Những doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên công bố lợi nhuận quý 3/2022

Các doanh nghiệp dược phẩm đang lần lượt công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Tính đến ngày 18/10 đã ghi nhận kết quả của 6 doanh nghiệp với lợi nhuận đều khả quan.

Đầu tiên, CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 1.161 tỷ đồng, hơn 262 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 23% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Dược Hậu Giang đạt gần 3.346 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 752 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng 15% về doanh thu và tăng 24% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2022, Dược Hậu Giang lên mục tiêu doanh thu thuần 4.220 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 853 tỷ đồng. Với 836,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã đạt sát đích với 98% chỉ tiêu lợi nhuận năm và khoảng 79% kế hoạch doanh thu năm.

Những doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên công bố lợi nhuận quý 3/2022 - Ảnh 1

Tiếp đến, CTCP Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT) ghi nhận doanh thu thuần quý 3 hơn 491,5 tỷ đồng, tăng đến 51% so với cùng kỳ 2021 và lợi nhuận gộp tăng mạnh 94% lên gần 51 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt hơn 23 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp dược phẩm này ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.303 tỷ đồng. Trừ các chi phí phát sinh khác, lãi trước và sau thuế đạt lần lượt hơn 78 tỷ đồng và gần 63 tỷ đồng, đều tăng 23% so với cùng kỳ 2021.

Những doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên công bố lợi nhuận quý 3/2022 - Ảnh 2
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022 tại Dược phẩm Hà Tây.

Trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2022 diễn ra hồi đầu năm, Dược phẩm Hà Tây đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm với tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 62 tỷ đồng lần lượt giảm 6,8% và 30,7% so với thực hiện 2021.

Như vậy, so sánh với kế hoạch này, doanh nghiệp đã hoàn thành trên 87% tổng doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Tương tự, CTCP Dược phẩm Trung Ương 1- Pharbaco (UPCoM: PBC) cũng báo lãi quý 3 tích cực. Lãi sau thuế của doanh nghiệp này gần 25 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần tăng 13% đạt hơn 750 tỷ đồng và lợi nhuận gộp hơn 155 tỷ đồng, tăng 12%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp dược phẩm này báo lãi trước và sau thuế đạt gần 44 tỷ đồng và 40 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 20% so với cùng kỳ 2021.

Những doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên công bố lợi nhuận quý 3/2022 - Ảnh 3
Những doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên công bố lợi nhuận quý 3/2022 - Ảnh 4
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022 tại Dược phẩm Trung Ương 1- Pharbaco.

Cũng bội thu trong quý 3/2022 là trường hợp tại CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) .

Cụ thể, doanh thu quý 3 của Dược phẩm Imexpharm tăng trưởng 63% so với cùng kỳ, đạt gần 418 tỷ đồng và lợi nhuận gộp tăng tới 93% lên hơn 172 tỷ đồng. Sau khi khấu từ các khoản chi phí như tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh, doanh nghiệp dược phẩm này báo lãi trước thuế hơn 72 tỷ đồng, tăng tới 89% và lợi nhuận sau thuế cũng tăng 78%, đạt gần 55,8 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần tăng 25%, đạt hơn 1.086 tỷ đồng và lợi nhuận trước và sau thuế đạt hơn 197 tỷ đồng và 155 tỷ đồng, đều tăng 27% so với cùng kỳ 2021.

Năm 2022, Dược phẩm Imexpharm đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng 12,4%, đạt 1.450 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 15,1%, tương đương 275 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và hơn 72% kế hoạch về lợi nhuận.

Những doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên công bố lợi nhuận quý 3/2022 - Ảnh 5

Ngoài ra, CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (HNX: PMC) công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với những kết quả đột biến.

