Những điều bất ngờ trong bức tranh tài chính của Tập đoàn Vĩnh Hưng - ‘đại gia mới nổi’ Quảng Bình
Tập đoàn Vĩnh Hưng đang nổi lên như một đại gia địa ốc của tỉnh Quảng Bình khi nắm trong tay ít nhất 6 dự án khu nhà ở và khu du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, có khá nhiều điều bất ngờ khi nhìn vào bức tranh tài chính của doanh nghiệp này.
Sơ phác hình hài Tập đoàn Vĩnh Hưng
Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng (tên gọi cũ là Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng) được thành lập ngày 9/9/2010, có trụ sở chính tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngành nghề chính là xây dựng nhà các loại.
Những năm đầu, chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc công ty là ông Phạm Thành Trung. Ông Trung sinh năm 1985, thường trú tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vốn điều lệ cho tới năm 2015 của công ty chỉ 3 tỷ đồng, cho thấy tính chất nhỏ lẻ của một doanh nghiệp địa phương.
Bất ngờ xảy ra vào năm 2016 khi Tập đoàn Vĩnh Hưng có màn tăng vốn ấn tượng lên 80 tỷ đồng vào tháng 9 rồi tiếp tục tăng mạnh lên 388 tỷ đồng vào tháng 11 cùng năm. Nghĩa là chỉ trong 1 năm, Tập đoàn Vĩnh Hưng đã tăng vốn lên gấp 129 lần.
Tháng 11/2017, Tập đoàn Vĩnh Hưng tiếp tục tăng vốn lên 450 tỷ đồng. Tới tháng 1 năm sau, biến động nhân sự xảy ra khi ông Phan Văn Duộc xuất hiện để nắm giữ chức giám đốc của ông Trung (ông Trung vẫn là chủ tịch HĐTV). Cũng từ đây, ông Duộc là người đại diện theo pháp luật của công ty này cho đến hiện nay. Được biết, ông Duộc sinh năm 1950, người xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Tháng 12/2019, Tập đoàn Vĩnh Hưng có màn tăng vốn thứ 4, lên 522 tỷ đồng. Kế đó, tháng 3/2020, công ty tiếp tục tăng vốn rất mạnh lên 1.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Tuy nhiên, mức vốn này chỉ được duy trì trong 2 năm, đến tháng 4/2022 thì bất ngờ sụt giảm rất mạnh xuống chỉ còn 300 tỷ đồng.
Ngoài pháp nhân chính Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng còn có liên quan đến 2 pháp nhân khác là Công ty TNHH Đại Trung Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Phong Nha Vĩnh Hưng. Cả hai pháp nhân này đều có trụ sở tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và có ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Công ty TNHH Đại Trung Vĩnh Hưng được lập ra vào tháng 2/2020, ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do ông Phan Văn Duộc là chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc. Ông Duộc, như trên đã nói, là giám đốc của Tập đoàn Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, tới tháng 3/2022, ông Duộc đã chuyển giao vị trí của mình cho ông Phạm Hoài Hòa (sinh năm 1985, thường trú xã Hải Phú, huyện Bố Trạch). Chỉ sau đó 3 ngày, vốn điều lệ của Đại Trung Vĩnh Hưng sụt xuống chỉ còn 17 tỷ đồng.
Về Công ty TNHH Phong Nha Vĩnh Hưng, doanh nghiệp này thành lập ngày 26/2/2020, có vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, cũng do ông Phan Văn Duộc làm chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc. Tuy nhiên, tới tháng 3/2022, ông Duộc cũng thoái lui khỏi đây, nhường vị trí cho ông Phạm Ngọc Thưởng (sinh năm 1974, thường trú xã Quang Phú, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Cũng chỉ sau đó 3 ngày, vốn điều lệ công ty rút xuống chỉ còn 15 tỷ đồng.
Bất ngờ bức tranh kinh doanh
Từ một doanh nghiệp nhỏ bé, Tập đoàn Vĩnh Hưng đã vươn tới tầm công ty nghìn tỷ chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi. Đi liền với đó là sự mở rộng danh mục đầu tư bất động sản tại quê nhà Quảng Bình.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Tập đoàn Vĩnh Hưng hiện làm chủ đầu tư của ít nhất 6 dự án, gồm: khu nhà ở thương mại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (quy mô 8ha, tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, tiến độ 2018 – 2022); khu nhà ở thương mại tại xã Phú Trạch (quy mô hơn 4,1 ha, tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng, tiến độ 2017 – 2022); khu nhà ở thương mại tại xã Lý Trạch (quy mô 9,7 ha, tổng mức đầu tư 525 tỷ đồng, tiến độ 2017 – 2021);
Khu nhà ở thương mại tại xã Trung Trạch (quy mô 8 ha, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, tiến độ 2017 – 2021); khu nhà ở thương mại xã Nhân Trạch (quy mô 15 ha, tổng mức đầu tư 638 tỷ đồng, tiến độ 2017 – 2022) và khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí Vĩnh Hưng tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch (quy mô 90 ha, tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng).
