Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng nguồn cung hạn hẹp
Hiện nay, nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội của công nhân lao động thu nhập thấp rất nhiều. So với các phân khúc nhà ở khác, dự án nhà ở xã hội số lượng nhỏ giọt, chỉ phục vụ được số ít người lao động thu nhập thấp.
Trong khi đó, ở phân khúc hạng sang, cao cấp lại chiếm tỷ trọng rất lớn. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong giải quyết nhà ở cho công dân, những người có nhu cầu mua nhà giá rẻ khó tiếp cận nguồn cung phù hợp, còn phân khúc hạng sang nhiều nhưng không đủ tiền mua.
Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội
Tình trạng lệch pha cung cầu đang diễn ra trên thị trường, đặc biệt thừa phân khúc căn hộ hạng sang nhưng lại thiếu căn hộ giá rẻ. Điều này không chỉ xảy ra tại một số thành phố lớn mà ở nhiều tỉnh thành trên cả nước hiện cũng thiếu trầm trọng nhà ở xã hội.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 4 dự án chung cư nhà ở xã hội (NƠXH) đã được triển khai với diện tích đất 4,11 hecta, tổng số căn hộ 1.773 căn. Các dự án này hoàn thành, căn hộ được đưa vào sử dụng, tuy nhiên chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ về nhu cầu NƠXH cho người dân.
Thực trạng này gây ra không ít khó khăn cho người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn vì khó tiếp cận với các dự án nhà ở hợp với túi tiền.
Được biết, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland làm chủ đầu tư chung cư cho người thu nhập thấp ở phường Xuân Phú (TP.Huế) với tổng số 651 căn hộ đã bán hết.
Thông tin từ Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, ngoài 4 dự án NƠXH đã được triển khai và hoàn thành, trong giai đoạn 2021-2025, có 5 dự án chung cư NƠXH đã được các cơ quan chức năng chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020-2021 với diện tích đất 17 hecta, tổng số căn hộ 6.238 căn, tổng diện tích sàn nhà ở 658.680m2.
Dự án NƠXH độc lập đang kêu gọi đầu tư có 6 dự án với diện tích đất 47,67 hecta, tổng số căn hộ 7.193 căn, tổng diện tích sàn nhà ở 818.290m2. Quỹ đất 20% NƠXH từ dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đang kêu gọi đầu tư có 7 dự án NƠXH với diện tích đất là 14,17 hecta, tổng số căn hộ 6.329 căn, tổng diện tích sàn nhà ở 524.520m2.
Còn tại tỉnh Bình Dương, tính đến năm 2022, địa phương này có khoảng 2,7 triệu dân với khoảng 1,5 triệu lao động đang ở nhà thuê. Toàn tỉnh hiện có 25 dự án nhà ở xã hội với trên 1,4 triệu m2 sàn. Gần nhất, dự án nhà ở xã hội quy mô gần 1.000 căn ở TP Thủ Dầu Một vừa được khởi công hồi tháng 9, đáp ứng nhà ở cho lượng lớn người lao động đang tăng tại địa phương.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM nhìn nhận hầu hết công nhân nhập cư tại Bình Dương kéo theo gia đình của họ đã làm thay đổi cơ cấu dân số của tỉnh, từ đó tỷ lệ dân số nhập cư chiếm hơn một nửa dân số toàn tỉnh.
Theo phân tích của chuyên gia, năm 2022, mức thu nhập của công nhân dao động 5-7 triệu đồng. Số liệu này phản ánh thực tế là đời sống công nhân nhập cư rất khó khăn, các cuộc khảo sát về những khu nhà trọ cũng cho thấy vừa chật hẹp, ô nhiễm môi trường, thiếu tiện nghi sinh hoạt, và việc học hành của con em của họ cũng gặp nhiều khó khăn…
Mặc dù Bình Dương đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo nhà ở cho người lao động, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bình Dương đã xây dựng được khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở dành cho công nhân lao động nói chung, đạt khoảng 65% so với kế hoạch đã đặt ra.
Theo kế hoạch của tỉnh Bình Dương, dự kiến đến cuối năm 2023, Bình Dương khởi động và hoàn thành xây dựng thêm 20.000 căn hộ nhà ở xã hội mới.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố tính đến ngày 21/12/2022, thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng tại thành phố Thủ Đức với quy mô 260 căn.
Còn lại 9 dự án nhà ở xã hội đang thi công với quy mô gần 6.491 căn gồm 4 dự án nhà ở xã hội độc lập quy mô 3.004 căn và 5 dự án sử dụng quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội quy mô 3.227 căn. Có 2 dự án nhà cho công nhân thuê đang thi công với quy mô 1.400 căn.