Cụ thể, trong kỳ doanh thu đạt 121,6 tỷ đồng - tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ 2021.  Do tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng giảm khá mạnh so với cùng kỳ nên biên lợi nhuận gộp của công ty cũng cải thiện đáng kể - đạt gần 40% so với mức gần 24% của quý 3/2021.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp kỳ này tăng lần lượt 4 và 2,8 lần cùng kỳ lên mức 13,5 tỷ và 11,3 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản thuế phí, Dược liệu Pharmedic báo lợi nhuận sau thuế đạt gần 20,4 tỷ đồng - gấp 6,8 lần mức 3 tỷ đồng của quý 3 năm ngoái. Dù vậy, con số này vẫn giảm nhẹ so với lợi nhuận thu về trong quý 2 (đạt 21,5 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty dược này đạt doanh thu gần 346 tỷ đồng, tăng gần 26% so với năm 2021; lãi sau thuế đạt 60,4 tỷ trong khi cùng là 40,3 tỷ đồng - tương ứng tăng gần 50%.

Năm 2022, PMC lên kế hoạch doanh thu 476 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 72,8 tỷ; cổ tức dự kiến là 24% bằng tiền. Như vậy, sau 3 quý, doanh nghiệp dược này đã lần lượt thực hiện được gần 73% chỉ tiêu doanh thu và chi tiêu 83% lợi nhuận cả năm.

Những doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên công bố lợi nhuận quý 3/2022 - Ảnh 6

Trước đó, CTCP Dược phẩm Agimexpharm (mã: AGP) cũng công bố báo cáo tài chính quý 3/2022  với kết quả tích cực. Theo đó, doanh thu quý 3/2022 tăng trưởng 32% đạt hơn 168,7 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng tới 74% lên hon 13 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt hơn  477 tỷ đồng, tăng 26% và lãi sau thuế tăng 51% lên hơn 34,7 tỷ đồng.

Triển vọng doanh nghiệp dược phẩm cuối năm 2022

Những doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên công bố lợi nhuận quý 3/2022 - Ảnh 7

SSI Research kỳ vọng ngành chăm sóc sức khỏe (bao gồm các công ty dược và bệnh viện tư nhân niêm yết) tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm sẽ cao hơn tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022, ước tính tăng 13% so với cùng kỳ.

Đơn vị đánh giá động lực tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm cũng khá giống với giai đoạn nửa đầu năm 2022, nhưng với mức nền so sánh thấp hơn. Mức tăng trưởng này được hỗ trợ bởi 3 yếu tố, bao gồm mức nền so sánh về lợi nhuận thấp của năm ngoái do ảnh hưởng của giãn cách xã hội trên toàn quốc tới lượt thăm khám tại bệnh viện cũng như lượt khách tại các cửa hàng thuốc; thiếu hụt nguồn cung thuốc do quy trình đăng ký thuốc hiện bị siết chặt, các công ty tận dụng tình hình này để điều chỉnh giá thuốc bù lại chi phí tăng và cải thiện lợi nhuận sản phẩm; và nhu cầu chăm sóc sức khỏe chuyển dịch nhanh hơn từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, dưới áp lực lương thấp, rủi ro sức khỏe và rủi ro pháp lý cao, và cơ sở vật chất yếu kém trong khu vực công.

Cùng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - HoSE:VDS ) đánh giá doanh thu dược phẩm sẽ tăng trưởng tích cực trong ngắn hạn do mức nền thấp của kênh bệnh viện. Bên cạnh đó, đơn vị này cho rằng cuộc đua mở rộng thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ và xây dựng mới bệnh viện giúp ngành dược mở rộng kênh bán hàng. Nửa đầu năm 2022, các chuỗi nhà thuốc có thương hiệu như Pharmacity, Long Châu, An Khang tăng tốc mở mới tổng số gần 1.000 cửa hàng thuốc giúp cho doanh thu kênh OTC tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng với 56.000 cửa hàng thuốc truyền thống, VDSC cho rằng sẽ còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đẩy mạnh doanh thu từ kênh bán lẻ.

Hà Phương

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