TS Ngô Công Thành: ‘Để phát triển KCN, điểm căn bản là khơi thông dòng vốn'

Tiến sĩ Ngô Công Thành cho rằng: "Để huy động được nguồn vốn to lớn đầu tư vào các khu công nghiệp trong những năm tới cần phải có những thay đổi căn bản trong việc khai thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư".

Tiến sĩ Ngô Công Thành: ‘Khai thông dòng vốn để phát triển Khu công nghiệp’
Tiến sĩ Ngô Công Thành: ‘Khai thông dòng vốn để phát triển Khu công nghiệp’

Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Đại hội Liên chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA) lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2024- 2029) diễn ra chiều 25/3, tại Hà Nội.

Tiến sĩ Ngô Công Thành nhìn nhận trong thời gian qua không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các Khu công nghiệp (KCN) trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển KT-XH ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp đã bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế cần được khắc phục.

Theo ông Thành, thứ nhất, hiện công tác quy hoạch phát triển KCN thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn trong mối tương quan với các ngành KT-XH khác. Khu công nghiệp được quy hoạch khá dàn trải, chủ yếu dựa trên đề nghị của địa phương, chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của địa phương và hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Còn khá nhiều KCN triển khai chậm, vì nhiều lý do như công tác giải phóng mặt bằng chậm, suất đầu tư cao, chồng chéo về quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào khu công nghiệp không đảm bảo.

Thứ hai, hạ tầng kết nối đa phương tiện thiếu đồng bộ, mất cân đối khi vận tải đường bộ chiếm tới 77% tổng lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước. Tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng, nhà xưởng còn thấp.

Thứ ba, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường KCN tại một số địa phương chưa đồng bộ. Việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường chưa nghiêm túc, chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về môi trường. Một số địa phương chưa quy hoạch địa điểm lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Tỷ lệ các KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt 91%; nhu cầu cung cấp điện, nước cho sản xuất chưa đáp ứng được đầy đủ và ổn định, hiệu suất sử dụng năng lượng trong nhà máy còn thấp.

Thứ tư, hạ tầng xã hội, bao gồm nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động trong khu công nghiệp còn thiếu và chưa được gắn kết, đồng bộ với phát triển KCN.

Thứ năm, chất lượng hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết hợp tác trong khu công nghiệp, khu kinh tế, giữa các khu với nhau và giữa khu công nghiệp, khu kinh tế với khu vực bên ngoài còn hạn chế. Tính liên kết, hợp tác trong sản xuất còn thấp, chưa hình thành được các chuỗi sản xuất liên hoàn và các cụm liên kết ngành.

Thực tế, vẫn tồn tại sự cạnh tranh không lành mạnh về thu hút đầu tư giữa các khu công  nghiệp và giữa các địa phương làm giảm hiệu quả và chất lượng dự án đầu tư vào khu công nghiệp.

Thứ sáu, loại hình phát triển chậm được đổi mới, phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội, môi trường; hiệu quả sử dụng đất, sử dụng lao động chưa cao. Các địa phương và nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong nước vẫn ưu tiên tập trung thu hút đầu tư lấp đầy khu công nghiệp, chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường và xã hội của dự án đầu tư, nên hiệu quả đầu tư phát triển các khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thứ bảy, chủ đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng KCN Việt Nam do năng lực tài chính hạn chế, có tâm lý chờ đợi tìm được nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong KCN; trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại muốn có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngay thì mới quyết định đầu tư. Sự giằng co, chờ đợi này đã khiến nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp.

Ông Thành đánh giá trước bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, việc đổi mới, tái cấu trúc và hoàn thiện mô hình KCN nhằm bắt kịp xu thế toàn cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích lâu dài, lấy hiệu quả KT-XH, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững làm mục tiêu cao nhất, đang đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá toàn diện và đồng bộ.

Do đó, ông Thành cho rằng để huy động được nguồn vốn to lớn đầu tư vào các khu công nghiệp trong những năm tới đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản trong việc khai thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư.

Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến năm 2030 diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930ha.

Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000ha khu công nghiệp, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000 - 85.000ha. Hiện đơn giá đền bù đất, giải phóng mặt bằng và định mức xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã được điều chỉnh tăng so với giai đoạn trước.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), ước tính chi phí đầu tư phát triển một ha đất khu công nghiệp bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD. Nhu cầu thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp rất lớn.

Nếu tính suất đầu tư bình quân 6,5 triệu USD/ha đất công nghiệp thì nhu cầu thu hút vốn đầu tư lấp đầy diện tích còn lại của các khu công nghiệp của Việt Nam đã được quy hoạch khoảng 600-650 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư cần thiết để phát triển hạ tầng khu công nghiệp và lấp đầy các khu công nghiệp đã được quy hoạch khoảng 670-720 tỷ USD.

Xem thêm: TS Phan Hữu Thắng: Phát triển KCN cần hội tụ 4 yếu tố 'Chế - Tài - Tâm - Tầm'

Thanh Hương

Theo VietnamFinance