Về kết quả kinh doanh, Tập đoàn Vĩnh Hưng làm ăn sa sút trong 2 năm trở lại đây. Nếu như giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu thuần tăng đều đặn từ 19 tỷ đồng lên 315 tỷ đồng thì năm 2020, doanh thu thuần giảm rất mạnh xuống 108 tỷ đồng rồi giảm tiếp còn 71 tỷ đồng vào năm 2021. Như vậy, mỗi năm, doanh thu thuần giảm hàng chục %.
Song, điều bất ngờ hơn là lợi nhuận. Lợi nhuận của Tập đoàn Vĩnh Hưng ở mức “siêu mỏng” trong suốt giai đoạn 2017 – 2021. Ngoại trừ 2020 là năm có lợi nhuận sau thuế ở mức tỷ đồng, các năm còn lại, lợi nhuận sau thuế chỉ dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Cụ thể, năm 2017 là 512 triệu đồng, năm 2018 là 11 triệu đồng, năm 2019 là 228 triệu đồng, năm 2021 là 806 triệu đồng.
Cần nhớ rằng từ năm 2017, Tập đoàn Vĩnh Hưng đã có vốn điều lệ 450 tỷ đồng và những năm tiếp theo vốn đã đạt tới nghìn tỷ. Một tập đoàn có quy mô vốn lớn như vậy lại chỉ có mức lợi nhuận “mỏng như tráng men” là điều khá bất ngờ.
Nhìn sâu hơn vào kết quả kinh doanh năm 2021, có thể thấy rõ hơn sự xuống dốc trong kết quả kinh doanh của Tập đoàn Vĩnh Hưng: doanh thu thuần 71 tỷ đồng, giảm 34%; lợi nhuận gộp chỉ 11 tỷ đồng, giảm 32%; doanh thu tài chính chỉ 299 triệu đồng, giảm 19%.
Thứ gần như duy nhất tăng là chi phí – chi phí quản lý kinh doanh tăng 55%, đạt 10 tỷ đồng.
Kết quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh còn 1 tỷ đồng, giảm tới 89% so với năm trước. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 806 triệu đồng, giảm 91%.
Dòng tiền kinh doanh năm 2021 của Tập đoàn Vĩnh Hưng âm 16 tỷ đồng (năm 2020 còn âm tới 183 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư âm 113 tỷ đồng. Công ty lại không có dòng tiền tài chính, kết quả là tiền và tương đương tiền năm 2021 “bay” hơn 100 tỷ đồng so với năm trước đó.
Cấu trúc lạ của bức tranh tài chính
Cấu trúc bảng tài sản của Tập đoàn Vĩnh Hưng cũng là điều khiến nhà đầu tư cảm thấy tương đối lạ. Lấy cụ thể năm 2021, tổng tài sản đạt 1.324 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước.
Một phần lớn tài sản nằm ở khoản “đầu tư tài chính” (468 tỷ đồng) - là khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Một phần lớn tài sản khác lại trữ ở dạng tiền và tương đương tiền, tới 415 tỷ đồng.
Các phải phải thu chỉ 292 tỷ đồng, tồn kho chỉ 79 tỷ đồng, chiếm một tỷ trọng vừa phải.
Cấu trúc này cho thấy Tập đoàn Vĩnh Hưng dường như có hình hài của một công ty đầu tư. Chỉ có điều khoản đầu tư của công ty cho ra kết quả kém khả quan. 468 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác (tương đương 35% tổng tài sản) cùng 415 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (tương đương 31% tổng tài sản) lại chỉ cho ra 299 triệu đồng doanh thu tài chính năm 2021 – một kết quả quá thấp!
Về nguồn vốn, giai đoạn 2017 – 2021, Tập đoàn Vĩnh Hưng nhờ màn tăng vốn ấn tượng (đã nói bên trên) nên có vốn chủ sở hữu dày dặn, tăng đều đặn, từ 439 tỷ đồng lên 1.011 tỷ đồng. Nhờ vậy, nợ phải trả không quá lớn, dù cũng tăng đáng kể, từ 15 tỷ đồng lên 313 tỷ đồng trong cùng giai đoạn.
Chỉ có điều, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối quá ít. Tại năm 2021, lợi nhuận sau thuế chưa phần phối chỉ hơn 1,3 tỷ đồng, so với năm trước đó chỉ tăng thêm… vài chục triệu đồng…