Nợ khó đòi, “tử huyệt” của doanh nghiệp xây dựng
Đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ cuối năm, Toàn bỗng nhận được cuộc gọi của Tuấn - một người bạn học hồi phổ thông - hỏi vay tiền. Toàn hết sức ngạc nhiên bởi Tuấn hiện đang làm giám đốc một công ty xây dựng ăn nên làm ra. Tuấn vay tiền là việc “chẳng đặng đừng”, có lẽ là do một biến cố nào đó.
Quả đúng như vậy, vào cuối năm, công ty của Tuấn rơi vào tình trạng thiếu tiền trả lương cho công nhân, dẫn đến việc một số công nhân nghỉ việc. Điều này buộc Tuấn phải vay mượn bạn bè để duy trì hoạt động cho công ty và đảm bảo thời hạn thực hiện các công trình.
Tăng trưởng nhanh
Là một kỹ sư xây dựng, Tuấn từng làm vị trí quản lý cao cấp ở một công ty xây dựng lớn. Năm 2014, nhận thấy được xu thế phục hồi và phát triển mạnh của ngành xây dựng, Tuấn đứng ra thành lập công ty. Nhờ các mối quan hệ quen biết và uy tín trong ngành, Tuấn nhận được khá nhiều hợp đồng ngay trong năm đầu thành lập.
Đến năm 2017, doanh thu của công ty đã đạt trên 15 tỉ đồng, rồi tăng lên gần 20 tỉ đồng trong năm 2018. Lợi nhuận ròng quân bình đạt khoảng 7 đến 9% so với doanh thu. Mặc dù doanh thu còn ít và lợi nhuận không nhiều nhưng kết quả đó vẫn được xem là khá thành công với một nhà thầu phụ quy mô nhỏ như công ty của Tuấn.
Tuấn đã mở công ty vào đúng thời điểm thị trường bất động sản phục hồi mạnh và ngành xây dựng được hưởng lợi từ sự phục hồi đó. Trên mọi miền đất nước, các công trình xây dựng nhà cao tầng, khu đô thị, đường xá được xây dựng hối hả ngày đêm. Sau khủng hoảng tài chính năm 2007, kinh tế Việt Nam đã rơi vào giai đoạn trầm lắng. Năm 2014, nền kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại và hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông được triển khai ở nhiều nơi. Đặc biệt, trên thị trường bất động sản, nhiều dự án mới được xây dựng, những dự án đóng băng trước đó được “hồi sinh” trở lại.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành xây dựng cũng được chứng minh phần nào qua các con số thống kê. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục thống kê (TCTK), tăng trưởng của ngành xây dựng giai đoạn 2015-2018 là 9,67%, cao hơn rất nhiều so với mức 4,21% trong giai đoạn 2010-2014 và cũng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế.
Số lao động làm trong lĩnh vực xây dựng trong những năm gần đây cũng tăng rất mạnh. Cụ thể, theo TCKT, số lao động làm việc ngành xây dựng vào cuối năm 2017 là 4,03 triệu người, chiếm 7,5% số lao động trong nước. Trong 3 năm 2015 đến 2017, tốc độ tăng lao động trong ngành xây dựng đạt trung bình là 6,77%, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2011-2014 hay bình quân tăng trưởng lao động trong cả nước. Điều đó cho thấy ngành xây dựng đã có sự bùng nổ nhanh trong những năm gần đây.
Tuy vậy, những con số đó vẫn chưa phản ánh một cách chính xác số người làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam. Công ty của Tuấn thường xuyên có đến 60 lao động thời vụ, chiếm hơn 2/3 tổng nhân sự trong công ty. Đa số những lao động này là những người đang sống ở nông thôn và họ đi làm công nhân xây dựng khi hết mùa vụ. Có lẽ số lao động này đã không được thống kê vào sự tăng trưởng của lực lượng lao động trong ngành xây dựng. Như vậy, nếu thống kê một cách đầy đủ thì tăng trưởng lao động trong ngành xây dựng trong những năm gần đây còn lớn hơn nhiều.
Sự bùng nổ của ngành xây dựng còn được thể hiện qua doanh thu của một số doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Một trong những doanh nghiệp đứng đầu trong ngành xây dựng hiện nay là Công ty cổ phần xây dựng Coteccons (CTD). Liên tục từ năm 2010 đến 2017, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng năm của Coteccons đều đạt 40%. Conteccons được xem là công ty dẫn đầu trong ngành xây dựng dân dụng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Tên tuổi của công ty này đã nâng lên một bậc khi tổng thầu tòa nhà cao nhất Việt Nam là Landmark 81 và nằm trong top 10 tòa nhà cao nhất thế giới.
