Niềm tin trở lại nhưng khó khăn vẫn chưa kết thúc
Trao đổi cùng Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết thực tế sản xuất của doanh nghiệp phản ánh đơn hàng có trở lại, nhiều ngành hàng có hợp đồng xuất khẩu đến hết quý II song đơn hàng mới có trong ngắn hạn, nửa cuối năm doanh nghiệp phải tiếp tục vận động, tìm kiếm khách hàng.
- Nền kinh tế đang bộc lộ những tín hiệu tích cực. Vậy, dưới góc độ của doanh nghiệp, theo quan điểm của bà, hiện nay tình trạng của doanh nghiệp như thế nào? Họ đã bớt đi khó khăn chưa?
Định kỳ 6 tháng chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát để nắm bắt thông tin hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp và báo cáo tình hình kèm gửi các tham mưu chính sách lên Thủ tướng Chính phủ. Kết quả khảo sát cuối năm 2023 cho thấy những điểm tích cực tương đối so với hồi giữa năm.
Ví dụ, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực, rất tích cực về kinh tế vĩ mô gấp 2,7 lần so với trước. Các chỉ số, chỉ báo khác như triển vọng tiếp cận vốn, thị trường, hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có điểm cao hơn. Tổng thể nhìn lại, thời kỳ khó khăn của doanh nghiệp tuy vẫn đang tiếp diễn nhưng niềm tin đã quay trở lại.
Thời điểm giữa 2023, tâm trạng của các chủ doanh nghiệp sa sút nhiều, bị phân tâm vào những đứt gãy của nền kinh tế, những khủng hoảng trên toàn cầu. Cú sốc lúc đó với họ tương đối đột ngột bởi hầu hết nghĩ sau Covid, những khó khăn nhất đã qua.
Doanh nghiệp sau đó đặc biệt tập trung vào mục tiêu tái cấu trúc để tối ưu hoạt động. Họ cũng chú trọng tìm kiếm thị trường mới. Chưa bao giờ câu chuyện về thị trường mới được bàn nhiều đến thế. Hàng loạt cuộc xúc tiến thực chất được mở ra với các đối tác đến từ những thị trường mới như Ấn Độ, Canada, khối Arab, Trung Đông. Nhiều doanh nghiệp nhờ vậy đã bù đắp được sự thiếu hụt do đơn hàng ở thị trường truyền thống giảm.
Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, thứ tôi nghĩ tới và rất khâm phục các chủ doanh nghiệp là tinh thần bền bỉ, vượt khó. Thời điểm khó khăn nhất, họ tuy dao động, thậm chí sụt giảm về niềm tin, vẫn bảo nhau “phải giữ doanh nghiệp, giữ người lao động, khó mấy rồi cũng có cách nếu bình tĩnh và gắn kết”. Tinh thần đó đã được củng cố dần và giúp nhiều doanh nghiệp bứt phá.
- Rất nhiều chính sách được Chính phủ ban hành trong thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp. Bà đánh giá như thế nào về tác động và sự thẩm thấu của các chính sách này tới cộng đồng doanh nghiệp?
Cảm nhận tổng quan qua quá trình làm việc với doanh nghiệp và thông qua các cuộc khảo sát định kỳ, chúng tôi nhận thấy cộng đồng đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khi quyết liệt, bám sát các diễn biến của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP hay tốc độ giải ngân đầu tư công đều cho thấy điều đó. Bản thân chúng tôi cũng được tham dự nhiều cuộc họp của Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ để đốc thúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế nên có cùng cảm nhận.
Còn về tác động thực tế, cộng đồng doanh nghiệp sẽ cảm nhận được những chính sách hỗ trợ theo 3 góc độ. Một là, với sự điều hành các chính sách vĩ mô linh hoạt góp phần ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, duy trì tỷ giá, các doanh nghiệp cũng vững tâm trong hoạch định, triển khai kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh trung dài hạn.
Hai là, sự ban hành kịp thời, gia hạn những chính sách hỗ trợ hiệu quả liên quan thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... cũng đã hỗ trợ tiết giảm phần nào chi phí hoạt động và gánh nặng dòng tiền trong ngắn hạn cho doanh nghiệp.
