Nợ chất cao, lãi nhỏ nhoi, Quốc Cường Gia Lai muốn bán 2 nhà máy thủy điện
Quyết định chuyển nhượng 2 nhà máy thuỷ điện được Quốc Cường Gia Lai đưa ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa và doanh nghiệp vẫn đang dính líu nợ nần liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát.
Ngày 20/5/2024, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) đã công bố kế hoạch chuyển nhượng dự án và các tài sản khác thuộc dự án Nhà máy Thủy điện Ia Grai 2 và dự án Nhà máy Thủy điện Ayun Trung ngay trong quý II, quý III năm nay nhằm tái cơ cấu đầu tư.
Cụ thể, Nhà máy Thủy điện Ia Grai 2 thuộc sở hữu của Quốc Cường Gia Lai sẽ được chuyển nhượng lại với giá 235 tỷ đồng. Đây là dự án gồm 2 tổ máy với công suất lắp máy là 7,5MW, nằm tại xã Ia Tô, Ia Krái Ia Grăng, Ia Khai, huyện Ia Grai.
Trong khi đó, 380 tỷ đồng là mức giá được đưa ra đối với Nhà máy Thuỷ điện Ayun Trung thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thuỷ điện Quốc Cường – công ty con do Quốc Cường Gia Lai nắm 90% cổ phần. Dự án này có công suất lắp máy 13MW, nằm tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang và xã Trang, huyện Đăk Đoa.
Như vậy, tổng giá trị chuyển nhượng 2 nhà máy và các tài sản liên quan là 615 tỷ đồng. Nghị quyết của Quốc Cường Gia Lai nêu rõ, bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm sử dụng nguyên trạng lực lượng lao động của 2 nhà máy thủy điện tại thời điểm chuyển nhượng và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đáng chú ý, 2 dự án thuỷ điện nói trên liên quan đến các khoản vay của Quốc Cường Gia Lai tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Gia Lai. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, doanh nghiệp đang có 1 khoản vay 101 tỷ đồng để tài trợ dự án thủy điện Ia Grai 2 và 1 khoản vay 198 tỷ đồng để tài trợ dự án thủy điện Ayun Trung. Được biết, 2 khoản vay này sẽ lần lượt đáo hạn vào tháng 4 và tháng 6 năm 2029. Tính đến ngày 31/3/2024, tổng giá trị 2 khoản vay đang là 299 tỷ đồng, chiếm 52% tổng nợ vay của Quốc Cường Gia Lai tại cùng thời điểm.
Lãi không nổi 1 tỷ trong quý I/2024
Báo cáo tài chính quý I/2024 của doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 38,7 tỷ đồng, sụt giảm gần 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn thu chính đến từ hoạt động bán điện với 22,6 tỷ đồng. Đây cũng là mảng kinh doanh duy nhất chứng kiến sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, doanh thu từ bất động sản - mảng kinh doanh vốn được xem là chủ lực của Quốc Cường Gia Lai lại ‘bốc hơi’ tới 95%, giảm từ mức 133,6 tỷ đồng xuống còn 6,6 tỷ đồng. Hoạt động bán hàng hoá cũng suy giảm 11%, chỉ mang về 9,5 tỷ đồng.
Điểm sáng trong kỳ là doanh thu tài chính với đạt 6,4 tỷ đồng, cải thiện hoàn toàn so với mức âm 65 triệu đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái. với cùng kỳ âm hơn 65 triệu đồng. Phần lớn số tiền này là khoản lãi từ thương vụ chuyển nhượng toàn bộ 31,39% cổ phần đang nắm giữ tại công ty liên kết Công ty CP Quốc Cường Liên Á. Bên cạnh đó, Quốc Cường Gia Lai cũng ghi nhận khoản lãi xấp xỉ 1,5 tỷ đồng từ công ty liên kết, trong khi cùng kỳ lỗ gần 77 triệu đồng.
Trong kỳ, hầu hết các khoản chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp, lãi vay… đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái song vẫn còn neo ở mức cao, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị ‘bào mòn’ chỉ còn hơn 1 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này tiếp tục bị co hẹp khi doanh nghiệp còn ghi nhận một khoản lỗ khác lên tới 183 triệu đồng. Khấu trừ thuế, lợi nhuận ròng của Quốc Cường Gia Lai ‘teo tóp’ chỉ còn 651 triệu đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
‘Núi nợ’ chồng chất
Trên bảng cân đối kế toán, tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt 9.515 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Trong đó, lượng tiền mặt chỉ còn vỏn vẹn 29,7 tỷ đồng. Phần lớn tài sản nằm tại hàng tồn kho với 7.033 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại khoản mục bất động sản dở dang (6.525 tỷ đồng). Tại báo cáo tài chính quý I/2024, Quốc Cường Gia Lai không thuyết minh chi tiết về khoản mục này, song đối chiếu với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, chi phí bất động sản dở dang nói trên chủ yếu nằm tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, Lavida, Central Premium và Marina Đà Nẵng,…
Tại ngày 31/3/2024, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận hơn 5.161 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó, các khoản phải trả ngắn hạn khác lên tới 4.304 tỷ đồng, chiếm tới 83%. Quá nửa trong số đó là khoản tiền 2.882,8 cần phải trả cho Công ty CP Đầu tư Sunny Island – doanh nghiệp có liên quan tới đại án Vạn Thịnh Phát trong thỏa thuận chuyển nhượng dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, phán quyết nói trên không được Quốc Cường Gia Lai đồng ý và doanh nghiệp này đã có đơn kháng cáo. Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai cho rằng hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên buộc công ty hoàn trả số tiền 2.882 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan để bảo đảm thi hành án là chưa đúng và chưa khách quan. Theo doanh nghiệp, đây là số tiền Sunny Island thanh toán theo hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển vào tháng 12/2020. Liên quan đến hợp đồng này, giữa hai bên đã xảy ra tranh chấp và được Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) giải quyết, theo đó Quốc Cường Gia Lai được công nhận là bên tuyên bố chấm dứt hợp đồng hoàn toàn hợp pháp do lỗi vi phạm nghĩa vụ thanh toán của Sunny Island. Từ đó căn cứ theo hợp đồng, Quốc Cường Gia Lai chỉ có nghĩa vụ trả lại cho Sunny Island 1.441 tỷ đồng.
Quốc Cường Gia Lai cũng cho rằng trong giao dịch này, họ là bên ngay tình, không biết nguồn gốc số tiền trên liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp này yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm chấp thuận công ty chỉ hoàn trả số tiền 1.441 tỷ đồng cho Sunny Island hoặc bà Trương Mỹ Lan, để bảo đảm số tiền thi hành án theo tinh thần VIAC đã tuyên, đồng thời xin được cấn trừ số tiền 130 tỷ đồng đã chuyển vào công ty thuộc hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát để ghi nhận thanh toán cho nghĩa vụ của mình.
Tới nay, mặc dù vẫn chưa có phán quyết cuối cùng về số tiền mà Quốc Cường Gia Lai phải trả cho bà Trương Mỹ Lan song con số 1.441 tỷ đồng mà doanh nghiệp này chấp nhận hoàn trả vẫn là quá lớn so với tình hình tài chính hiện tại. Rõ ràng, với việc ‘mắc kẹt’ với lượng tồn kho lớn tại dự án Bắc Phước Kiển, hoạt động kinh doanh bất động sản sa sút, Quốc Cường Gia Lai vẫn đang phải lấy mảng điện làm ‘trụ đỡ’, thậm chí là ‘bán con’ để cải thiện doanh thu tài chính.