NHNN bơm lượng lớn thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt
Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng nóng, NHNN đã bơm lượng lớn thanh khoản để 'ghìm cương' tỷ giá và giúp lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt.
Trong 2 phiên giao dịch gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Ngày 5/11, trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), NHNN chào thầu 20.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4%/năm, đấu thầu khối lượng. Kết quả, có 19.999,95 tỷ đồng trúng thầu và 14.999,91 tỷ đồng đáo hạn, tương ứng mức bơm ròng gần 5.000 tỷ đồng.
Còn trên kênh tín phiếu, trong phiên này, nhà điều hành chào thầu ở kỳ hạn 28 ngày theo hình thức đấu thầu lãi suất. Kết quả, có 600 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất giữ ở mức 3,9%/năm và có 3.600 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, tương ứng mức bơm ròng 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, trong phiên 5/10, NHNN đã bơm ròng 8.000 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng qua 2 kênh OMO và tín phiếu. Đây là phiên bơm ròng thanh khoản thứ hai liên tiếp của NHNN từ đầu tuần này.
Trước đó, trong phiên 4/11, NHNN đã bơm ròng lượng lớn thanh khoản trên hai kênh OMO và tín phiếu.
Cụ thể, trên kênh OMO, NHNN chào thầu 30.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 4%. Có 29.999,97 tỷ đồng trúng thầu. Ngược lại, có 10.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố. Tính chung, NHNN đã bơm ròng gần 20.000 tỷ qua kênh OMO trong phiên 4/11.
Mặt khác, NHNN tiếp chào thầu tín phiếu NHNN ở kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 300 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất giữ ở mức 3,90%. Trong khi đó, có 3.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tương ứng, NHNN đã bơm ròng 3.600 tỷ đồng trên kênh tín phiếu.
Tổng cộng, trên hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN bơm ròng gần 23.600 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở trong phiên 4/11.
Trong bối cảnh nhà điều hành tích cực hỗ trợ thanh khoản hệ thống, lãi suất liên ngân hàng đã quay đầu giảm sau phiên tăng nóng đầu tuần (4/11).
Ngày 4/11, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng rất mạnh. So với phiên cuối tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng tới 1,38-2,23% ở tất cả kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống trong phiên 4/11.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên 6,08%/năm; lãi suất 1 tuần lên 6,11%/năm; lãi suất 2 tuần lên 5,35%/năm và lãi suất 1 tháng lên 4,9%/năm.
Nhưng trước việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống của nhà điều hành, lãi suất liên ngân hàng đã quay đầu giảm.
Ngày 5/11, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đã giảm 0,25-0,58% ở tất cả kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần. Lãi suất kỳ hạn qua đêm xuống còn 5,65%/năm.
Dù giảm trở lại nhưng lãi suất liên ngân hàng hiện vẫn ở mức cao nhất. Điều này giúp đưa chênh lệch lãi suất VND-USD về mức dương sau thời gian dài duy trì ở trạng thái âm.
Những diễn biến mới đây trên thị trường liên ngân hàng xuất hiện trong bối tỷ giá USD/VND liên tục tăng nóng trong những tuần gần đây, tiệm cận vùng đỉnh lịch sử.
Giá USD tại các ngân hàng đã liên tục niêm yết sát, thậm chí kịch trần suốt hai tuần qua và đã tăng 4,3% kể từ đầu năm. Giá USD trên thị trường tự do đã chạm mức 25.900 đồng/USD.
Ngoài áp lực từ thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND cũng chịu sức ép do nhu cầu ngoại tệ có xu hướng gia tăng vào cuối năm.
Giới phân tích cho rằng, nhu cầu ngoại tệ thanh toán của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và FDI phát sinh trong nửa đầu tháng 10 kết hợp với đà tăng mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới là yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của tỷ giá USD/VND trong tháng 10.
NHNN đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ các công cụ của mình để kiềm chế đà tăng của tỷ giá.
Công cụ đầu tiên được NHNN sử dụng là mở lại kênh phát hành tín phiếu từ ngày 18/10 sau gần 2 tháng tạm ngưng.
Trong khi đó, với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, NHNN vẫn sẵn sàng cho vay qua kênh OMO nhưng các nhà băng này phải chấp nhận mức lãi suất không rẻ, ở mức 4%/năm.
Việc NHNN sử dụng đồng thời hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.