Ba là những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thích ứng với các xu hướng mới của thị trường, tuy còn rất nhiều việc cần làm phía trước, nhưng bước đầu cũng đã tạo niềm tin, thay đổi nhận thức cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, vẫn còn những nhóm chính sách mà mức độ thẩm thấu vào sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp chưa đạt kỳ vọng, đó là các nhóm chính sách liên quan tới các cơ chế ưu đãi, các khoản trợ cấp, gắn với các quy trình thủ tục còn khá phức tạp để xét duyệt, chứng minh, sàng lọc doanh nghiệp… dẫn tới nhiều vướng mắc và hạn chế ở quá trình thực thi.
- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong những tháng đầu năm cao hơn số thành lập. Liệu đây có phải là tình trạng bất thường không?
Ngoài hiện tượng có tính quy luật như “mùa vụ” thì chúng ta cần nhìn con số này của cả 1 chiều dài để hiểu rõ hơn nguyên nhân. Nếu như tác động của đại dịch Covid-19 khiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong cả năm 2021 tăng 17,8% so với năm trước đó, thì tới năm 2022 và 2023 tốc độ tăng vẫn duy trì tương ứng là 19,5% và 20,5% trong bối cảnh nhiều biến động tình hình kinh tế, chính trị quốc tế kéo theo tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp.
Xu hướng này đủ để nói lên thể trạng suy kiệt của cộng đồng doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, sau một thời gian dài loay hoay phục hồi từ đại dịch thì lại chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm mạnh đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu lớn. Điều này dẫn tới một thực tế tưởng chừng như là nghịch lý, khi với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, lãi suất đã hạ, hạn mức tín dụng đã thông thoáng, nhưng tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu 2024 vẫn thấp. Việc doanh nghiệp suy kiệt đã khiến cho các điều kiện tiếp cận tín dụng trong điều kiện thông thường giờ đây lại càng khó đáp ứng hơn và việc đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường lại càng có nguy cơ gia tăng.
Trong báo cáo tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 của Ban IV đã khẳng định rằng doanh nghiệp đang suy kiệt sau một thời gian dài chịu tác động kép từ đại dịch và tình hình kinh tế thế giới bất ổn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm tăng 22,5% so với cùng kỳ. Số liệu này có thể nói là nằm trong dự báo nên không nhất thiết dùng từ bất thường, tuy nhiên chúng tôi cũng không muốn dùng từ bình thường bởi đây là con số rất cần lưu tâm, suy tính trong bài toán phục hồi doanh nghiệp trước mắt.
Chúng ta cùng hy vọng kinh tế thế giới có thể sớm ổn định, lượng đơn hàng tăng trở lại thì đó sẽ là động lực chính giúp các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ hơn.
- Vậy, bà có khuyến nghị như thế nào để doanh nghiệp bớt khó khăn hơn trong giai đoạn hiện tại?
Về tổng thể, tôi cho rằng những tháng tới Chính phủ vẫn cần duy trì quyết liệt, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp do họ thực sự bị bào mòn. Nếu không được vun đắp, sức lực của họ sẽ cạn kiệt. Nhưng sự hỗ trợ này phải tạo sự lan tỏa từ Chính phủ đến bộ ngành, cấp cơ sở.
Chúng ta phải có chính quyền hành động, chính quyền kiến tạo, chứ không dừng ở chính phủ hành động, kiến tạo. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng các chính sách càng giảm thiểu các quy trình, thủ tục thì càng hiệu quả.
Đồng thời, khi vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới. Đã đến lúc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, từ dựa trên thâm dụng tài nguyên, nguồn lực sang dựa trên hiệu quả, sáng tạo với các xu hướng xanh và số. Việt Nam đang có thế và lực để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ.
Tại điểm này, Chính phủ rất cần có sự quan tâm đặc biệt đến các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào các quá trình chuyển đổi trong bối cảnh nhận thức, năng lực, nguồn lực chuyển đổi đều còn rất hạn chế.
Tôi cho rằng trong thời điểm hiện nay vẫn phải “khoan thư sức dân”, trong đó, tạo dòng tiền, giảm, giãn thuế phí là các ưu tiên ngắn hạn còn về trung và dài hạn thì cần phát triển các doanh nghiệp dân tộc, tận dụng các cơ hội từ vị thế mới của đất nước.