Quảng Trị đón thêm hai dự án điện gió trị giá 8.300 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Trị vừa chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án điện gió với tổng công suất gần 250MW, tổng vốn đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng. Các dự án được triển khai tại huyện Cam Lộ, Gio Linh và Hướng Hóa – những địa bàn miền núi khó khăn nhưng giàu tiềm năng gió.
Dự án Nhà máy điện gió Cam Lộ có quy mô công suất 200MW, được đầu tư với tổng vốn 6.500 tỷ đồng. Dự án đặt tại xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) và các xã Hải Thái, Linh Trường (huyện Gio Linh). Mục tiêu là xây dựng hệ thống tuabin gió, trạm biến áp nâng áp 35/220kV – 2x125MVA, đường dây đấu nối 220kV mạch kép và các hạng mục phụ trợ khác.

Dự kiến, quá trình thi công và lắp đặt thiết bị sẽ bắt đầu từ quý I/2027, đưa dự án vào vận hành thương mại trong quý II/2028. Dự án sẽ đấu nối vào trạm 220kV Cam Lộ, sử dụng tuyến đường dây đang được đầu tư theo hành lang Đông Hà – Lao Bảo. Tổng diện tích sử dụng đất khoảng 70ha, chưa kể khoảng 60ha tạm thời phục vụ thi công.
Dự án Nhà máy điện gió Tân Thành Long được phê duyệt với quy mô 48MW, tổng vốn đầu tư 1.809 tỷ đồng (tương đương hơn 69 triệu USD). Dự án đặt tại xã Hướng Tân, Tân Thành và Tân Long (huyện Hướng Hóa), nơi có tốc độ gió ổn định, địa hình thuận lợi để khai thác năng lượng tái tạo.
Thay vì đầu tư mới toàn bộ hạ tầng truyền tải, dự án sẽ lắp đặt máy biến áp 33/110kV công suất 63MVA tại trạm tăng áp Hướng Tân, đấu nối các tuabin qua hệ thống đường dây trung thế. Dự kiến, dự án khởi công xây dựng vào đầu năm 2028 và hoàn thành, vận hành vào cuối năm 2029.
Cả hai dự án đều thuộc nhóm ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt, theo quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ, do được triển khai tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các ưu đãi bao gồm: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian dài, miễn thuế nhập khẩu thiết bị tạo tài sản cố định, miễn hoặc giảm tiền thuê đất, khấu hao nhanh và tăng chi phí được trừ khi tính thuế.
Việc phê duyệt hai dự án này là bước tiếp theo trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Quảng Trị, đặc biệt sau khi tỉnh này được đề xuất sáp nhập với Quảng Bình để thành lập đơn vị hành chính mới. Các huyện miền núi như Hướng Hóa, Cam Lộ và Gio Linh hiện đang là tâm điểm thu hút đầu tư điện gió nhờ tốc độ gió cao, địa hình thông thoáng và chính sách ưu đãi hấp dẫn.
Thực tế, Quảng Trị đã quy hoạch gần 30 dự án điện gió với tổng công suất hàng ngàn MW, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng, Quảng Trị được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm điện gió lớn nhất khu vực miền Trung, nếu sớm có cơ chế giá điện mới cho các dự án sau thời điểm giá FIT kết thúc.