Những dự án 'vàng' đổ vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ kỳ vọng thay đổi 'vùng đất chết' liệu có thành công?
Việc hồi sinh những vùng đất ô nhiễm phức tạp và có những đòi hỏi rất cao không chỉ về vốn.
Hồi sinh Sông Tô Lịch
Sông Tô Lịch được gọi là dòng sông chết do nguồn nước ô nhiễm nặng. Mỗi ngày dòng sông này phải nhận trực tiếp hơn 160.000m3 nước thải sinh hoạt của hàng triệu cư dân thành phố. Toàn tuyến trước đây có 280 cửa nước xả thải trực tiếp ra sông, phần lớn nước không qua xử lý khiến dòng sông ô nhiễm rất nặng.
Hiện nay, đoạn sông lộ thiên chỉ còn khoảng gần 14km, Hà Nội đang đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.
Trong những năm qua, "dòng sông chết" này đã không bị lãng quên. Chính quyền thành phố hàng năm vẫn ra những giải pháp, đề án để "hồi sinh" nó.
Đầu năm 2009, TP. Hà Nội xem xét bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, để thúc đẩy dòng chảy tự nhiên vào sông Tô Lịch để thúc đẩy dòng chảy tự nhiên. Tuy nhiên vì nhiều lý do dự án không được thực hiện.
Đến năm 2016, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được khởi công. Tuy nhiên, tới nay đã gần 8 năm, tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD vẫn chưa rõ ngày về đích.
Năm 2019, TP. Hà Nội đã thử nghiệm việc làm sạch sông Tô Lịch sử dụng chế phẩm Redoxy-3C tại khu vực phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Kết quả ban đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực về mức độ ô nhiễm và mùi hôi của dòng sông. Tuy nhiên phương pháp này chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm, không được triển khai rộng rãi.
Giải pháp gần đây nhất đang được đưa ra là TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch từ đó sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay. Tổng chi phí ước tính 800 triệu USD.
Việc hồi sinh một dòng sông sẽ phức tạp và có những đòi hỏi rất cao. Nhưng ngược lại, việc hồi sinh sông Tô Lịch là khao khát, và cũng là một nhu cầu khẩn thiết mà thực tế đang đặt ra với Hà Nội, để cộng đồng cùng kiên trì và nỗ lực theo đuổi nó.
Xanh hoá rạch Xuyên Tâm
Nếu sông Tô Lịch ô nhiễm nhất Hà Nội thì rạch Xuyên Tâm cũng không kém cạnh khi là dòng sông ô nhiễm nhất TP. HCM. Hơn 2 thập kỷ bị ô nhiễm, đến nay, rạch Xuyên Tâm (TP. HCM) sắp được cải tạo, kỳ vọng thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao đời sống cho hàng nghìn người dân thành phố.
Rạch Xuyên Tâm là một tuyến kênh rạch ở thành phố Hồ Chí Minh dài 6,2km, có 3 tuyến nhánh dài 1,94km, tổng chiều dài là 8,2km. Lượng rác thải khủng hàng ngày một chất chồng, người dân mòn mỏi chờ đợi ngày dự án cải tạo đã trì hoãn hơn 20 năm.
Với dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), Sở Xây dựng TP. HCM cho biết hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP (chủ đầu tư) đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng vốn đầu tư hơn 9.660 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2023-2028. Dự kiến, các đơn vị trình thẩm định dự án trong tháng 3 và phê duyệt trong tháng 4, để triển khai tuyển chọn nhà thầu xây lắp, kịp khởi công đoạn trên địa bàn quận Gò Vấp vào tháng 8/2024.
Các việc cụ thể sẽ thực hiện khi triển khai dự án bao gồm: xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ; nạo vét lòng rạch; xây dựng hệ thống thoát nước thải, thoát nước mưa; xây dựng mới đường giao thông dọc hai bên rạch; công viên, mảng xanh; chiếu sáng và hào kỹ thuật.
Xóa hình ảnh rừng Sác nghèo đói
Rừng Sác thuộc huyện Cần Giờ, TP. HCM từng được gọi là vùng “đất chết” do chiến tranh tàn phá chỉ còn lại những mái nhà xơ xác, những người sống ảm đạm trên một nền chiến khu hoang tàn. Bởi vậy trong 22 đơn vị hành chính cấp huyện của TP. HCM thì huyện Cần Giờ là huyện nghèo nhất khi có đến 6.263 hộ nghèo và cận nghèo (số liệu tính đến ngày 30/6/2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM).
Để bắt tay vào khôi phục diện tích rừng, năm 1978 TP. HCM đã giao 1/3 diện tích đất rừng hiện có cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, phần còn lại do các đơn vị nông, lâm trường trực tiếp quản lý; một phần của diện tích rừng được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, xây dựng rừng giống...
Sau hơn 40 năm khôi phục, giờ đây rừng Cần Giờ đã trở thành một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất đất nước và được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam.
Tiếp nối với sự thay đổi của một vùng đất "chết", Cần Giờ được đưa vào trọng tâm quy hoạch, là nơi phát triển kinh tế biển của TP. HCM. Vùng biển này sẽ trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế song song với việc phát triển kinh tế biển “xanh”, bền vững.
Vào 30/4 tới đây, dự án xây dựng cầu Cần Giờ sẽ được khởi công xây dựng. Dự án có chiều dài hơn 8km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 11.087 tỷ đồng. Cầu Cần Giờ cũng sẽ kết nối với đường xuyên rừng, một trong những con đường xuyên rừng ngập mặn đẹp nhất Việt Nam.
TP. HCM cũng đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với mục tiêu khởi công vào năm 2025 tổng mức đầu tư gần 129.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, siêu đô thị Cần Giờ dự kiến sẽ được cấp Giấy phép xây dựng để tiến hành đầu tư theo quy định vào 30/4/2025. Siêu đô thị này là một trong những mục tiêu trọng tâm của TP. HCM với quy hoạch toàn khu là 2.870ha, dân số tối đa 228.506 người; quy mô khách du lịch là 8,9 triệu lượt/năm. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 32.516 tỷ đồng.
Huyện Cần Giờ mất 40 năm để tái phủ xanh rừng ngập mặn, hàng chục năm nữa để đổi thay bộ mặt đô thị. Dự án "xanh hóa" rạch Xuyên Tâm cũng kéo dài ngót nghét 20 năm. Dự án "hồi sinh" dòng sông "chết" Tô lịch cũng đã bắt đầu từ năm 1990 nhưng vẫn chưa có kết quả.
Để thấy rằng đổi thay một vùng đất "chết" cần khoảng thời gian rất dài. Song người dân ở những khu vực này vẫn luôn trông đợi vào quyết sách từ Nhà nước và chính quyền địa phương như "hồi sinh" cuộc sống của chính họ.