Nội bộ chưa yên, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) mạnh tay mua lại 250 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC) vừa công bố thông tin về việc mua lại 250 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Đáng chú ý, HBC đã tung tiền mua lại trái phiếu trong bối cảnh doanh nghiệp này còn nhiều khúc mắc nội bộ.
HBC chi 250 tỷ mua lại trái phiếu trước hạn
Cụ thể, ông ng Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa có quyết định phê duyệt mua lại trước hạn lô trái phiếu HBCH2225001.
Lô trái phiếu có mã HBCH2225001. Lô trái phiếu có tổng mệnh giá 500 tỷ đồng, được phát hành ngày 27/1/2022 với thời hạn 5 năm. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành được dùng để bổ sung vốn lưu động, phục vụ hoạt động kinh doanh xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là cổ phiếu HBC và/hoặc tài sản hợp lệ khác theo yêu cầu bổ sung của đại lý quản lý tài sản đảm bảo.
Theo thông tin được công bố, vào ngày 17/1, HBC sẽ tiến hành mua lại 250 tỷ đồng của lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng trên.
Liên quan đến tình hình phát hành trái phiếu của HBC, vào ngày 25/11 vừa qua, Hòa Bình cũng đã hoàn tất thương vụ phát hành trái phiếu có mã HBCH2225002.
Đây là trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, được phát hành ngày 31/10, đáo hạn ngày 31/10/2025. Mệnh giá của trái phiếu là 100 triệu đồng/đơn vị. Tổng giá trị của lô trái phiếu này là 94,6 tỷ đồng.
Được biết, trước đó, Hội đồng quản trị HBC cũng đã có nghị quyết về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị trái phiếu phát hành tối đa 95 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho số trái phiếu phát hành này là hợp đồng tiền gửi trị giá 20 tỷ đồng thuộc sở hữu của công ty và lợi ích phát sinh từ hợp đồng tiền gửi ngày. Ngoài ra, tài sản đảm bảo cũng có thiết bị, vật tư thuộc hệ thống giàn giáo Ringlock mạ kẽm nhúng nóng.
Nội bộ HBC vẫn chưa yên ổn?
Việc HBC chi 250 tỷ đồng mua lại trái phiếu lại càng nhận được sự chú của dư luận khi nó diễn ra trong bối cảnh lùm xùm nội chiến “ghế nóng” của doanh nghiệp này.
Cụ thể, ngày 31/12/2022, HĐQT HBC đã bất ngờ công bố Nghị quyết, thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (được ký ngày 12/12/2022) chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; cũng như hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT.
Đồng thời, HBC hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn theo Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022. Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT theo Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022.
Trước đó vào, ngày 14/12/2022, Hòa Bình đã công bố thông tin về việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải và giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập từ ngày 1/1/2023. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú – Thành viên HĐQT độc lập làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023.
Tới ngày 1/1/2023, các thành viên Hội đồng quản trị độc lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã phát đi một thông cáo báo chí cho biết, các thông cáo của ông Lê Viết Hải với báo chí không những không có cơ sở pháp lý mà còn sai sự thật vì ông Hải không thể tiến hành được cuộc họp HĐQT theo quy định, cũng như có đủ đa số phiếu trong HĐQT để có thể hoãn quyết định được đưa ra trong cuộc họp ngày 13/12/2022.
“Chúng tôi đã thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Việt Nam (SSC) và các cơ quan tư pháp liên quan về tất cả các động thái vi phạm quy chế, quy định của ông Lê Viết Hải trong những ngày vừa qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những hành động thích hợp để đảm bảo các quyết định của HĐQT trong cuộc họp ngày 13/12/2022 được tuân thủ thực hiện đầy đủ và đúng pháp luật.
Vì lợi ích chung tối cao của Tập đoàn do chính ông Lê Viết Hải sáng lập, chúng tôi đề nghị ông Hải không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu Nguyễn Công Phú. Do sự điều hành yếu kém của ông Lê Viết Hải trong nhiều năm, tập đoàn giờ đang đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính. Việc HĐQT thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu Tập đoàn nhằm mục tiêu duy nhất – khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong tương lai.
Vì vậy, ông Nguyễn Công Phú là Chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Hòa Bình kể từ hôm nay, 01/01/2023”, thông cáo nhóm ông Nguyễn Công Phú nhấn mạnh.
Ông Lê Viết Hải muốn triệu tập đại hội cổ đông bất thường
Mới đây, ông Lê Viết Hải, với tư cách cổ đông lớn sở hữu 43,9 triệu cổ phần, tương đương 16,2% cổ phần của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã gửi văn bản chính thức đề nghị triệu tập đại hội cổ đông bất thường để bầu, miễn bãi nhiệm một số thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ủy ban Kiểm toán của Công ty.
Lý do đề nghị là một số thành viên Hội đồng quản trị đã vi phạm nghiêm trọng trách nhiệm, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị theo quy định của Điều lệ Công ty, xâm phạm đến quyền lợi của toàn thể cổ đông. Đơn đề nghị triệu tập được văn phòng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp nhận vào chiều ngày 6/1/2023.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường phải đưa ra bằng chứng vi phạm. Theo Điều lệ của Hòa Bình, trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cổ đông, Hội đồng quản trị phải có văn bản trả lời chính thức bằng văn bản về yêu cầu triệu tập.
Nếu Hội đồng quản trị chấp thuận thì trong thời hạn 30 ngày phải triệu tập đại hội cổ đông. Nếu Hội đồng quản trị không triệu tập thì Trưởng Tiểu ban Kiểm toán phải triệu tập. Trường hợp Trưởng Tiểu ban Kiểm toán không triệu tập thì cổ đông có quyền thay thế Hội đồng quản trị, Trưởng Tiểu ban Kiểm toán triệu tập họp đại hội cổ đông theo quy định tại khoản 6, Điều 136 của Luật Doanh nghiệp. Cổ đông có quyền mời cơ quan đăng ký kinh doanh đến giám sát đại hội cổ đông bất thường.
Như vậy, khả năng đại hội cổ đông bất thường của Hòa Bình được triệu tập trong các kịch bản pháp lý là cao, vấn đề chỉ còn là thời gian.
Và cho đến thời điểm hiện tại, trong Hội đồng quản trị Hòa Bình vẫn bất đồng về tính pháp lý của Nghị quyết 53, nội dung là hoãn thi hành Nghị quyết 50 (về việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023) và Nghị quyết 51 (về việc bầu ông Nguyễn Công Phú giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 1/1/2023).
Theo giải trình của Tập đoàn Hòa Bình gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Nghị quyết 53 được ban hành trên cơ sở cuộc họp ngày 31/12/2022. Trên cơ sở nội dung trao đổi liên quan đến cuộc họp, các thành viên Hội đồng quản trị HBC đã thảo luận và cho ý kiến biểu quyết, gồm 3 phiếu biểu quyết tán thành, 1 phiếu biểu quyết không có ý kiến và 1 phiếu biểu quyết không tán thành. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Phú, thành viên Hội đồng quản trị độc lập lại khẳng định không tham dự cuộc họp và chỉ nhắn tin để thông báo phản đối cuộc họp này.
Được biết, điều lệ của Hòa Bình cũng quy định về giải quyết tranh chấp nội bộ liên quan Hội đồng quản trị hay Chủ tịch Hội đồng quản trị thì bất cứ bên nào cũng có quyền chỉ định một chuyên gia độc lập làm trung gian hòa giải cho quá trình giải quyết tranh chấp.