Đối với nhà ở thương mại, từ đầu năm đến nay Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 25 dự án nhà ở thương mại với quy mô 12.147 căn, tổng giá trị cần huy động là 252.337 tỷ đồng.
Đáng chú ý, phân khúc cao cấp, giá bán trên 40 triệu đồng/m2, chiếm tới 78,3%, còn lại là phân khúc trung cấp, từ 20 - 40 triệu đồng/m2, không có phân khúc căn hộ bình dân, dưới 20 triệu đồng/m2.
Là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất nhưng thời gian qua phân khúc nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp tại TP.HCM lại khá ít. Điều này cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác trên cả nước khi phân khúc nhà ở giá rẻ không đáp ứng đủ nhu cần của công nhân, người lao động.
Thậm chí, không chỉ hạn chế về số lượng, rất nhiều dự án nhà ở xã hội còn chậm tiến độ. Đơn cử, dự án nhà ở xã hội FLC Garden City Đại Mỗ, do một công ty con của Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, theo tiến độ, quý 2/2022 là thời gian dự kiến chủ đầu tư bàn giao nhà, nhưng hiện tại dự án vẫn chưa hoàn thành.
Tương tự tại Hà Nội, Dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư, dù được triển khai từ năm 2014 nhưng giữa năm 2019 mới hoàn thành 2 toà nhà đầu tiên nhưng lại không đủ điều kiện bàn giao khiến hàng trăm khách hàng bức xúc. Cho đến tháng 12/2021, tòa nhà thứ 4 mới cất nóc và đây được xem là dự án xếp kỷ lục tại Hà Nội với 25 lần thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà nhưng vẫn "ế".
Một trường hợp khác là dự án nhà ở xã hội Sao Hồng tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Từ khi mở bán, dự án này nhận được sự quan tâm của nhiều công nhân, người thu nhập thấp trên địa bàn. Thế nhưng, chủ đầu tư hẹn bàn giao cho người lao động từ quý 1/2021, song đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa biết khi nào sẽ hoàn thiện, bàn giao.
Bộ trưởng Xây dựng: Đang thiếu gần 5 triệu m2 nhà ở xã hội
Ông Nguyễn Văn Đính Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản chia sẻ: "Thị trường Bất động sản đang thiếu cung, cơ cấu sản phẩm lại không cân đối, dự án nhà chung cư rất ít, nhà thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội gần như không có trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn, điều đó khiến giá bất động sản tăng. Các dự án nhà ở xã hội cần được tháo gỡ về mặt thủ tục, tăng nguồn cung để giảm giá nhà".
Bên cạnh nguồn cung căn hộ giá rẻ, nguồn cung ở các phân khúc nhất là căn hộ chung cư suy giảm đáng kể trong những năm qua do những vướng mắc thủ tục pháp lý.
Trước đó, khi trả lời chất vấn của địa biểu Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân được Nhà nước quan tâm, nhất là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân. Thời gian qua, tuy việc xây nhà ở xã hội đã đạt được kết quả nhưng so với yêu cầu đặt ra chưa như mong muốn, hiện mới đạt được 7,79 triệu m2 so với yêu cầu là 12 triệu m2. Như vậy, nhà ở xã hội mới đạt được 36% so với nhu cầu.
Theo ông Nghị, một số tồn tại là quy định pháp luật còn vướng mắc đặc biệt là Luật Nhà ở và Luật khác có liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư, giá nhà ở xã hội, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư, quy định nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% cho thuê. Đây là những hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội. Việc bố trí nguồn vốn xây nhà xã hội cũng gặp khó khăn, mới đáp ứng được 35% yêu cầu.
Một số địa phương cũng chưa thực sự quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân, nên chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất; chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh khu vực làm nhà ở xã hội; chưa quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia xây nhà ở xã hội.
Ông Nghị cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đồng thời, các cơ quan sẽ tập trung triển khai đề án phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đưa ra đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030). Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi rất nhiều điều kiện về chính sách và sự thuận lợi của thị trường bất động sản nói chung.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện thị trường bất động sản có rất nhiều dự án đầu tư chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường khi dư thừa nhà ở thương mại cao cấp, ít nhà ở giá trung bình phù hợp với đại đa số người dân.
Ông Sinh cho hay: "Chính phủ đã thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các bộ, ngành nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương rà soát dự án đang triển khai đủ điều kiện pháp lý, có khó khăn sẽ đôn đốc; các dự án còn vướng pháp lý thì làm rõ nội dung vướng mắc để tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án vướng các thủ tục pháp lý, khi được tháo gỡ khó khăn, sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường".