Những đồng tiền điện tử không quốc tịch
Cơn điên lặp đi lặp lại với tiền điện tử, từ đồng Bitcoin cho tới loạt coin động vật. Không phải ngẫu nhiên tiền điện tử vẫn bị dè dặt.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc - có thể sẽ cấm viĩnh viễn Bitcoin, cũng như các loại tiền mã hóa, tiền điện tử khác. Thông tin được một vị quan chức về tài chính, ngân hàng đưa ra đầu tháng 6/2021 không khiến nhiều người bất ngờ. Thực chất, từ gần mười năm về trước, quốc gia tỷ dân này đã thể hiện thái độ ''ghẻ lạnh'' với tiền điện tử. Con cháu của những nhà buôn chinh chiến trên ''con đường tơ lụa'' thưở xưa rõ ràng chỉ tin vào những tờ giấy có giá hoặc những đồng vàng nắm chặt được trong lòng bàn tay.
Sự cảnh giác với tiền điện tử có lẽ, cũng bởi những lý do tương tự. Nỗi thất vọng của nhiều người dân xứ sở cờ hoa khi vào tháng 5/2021, công ty đường ống dẫn nhiên liệu hàng đầu bị tin tặc tấn công và khoản tiền chuộc được đồn đoán trả bằng Bitcoin đã minh chứng một thực tế không thể chối cãi rằng, tiền điện tử rất dễ dàng bị lợi dụng, đồng thời, là giải pháp tối ưu cho các hành vi phạm pháp. Lựa chọn công nhận tiền điện tử là phương tiện thanh toán chính thức của một quốc gia Trung Mỹ hẳn phải mang theo những toan tính win - win kiểu khác.
Một khoảng xám về Bitcoin hay các đồng tiền mã hóa đang tồn tại ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển. Trung Quốc, Mỹ, châu Âu đều có quan điểm giám sát chặt chẽ những đồng tiền mã hóa, bởi lẽ, các dịch vụ thanh toán dựa trên Internet cho phép bên thứ ba tài trợ từ các nguồn ẩn danh có thể đối mặt với nguy cơ gia tăng của hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Thế nhưng, không thể đi ngược lại một xu thế gần như là tất yếu, đặc biệt, khi nền kinh tế toàn cầu đã bước lên và sẽ tồn tại ở một trạng thái khác, với cách thức vận hành và những luật chơi khác hẳn.
Như một sự lặp lại cuộc chơi trên thị trường chứng khoán vào những giai đoạn sơ khai, những cơn điên lặp đi lặp lại hết với Bitcoin rồi tới Dogecoin và nhiều đồng tiền điện tử khác. Niềm tin vào đồng tiền hay chính xác vào cơ may trở thành triệu phú, tỷ phú theo kiểu 'tiền đẻ ra tiền' có vẻ như đang hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư.
Tất nhiên, tại những cuộc chơi lớn, với mục đích kinh tế đạt được theo nhiều con đường khác nhau, sẽ khó xảy ra những cú sập sàn chớp nhoáng như kiểu các sàn tự nhận giao dịch ngoại hối ở các nước đang phát triển. Chỉ có điều, nói như Bill Gates, "Bitcoin có thể tăng hoặc giảm dựa trên cảm xúc hoặc quan điểm của bất kỳ ai" và "nếu có ít tiền hơn Elon Musk, hãy cân nhắc khi đầu tư vào Bitcoin".
Quả thật, tham vọng về một kiểu phương tiện thanh toán mới trong nền kinh tế số sẽ duy trì sự tồn tại cho đồng tiền số hiện hữu và cũng sẽ thúc đẩy sự ra đời của nhiều loại tiền số mới. Tuy nhiên, nếu xét từ điểm nhìn này, mối quan tâm của các quốc gia đối với đồng tiền mã hóa không thể chỉ dừng lại ở việc kiểm soát và thu thuế các giao dịch, giảm thiểu tối đa việc lợi dụng tiền số để thực hiện hoặc hỗ trợ các hành vi phạm pháp. Một không gian kinh tế xuyên quốc gia và những đồng tiền không quốc tịch, thế giới phẳng sẽ không có cả những đường vạch biên giới.
Sự phản ứng, có thể, đã được ghi nhận dù thoạt nhìn, các động thái chưa thật sự rõ ràng. Không phải ngẫu nhiên, G7 đạt được thỏa thuận về việc tăng mức thuế phải nộp của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Quyết định cứng rắn mang tính chất truyền cảm hứng này chắc chắn sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi G7.
Ở đây, phải lưu ý tới sự thỏa hiệp của nước Mỹ, nơi khai sinh của nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ. Mỹ buộc phải tước bớt quyền lợi của những đứa 'con cưng' vì thiện chí với các đồng minh thân cận hay đó là ánh nhìn nghiêm khắc với những tập đoàn đang xao lãng mục tiêu 'nước Mỹ trên hết'? Liệu biện pháp răn đe đó có thật sự hiệu quả?
Châu Âu chậm chân hơn trong cuộc chạy đua phủ sóng công nghệ toàn cầu và họ đang tìm cách khắc phục. Giữa tháng 6/2021, Tổng thống Pháp đã kêu gọi Liên minh châu Âu EU thành lập 10 siêu tập đoàn công nghệ, mỗi tập đoàn có giá trị vốn hóa 100 tỷ Euro vào năm 2030. Chưa thể đoán được, họ có học được gì từ nỗi khó xử của người Mỹ hiện tại hay không? Vì thế, vẫn có nhiều khả năng, nguồn lực được dồn để xây dựng và nuôi lớn những tập đoàn công nghệ trong khi ràng buộc mang tính chất quốc gia của nhóm doanh nghiệp này lại rất mong manh... Trung Quốc phải được xem như một trường hợp cá biệt.
Trong tương lai gần, khi nền kinh tế số phát triển ở mức độ rộng hơn, sự khác biệt về quyền lợi giữa các tập đoàn công nghệ và nơi chúng đăng ký giấy khai sinh sẽ ngày càng được nới rộng. Đương nhiên, càng khó tính tới mối liên hệ về quyền lợi của các tập đoàn công nghệ này với sự phát triển chung của toàn thế giới.
Tình thế sẽ khốc liệt hơn nhiều so với thời kỳ các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò quyết định nửa cuối thế kỷ trước. Bởi lẽ, khi nhóm hưởng thụ lợi ích thu hẹp, sự phân phối lại tài sản, quyền lợi... một cách tự nguyện hay cưỡng ép tất yếu sẽ giảm bớt. Đã vậy, họ không gắn bó với một quốc gia nào nhiều hơn thế giới số do chính họ tạo nên.
Đồng tiền mã hóa là mảnh ghép cuối cùng cho sự ưu thẳng của các tập đoàn công nghệ trong thời đại kinh tế số. Cuộc chạy đua khẳng định tính phổ biến, tiện lợi của các đồng tiền mã hóa, khi tới hồi kết sẽ giúp thiết lập các định chế tài chính cho nền kinh tế số toàn cầu. Khi cuộc xác lập vị thế hoàn tất, con voi có thể dễ dàng chui lọt mọi lỗ kim.
Một điều đáng lo ngại khác là mức độ ảo hóa của hàng hóa trong nền kinh tế số. Theo dữ liệu của nhà kinh tế học người Pháp Maurice Allais, ngay từ năm 1988, giá trị hàng ngày của lưu thông thương mại thế giới bằng hàng hóa hiện thực chỉ ngang bằng 12 tỷ USD. Trong khi đó, tổng số của tất cả các hợp đồng 'phục vụ' sự lưu thông 12 tỷ USD hàng hóa này lại bằng những 420 tỷ USD.
Nhận định của triết gia Nikita Moiseev khi đưa ra ví dụ nói trên trong tác phẩm "Tồn tại hay không tồn tại... nhân loại?" là "tiền tệ đã sống một cuộc sống tự thân tự tại". Đối với đồng tiền số, sự tự thân tự tại có thể lớn hơn gấp nhiều lần. Và trong trò chơi tạo nên những bong bóng tài sản, những người nắm giữ luật chơi sẽ quyết định được khi nào quả bóng nên vỡ. Không bao giờ họ nằm ở phía tuyệt đại đa số người bị hại.
Đối diện với nền kinh tế số, sự thận trọng tối đa có thể là vũ khí hữu hiệu của các quốc gia chưa và đang phát triển. Đó là con đường không thể tránh nhưng sự vội vã gia nhập cuộc chơi mà chưa hoàn thiện các phương tiện, cách thức quản lý, vận hành nền kinh tế số có thể đem tới nhiều hệ lụy, vô tình làm giảm sức tồn tại và cạnh tranh của doanh nghiệp nội hay chính là nền kinh tế của các quốc gia.
Mặt khác, xác định được thế mạnh về sản xuất hàng hóa và phát huy được thế mạnh này đều có thể là đối trọng đáng gờm với bất cứ định chế hay hình thức phát triển kinh tế nào. Nói nôm na, khi người nông dân nuôi được 10 con gà đẻ trứng, dù mỗi quả trứng được định giá 1000 USD, bằng tiền mà người nông dân đó tích góp cả năm trời, họ vẫn luôn có trứng tươi mỗi ngày. Và đương nhiên, nếu không nuôi gà thì sẽ phải bỏ ra 1000 USD để mua một quả trứng gà.