Đứng ngay sau Coteccons, một doanh nghiệp có thương hiệu lớn trong ngành xây dựng là Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình (HBC). Trong những năm qua, HBC cũng đã có những bước phát triển vượt bậc và thực hiện nhiều dự án xây dựng lớn, đẳng cấp. Từ năm 2010 đến 2017, HBC có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trung bình đạt trên 40%. Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu HBC đạt 12.770 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 508 tỉ đồng.
Ngoài 2 doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành xây dựng trên còn khá nhiều doanh nghiệp xây dựng mới nổi khác như Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (ROS), Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN)... Dù mới xuất hiện trên thị trường
được vài năm những doanh nghiệp này đã nhanh chóng tăng trưởng về quy mô. Bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp “lâu đời” hơn như Công ty cổ phần FECON (FCN), Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG). Hay một loạt các doanh nghiệp lớn là những doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG)....
Nợ khó đòi
Công ty của Tuấn khá nhỏ và chỉ là nhà thầu phụ thực hiện một số hạng mục nhỏ trong một dự án. Chi phí của công ty chủ yếu là tiền công lao động và một ít nguyên liệu phụ cho công trình. Khi ký hợp đồng, đối tác thường tạm ứng trước 15-20% giá trị hợp đồng, phần còn lại thanh toán theo tiến độ và sau khi nghiệm thu. Trong nhiều trường hợp đối tác trì hoãn việc thanh toán hoặc công trình bị chậm tiến độ dẫn đến không thể thanh toán được. Do đó, công ty thường xuyên thiếu hụt về dòng tiền để thanh toán tiền công lao động cho công nhân. Thậm chí có trường hợp đối tác rơi vào tình trạng khó khăn và không có khả năng trả nợ dẫn đến nguy cơ mất trắng.
Trường hợp này khá phổ biến trong ngành xây dựng. Trước đây, khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phải phá sản cùng với chủ đầu tư dự án. Hiện nay, ngay cả thời điểm thị trường bất động sản thăng hoa nhiều doanh nghiệp xây dựng ăn nên làm ra với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận rất tốt nhưng luôn đối mặt với rủi ro lớn là chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính chiếm dụng vốn, thậm chí không chịu trả nợ.
Tuấn cho biết, dù công ty mới hoạt động được 4 năm nhưng số nợ tồn đọng phải thu quá hạn lên đến gần 4 tỉ đồng. Số tiền này “ăn” gần hết lợi nhuận của công ty. Trước đây, việc ký hợp đồng thường được thực hiện một cách thận trọng và nhờ các mối quan hệ thân thiết, có thể thẩm định một cách rõ ràng nên “nợ xấu” ít. Khi mở rộng kinh doanh ra nhiều đối tác, nhiều địa phương thì doanh thu lợi nhuận tăng nhưng kèm theo đó là rủi ro cũng lớn hơn. Thực tế, thời gian qua thị trường đã chứng kiến nhiều vụ việc “lùm xùm” xung quanh mối quan hệ giữa công ty xây dựng và chủ đầu tư.
Chẳng hạn, đầu tháng 10 vừa qua Báo Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net) đã đưa tin về việc Công ty FLC nợ tiền thi công dự án của Hòa Bình với số tiền lên đến 213 tỉ đồng. Hay mới đây, Đại sứ Umeda Kunio của Nhật Bản đã gửi thư tới Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai, cấp vốn cho dự án tuyến Metro số 1. Trong đó, Đại sứ Umeda Kunio cho biết hiện số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại dự án đã lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11). Một số thông tin báo chí gần đây cũng cho biết nợ đọng xây dựng cơ bản của chính quyền nhiều địa phương trong cả nước hiện vẫn đang rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đã phải “kêu cứu”, thậm chí phá sản vì không được thanh toán khi làm các công trình cho nhà nước.
Năm 2018 vẫn được xem là năm khởi sắc của thị trường bất động sản nhưng lại là một năm “đại hạn” đối với nhiều cổ phiếu ngành xây dựng. Giá cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành xây dựng là CTD giảm từ mức 230.000 hồi đầu năm về mức 160.000 đồng/cổ phiếu cuối năm, tức giảm hơn 30%. Cổ phiếu HBC của Hòa Bình giảm từ mức 42.000 đồng (đã tính điều chỉnh) về mức 17.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm gần 60%. “Đại gia” mới nổi cổ phiếu ROS của FLC Faros giảm hơn 80%, về mức 37.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu DIG cũng giảm hơn 50% về mức14.000 đồng/cổphiếu.
