việc cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu.
Thứ ba, là phải bỏ đi câu chuyện nhập khẩu, từ độc quyền vàng miếng, độc quyền nhập khẩu, bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC. Và cuối cùng là sớm sửa Nghị định 24 do các quy định đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại và sứ mệnh chống vàng hoá đã được hoàn thành.
Giá vàng tăng cao là biến động chung trên thế giới
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Lâm Tổng giám đốc ngân hàng BIDV cho biết, để thực hiện bán vàng cho người dân từ đầu tuần tới, ngân hàng đã hoàn thiện thủ tục thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước, đồng thời, công bố danh sách các điểm bán vàng miếng, thời gian bắt đầu thực hiện bán vàng miếng trên website của ngân hàng và sẽ công bố công khai hàng ngày giá bán vàng trên website của BIDV.
“Chúng tôi sẽ thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bàn chính về kinh doanh vàng (Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa -Vũng Tàu…). Trước mắt là triển khai ngay tại TP. HCM và Hà Nội”, ông Lâm nói.
Cũng theo Tổng giám đốc BIDV, ngân hàng không đặt mục tiêu lợi nhuận trong việc phân phối vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước.
“Chúng tôi xác định nhằm thực hiện chủ trương bình ổn thị trường của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ Ngân hàng Nhà nước. Việc này sẽ góp phần để sớm hiện thực hoá mục tiêu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới”, ông Lâm khẳng định.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 ngày 29/5, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, giá vàng tăng cao và biến động là biến động chung của các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Trong nước, giá vàng diễn biến phức tạp và cũng diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng và đặc biệt là giá vàng SJC. Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt cả Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành phải thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định 24 để có thể thu hẹp về chênh lệch giá vàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng là một nhiệm vụ thách thức. Bởi vì chúng ta thực hiện trong điều kiện giá vàng quốc tế vẫn liên tục biến động và phức tạp. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường. Và thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá thì giảm không được như kỳ vọng.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã dừng đấu thầu để đánh giá tình hình và tìm ra các nguyên nhân cũng như xây dựng một phương án mới để bắt đầu triển khai trong tuần tới nhằm giảm được chênh lệch giá vàng trong thời gian tới, đi đôi với minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng.
“Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt ở các bộ, ngành phải phối hợp từ tất cả các khâu để tăng cường minh bạch các giao dịch thị trường vàng và Ngân hàng Nhà nước đã quyết định lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn, chứng từ, các giao dịch về phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch về vàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.