Nhức nhối quy hoạch treo, dự án chậm tiến độ
Chất lượng quy hoạch kém, nhiều dự án chậm tiến độ đang là vấn đề nhức nhối trên thị trường bất động sản và lĩnh vực xây dựng.
Nhan nhản dự án chậm “deadline”
Trong tháng 3/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã công bố danh sách 16 dự án bất động sản bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai trên địa bàn. Đây là kết quả từ việc rà soát 39 dự án dừng triển khai, chậm triển khai trước đó.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn Thành phố có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, chiếm tỷ lệ 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2012 - 2017. Trong đó, có 40 dự án chậm đưa đất vào sử dụng hơn 12 tháng kể từ khi được giao đất trên thực địa; 47 dự án chậm tiến độ thực hiện hơn 24 tháng.
Tuy nhiên, con số thực tế về các dự án chậm tiến độ còn lớn hơn nhiều lần. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai), nhưng khi tổng hợp từ các quận, huyện, Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội phát hiện thêm 172 dự án vi phạm, nâng tổng số lên 383 trường hợp.
Những quận, huyện có số dự án chậm triển khai, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án…
“Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai là do thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không quyết liệt; quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô”, vị đại diện Thành phố cho biết.
Sẽ thu hồi các dự án chậm tiến độ
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, liên quan đến các vấn đề điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch treo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, tình trạng quy hoạch treo, dự án treo diễn ra ở nhiều địa phương và đã ảnh hưởng tới quyền lợi, cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch.
Chẳng hạn, người dân muốn đầu tư xây dựng, muốn làm nhà, sửa chữa nhà cửa, đầu tư sản xuất thì không thể làm được vì vướng quy hoạch. Nhưng muốn chuyển đi nơi khác thì Nhà nước không có tiền để bồi thường giải phóng mặt bằng vì chúng ta chưa thực hiện các dự án đầu tư ở đây. Từ đó làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai và hiệu quả đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong xã hội.
Dự án Hà Nội Westgate bao năm vẫn là khu đất bỏ hoang
Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do chất lượng quy hoạch kém, dự báo thiếu chính xác, thiếu khoa học. Quy hoạch nhu cầu sử dụng đất vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn lực đầu tư. Mặt khác, công tác lập quy hoạch chưa gắn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện để cân đối các nguồn lực đầu tư, xác định lộ trình đầu tư trong từng giai đoạn phù hợp với khả năng của nguồn lực và đáp ứng yêu cầu quy hoạch, để từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh trong thời kỳ chưa thực hiện quy hoạch nhằm sử dụng hiệu quả đất đai.
Cũng do công tác quản lý thực hiện quy hoạch thiếu kế hoạch, dẫn đến tình trạng cấp phép dự án tràn lan, theo phong trào, không phù hợp với nhu cầu của thị trường về các sản phẩm bất động sản.
Nếu thực hiện tất cả các dự án được cấp phép sẽ dẫn đến dư thừa sản phẩm bất động sản và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản như đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), đại biểu Nguyễn Văn Dành (đoàn Bình Dương)... đã có ý kiến; nhưng nếu hạn chế xây dựng thì sẽ xảy ra tình trạng dự án treo, đất bỏ hoang như các vị đại biểu đã nói. Cùng với đó, việc lựa chọn các nhà đầu tư thiếu năng lực về quản lý và tài chính cũng là một nguyên nhân dẫn đến dự án treo, đất bỏ hoang.
“Thời gian tới, chúng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện quy hoạch, phát hiện những bất cập, xử lý kịp thời các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ do lỗi của nhà đầu tư. Xử lý trách nhiệm của các cán bộ gây ách tắc đến tiến độ thực hiện dự án, làm thiệt hại cho nhà đầu tư và nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhìn từ Hà Nội Westgate
Theo Điều 64, Luật Đất đai 2013, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng. Hết thời gian gia hạn chưa đưa vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi.
Theo quy định là như vậy, nhưng trên thực tế, có rất nhiều dự án bị chậm hàng năm trời, nhưng vẫn xin nới thời hạn thành công, cùng với đó là việc điều chỉnh quy hoạch dự án.
Mới đây, theo kết quả giám sát của Quốc hội được công bố, cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Trong đó, có nhiều dự án nằm trên địa bàn Thủ đô. Chưa bao giờ tình trạng quy hoạch treo, dự án gia hạn tiến độ lại gây nhức nhối như vậy.
Chẳng hạn, Dự án Hà Nội Westgate là một trong những điển hình của việc chậm tiến độ. Dù đã trễ hẹn gần 6 năm và tiếp tục xin nới “deadline”, dự án Hà Nội Westgate vẫn chưa thể khởi động.
Theo đó, ngày 31/10/2013, UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 011022002140 cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate (liên doanh giữa Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp - FBS và Công ty Keppel Land Ivestment (Hà Nội) Pte.Lte) đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate; tiến độ thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Sau 5 năm bất động, đến tháng 10/2018, dự án lại được điều chỉnh.
Cụ thể, theo Thông báo số 948/TB-UBND, ngày 2/10/2018 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Khu đô thị Hà Nội Westgate được điều chỉnh ở một số nội dung như sau:
Điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án: Chuyển từ các nhà đầu tư góp vốn sang nhà đầu tư là doanh nghiệp đã thành lập để thực hiện dự án (trước đó, giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate - liên doanh giữa Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp và Công ty Keppel Land Invesment Ha Noi Pte.lte, trong đó Keppel Land Invesment Ha Noi Pte.lte giữ 60% cổ phần).
Điều chỉnh diện tích đất thực hiện dự án khoảng 452.458 m2 trên khu vực nghiên cứu lập quy hoạch là 567.929 m2.
Điều chỉnh vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 24.529.000.000 VND, đưa tổng vốn đầu tư lên thành 2.995.329.000.000 VND. Trong đó, giữ nguyên vốn góp là 742.700.000.000 VND (bằng 24,8% vốn đầu tư), và tăng vốn vay/vốn huy động thêm 24.529.000.000 VND.
Đặc biệt, tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh theo hướng kéo dài thêm 5 năm. Cụ thể, thi công xây dựng từ quý IV/2018 và đưa công trình khai thác vào quý IV/2023.
Ngoài ra, trong một diễn biến khác, đại diện truyền thông của Keppel Land Group khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, từ tháng 9/2015, Keppel Land đã thoái toàn bộ vốn tại Dự án Hanoi Westgate.
Như vậy, với việc đối tác lớn là Keppel Land Invesment Ha Noi Pte.lte (chiếm 60% cổ phần liên doanh) thoái toàn bộ vốn khỏi dự án, rất có thể, Hà Nội Westgate sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Còn người dân thì vẫn đang chờ xem động thái của Hà Nội với những dự án nhiều năm đắp chiếu, hoang hóa sẽ được xử lý ra sao, hay lại rơi vào tình trạng “giơ cao đánh khẽ”.
Theo Thành Nguyễn/ Báo Đầu tư Bất động sản