Nợ xấu cán mốc hơn 24.000 tỷ đồng, Agribank 'miệt mài' rao bán các khoản nợ trăm tỷ
Trong tháng 8/2021, giữa lúc giãn cách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vẫn 'miệt mài' rao bán các khoản nợ khủng để thu hồi nợ xấu.
Giữa mùa giãn cách, Agribank vẫn 'miệt mài' rao bán các khoản nợ khủng
Mới đây, Agribank tiếp tục thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Năng lượng Someco 1 theo hai hợp đồng tín dụng bằng cả nội tệ lẫn ngoại tệ từ năm 2009.
Cụ thể, khoản vay bằng nội tệ có số tiền vay là 141,4 tỷ đồng. Dư nợ gốc và lãi tính đến cuối năm 2020 lần lượt là 113,7 tỷ đồng và 116,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Someco 1 còn một khoản vay khác bằng ngoại tệ với Agribank trị giá 3,7 triệu USD. Tính đến 31/12/2020, dư nợ gốc là 666.706 USD và lãi là 437.240 USD.
Tổng giá trị 2 khoản nợ (tính đến cuối năm 2020) là khoảng 255 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ này là công trình thủy điện Bắc Giang (bao gồm các hạng mục kiến trúc công trình, máy móc thiết bị, tư vấn giải phòng mặt bằng.... cấu thành nên dự án thủy điện Bắc Giang và các quyền khai thác, sử dụng công trình thủy điện và các quyền khai thác theo quy định của pháp luật đối với dự án thủy điện Bắc Giang) tại bản Đống Mác, xã Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, đã được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
Toàn bộ khoản nợ sẽ được đấu giá theo phương thức có sao bán vậy bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn.
Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là 193 tỷ đồng, thấp hơn 24% so với giá trị của khoản nợ và giảm gần 25 tỷ đồng so với lần rao bán vào ngày 5/8. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 3/9 tới đây tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Trước đó, vào ngày 19/8/2021, Agribank thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm.
Cụ thể, khoản nợ này phát sinh theo hai hợp đồng tín dụng giữa Tập đoàn Xuân Lãm và Agribank chi nhánh Mỹ Đình từ năm 2013. Tổng giá trị khoản nợ là 312,4 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 122,1 tỷ đồng và nợ lãi đã lên đến gần 190,4 tỷ đồng.
Số tiền lãi nêu trên sẽ tiếp tục phát sinh kể từ ngày 27/6/2021 cho đến khi Tập đoàn Xuân thanh toán hết nợ gốc tiền vay. Mức giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 312,4 tỷ đồng, đúng bằng giá trị khoản nợ.
Tài sản đảm bảo (TSĐB) của khoản nợ bao gồm ba quyền sử dụng đất có diện tích lớn từ 2.657 m2 đến 12.607 m2; Máy xúc lật, xe ủi và các máy móc thiết bị khác thuộc quyền sở hữu của tập đoàn. Tổng giá trị của các TSBĐ khi cho vay rơi vào khoảng 123 tỷ đồng.
Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ hơn 281 tỷ, giảm hơn 31 tỷ đồng so với lần đầu giá vào ngày 4/8.
Trong tháng 8 vừa qua, Agribank cũng tiến hành rao bán đấu giá tài sản với giá khởi điểm vài chục tỷ đồng. Chẳng hạn, Agribank Chi nhánh Hùng Vương rao bán 4 tài sản đảm bảo với tổng giá khởi điểm hơn 41 tỷ đồng gồm:
Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thuộc thửa đất số 55A-1, tờ bản đồ số 05 với diện tích 167m2 tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội; tại địa chỉ Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; tại địa chỉ khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai thành phố Hà Nội; tại địa chỉ: Phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Ngày 25/8, Agribank Chi nhánh Cầu Giấy thông báo việc bán đấu giá khoản nợ của CTCP Hoàng An. Tổng giá trị khoản nợ hơn 76,6. Trong đó, dư nợ gốc hơn 37,8 tỷ đồng và tổng dư nợ lãi hơn 38,7 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo gồm máy móc, xe ô tô tải, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất,... Giá khởi điểm của khoản nợ hơn 69,7 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong tháng 8/2021, Agribank đã thông báo bán đấu giá tài sản khoảng 15 lần với giá trị từ vài trăm triệu đến hàng trăm tỷ đồng. Phần lớn các khoản nợ rao bán nhiều lần kèm đại hạ giá nhưng vẫn chưa tìm được người mua.
Lợi nhuận 'hoành tráng', chất lượng tài sản tại Agribank vẫn tụt dốc
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước và sau thuế tại Agribank đạt 9.464 tỷ đồng và gần 7.573 tỷ đồng, đều tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, chất lượng tài sản của Agribank đang có dấu hiệu đi xuống khi nợ xấu vẫn còn khá lớn, đặc biệt là các khoản nợ tiềm ẩn và lãi dự thu có xu hướng tăng nhẹ.
Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2021, nợ xấu của Agribank cũng tăng 13% so với đầu năm, lên gần 24.429 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ có cả khả năng mất vốn giảm 13% về mức 14.311 tỷ đồng nhưng nhóm nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng 90% lên mức hớn 5.211 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng vọt 102% lên gần 4.906 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Agribank tăng nhẹ 1,78% hồi đầu năm lên 1,98%.
Đáng lưu ý, cũng tại thời điểm này, nợ cần chú ý tại Agribank (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng 24% lên hơn 37.147 tỷ đồng. Con số này còn lớn hơn cả 3 nhóm nợ trên cộng lại.
Lãi dự thu tại Agribank cũng bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ từ 11.960 tỷ đồng hồi đầu năm lên 11.989 tỷ đồng.
Về dự phòng rủi ro cho khách hàng, tại thời điểm 30/6/2021, Agribank có trích lập gần 32.074 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, dự phòng cụ thể đạt gần 22.941 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm. Nó cho thấy, nhà băng này đã trích lập dự phòng rủi ro cụ thể khá mạnh. Nhưng trong kỳ, ngân hàng cũng đã dùng 4.457 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để mạnh tay xử lý nợ xấu, tăng hoàn nhập và cải thiện lợi nhuận.