Việc giảm giá của cổ phiếu các công ty trong ngành xây dựng là điều có thể dự báo vì doanh thu và lợi nhuận trong năm 2018 đã không còn được duy trì như trước. Chẳng hạn, CTD đã duy trì tốc độ tăng trên 40% trong 7 năm trước đó, nhưng tăng trưởng doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 14%, lợi nhuận thì không tăng. Trong khi đó HBC chỉ duy trì được tăng trưởng doanh thu 16%, còn lợi nhuận sụt giảm 17%. Tệ hại nhất là FLC Faros doanh thu sụt giảm 3%, lợi nhuận sụt giảm tới 54%. Những con số này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành xây dựng trong những năm qua đang có dấu hiệu chững lại và nhiều doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn.
Báo cáo tài chính của HBC cho thấy doanh nghiệp này đang có một khoản phải thu rất lớn. Cụ thể, tính đến hết quý 3 năm 2018, khoản phải thu ngắn hạn lên đến 10.798 tỉ đồng, tăng hơn 1.000 tỉ đồng so với đầu năm và bằng 60% doanh thu hàng năm của công ty này. Việc vòng quay khoản phải thu lên tới hơn 200 ngày là một rủi ro rất lớn đối với doanh nghiệp. Thực tế thì trong những năm vừa qua, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn âm và công ty phải tài trợ bằng dòng tiền từ hoạt động tài chính (vay thêm nợ). Thậm chí hiện Hòa Bình đã phải dự phòng nợ khó đòi gần 400 tỉ đồng. Cũng chính khoản phải thu quá lớn làm cho nợ vay của HBC lên đến hơn 5.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Đối với Coteccons cũng có khoản phải thu ngắn hạn (chủ yếu phải thu ngắn hạn từ khách hàng) lên đến hơn 7.000 tỉ đồng, chiếm 1/4 doanh thu. So với HBC thì trả khoản phải trả của CTD không phải là quá lớn nhưng đang có dấu hiệu tăng lên mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt CTD cũng đã phải trích lập dự phòng hơn 200 tỉ đồng nợ khó đòi. Một doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng khác là Vinaconex cũng có khoản phải thu lên đến 5.542 tỉ đồng, trong đó gần 4.000 tỉ đồng là phải thu từ khách hàng. Khoản thu từ khách hàng này chiếm đến 60% doanh thu công ty trong năm. Tính đến 30/09/2018, thì VCG cũng đã phải trích lập dự phòng nợ khó đòi đến 427 tỉ đồng.
Những con số thống kê trên cho thấy “tử huyệt” chung của nhiều công ty xây dựng là đang bị khách hàng nợ rất lớn. Trong đó, có nhiều khoản nợ đã trở thành nền “nợ xấu” phải trích lập dự phòng. Chắc chắn những con số tiềm ẩn nợ xấu còn rất lớn mà doanh nghiệp chưa công khai. Điều đáng nói là ngay cả khi thị trường bất động sản khởi sắc trong những năm vừa thì nhiều nhà thầu xây dựng vẫn phải chịu nhiều rủi ro. Việc giá cổ phiếu các doanh nghiệp xây dựng giảm mạnh thời gian qua cũng cho thấy phần nào nhà đầu tư cảm nhận được rủi ro và triển vọng của các doanh nghiệp trong những năm qua.
Công ty của Tuấn cũng không ngoại lệ. Dù doanh thu và lợi nhuận tăng nhưng anh không khỏi lo lắng với sự suy yếu của dòng tiền của công ty. Lợi nhuận của công ty anh có được chỉ là trên sổ sách, còn thực tế anh phải liên tục bổ sung vốn để duy trì hoạt động của công ty. Trong trường hợp xấu nhất, nếu thị trường bất động sản rơi vào đóng băng như thời kỳ sau khủng hoảng 2007, thì có thể một số khách hàng của anh sẽ phá sản và lợi nhuận “trên giấy” mấy năm qua của công ty Tuấn có thể biến mất.
Hầu hết các doanh nghiệp ngành xây dựng đều có khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng rất lớn. Các doanh nghiệp này cũng phải trích lập dự phòng hàng trăm tỉ đồng đối với những khoản nợ khó đòi. Chắc chắn còn hàng nghìn tỉ đồng cũng tiềm ẩn nguy cơ biến thành nợ xấu. Đây chính là tử huyệt khiến cho cổ phiếu ngành xây dựng giảm mạnh trong thời gian qua.
Theo Hoàng Nam/ Cafeland