Nợ công Mỹ lần đầu vượt 33.000 tỷ USD, nguy cơ đóng cửa chính phủ
Bộ Tài chính Mỹ cho biết nợ công nước này đã chạm cột mốc lịch sử, lần đầu tiên vượt qua 33.000 tỷ USD, chưa đầy 2 tuần trước khi chính phủ liên bang đối mặt với nguy cơ đóng cửa vì không thể thông qua ngân sách.
Theo dữ liệu mới do Bộ Tài chính công bố, nợ quốc gia của Mỹ - số tiền mà chính phủ liên bang vay để trang trải chi phí hoạt động,đã lần đầu tiên đạt mức 33.040 tỷ USD tính đến chiều ngày 18/9 (giờ địa phương).
Con số chính xác là 33.044.858.730.468,04 USD, cao hơn 54% so với 5 năm trước và nêu bật gánh nặng nợ nần vào thời điểm chính phủ Washington liên tục chi nhiều hơn số tiền thu vào. Và cũng chỉ 4 thập kỷ trước, nợ công Mỹ vẫn dao động quanh mức 907 tỷ USD.
Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang, cho biết: “Mỹ đã đạt được một cột mốc mới mà không ai có thể tự hào: Tổng nợ quốc gia của chúng ta vừa vượt qua 33.000 tỷ USD”.
Bộ Tài chính cho biết chi tiêu liên bang tăng khoảng 50% từ năm tài chính 2019 đến năm tài chính 2021 đã góp phần khiến khoản nợ lên tới 33.000 tỷ USD.
Ngoài ra, việc cắt giảm thuế, các chương trình kích thích và giảm doanh thu từ thuế do tình trạng thất nghiệp lan rộng trong đại dịch Covid-19 là những yếu tố thúc đẩy khoản vay của chính phủ lên một tầm cao mới.
Văn phòng Ngân sách ước tính vào đầu tháng này rằng Mỹ đang trên đà thâm hụt chi tiêu 1.700 tỷ USD vào năm 2023, tăng nhanh so với mức thâm hụt 1.400 tỷ USD của năm 2022.
Theo ước tính mới nhất từ Cục Phân tích Kinh tế, mức thâm hụt đó sẽ bằng 6,3% toàn bộ sản lượng kinh tế của quốc gia được đo bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức thâm hụt năm 2019, chiếm 4,6% GDP.
Nguy cơ đóng cửa chính phủ
Vấn đề nợ đang là tâm điểm của sự bế tắc tại Nghị viện về dự luật chi tiêu nhằm duy trì chính phủ cho đến chu kỳ cấp vốn tiếp theo. Nếu Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden và Đảng Cộng hoà không thể đi tới một thoả thuận chung và thông qua ngân sách vào hạn chót là ngày 30/9, các bộ phận của chính phủ sẽ bị đóng cửa.
Theo mô hình ngân sách của Đại học Pennsylvania, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang thúc đẩy chi tiêu ít hơn, trong khi Đảng Dân chủ ủng hộ các chương trình của Tổng thống Joe Biden, chẳng hạn như Đạo luật Giảm lạm phát, ước tính tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã công bố một kế hoạch ngắn hạn vào cuối tuần qua, nhằm tạm thời tài trợ cho chính phủ cho đến ngày 31/10. Các biện pháp ngắn hạn này bao gồm việc áp dụng cắt giảm 8% chi tiêu cho các cơ quan liên bang, không bao gồm tài trợ cho quốc phòng, vấn đề cựu chiến binh và cứu trợ thiên tai.
Nhưng dự luật này dự kiến sẽ không được Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ kinh tế về lâu dài
Khoản nợ ngày càng lớn cũng là một lý do khiến Fitch hạ xếp hạng tín dụng của chính phủ Mỹ vào đầu năm nay. Khoản nợ sẽ trở nên lớn hơn hơn khi lãi suất tăng cao và một số nhà kinh tế suy đoán rằng lãi suất trong những thập kỷ tới thường sẽ cao hơn mức cực thấp phổ biến trước đại dịch.
Các khoản thanh toán dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần, từ gần 475 tỷ USD trong năm tài chính 2022 lên con số đáng kinh ngạc là 1.400 tỷ USD vào năm 2032. Đến năm 2053, các khoản thanh toán lãi vay dự kiến sẽ tăng lên 5.400 tỷ USD. Số tiền này còn nhiều hơn số tiền Mỹ chi cho An sinh xã hội, Medicare, Medicaid và tất cả các chương trình chi tiêu bắt buộc và tùy chọn khác.
Điều quan trọng là nợ quốc gia càng cao thì chính phủ càng có ít dư địa để sử dụng chi tiêu thâm hụt để ứng phó với các cuộc suy thoái trong tương lai.
Michael Peterson, Giám đốc điều hành của Peter G. Peterson Foundation, nhận định: “Như chúng ta đã thấy với sự gia tăng lạm phát và lãi suất gần đây, chi phí nợ có thể tăng lên đột ngột và nhanh chóng. Với hơn 10.000 tỷ USD chi phí lãi vay trong thập kỷ tới, chu kỳ tài chính phức tạp này sẽ chỉ tiếp tục gây thiệt hại cho con cháu chúng ta”.