“Nội công, ngoại kích”, VN-Index sẽ phá đỉnh lịch sử ngay trong quý 1/2018?
- Quí 1 thường là lúc các doanh nghiệp đưa ra BCTC có kiểm toán, đề ra kế hoạch kinh doanh cho cả năm mới. Sẽ có phân hóa, nhưng phần đông sẽ mang màu sắc tích cực. Đặc biệt, dòng vốn nội sẽ tổng tiến công với sự hậu thuẫn của khối ngoại, việc VN-Index phá đỉnh lịch sử chỉ là vấn đề thời gian.
Sau kỳ nghỉ lễ dài, TTCK Việt Nam trở lại với nhiều kỳ vọng xen lẫn nghi ngại. Thị trường sẽ có diễn biến như thế nào sau Tết âm lịch? Liệu có còn những đợt suy giảm mạnh trước ảnh hưởng của chứng khoán Mỹ và thế giới hay không? Để sáng tỏ những vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc CN HCM, CTCP CK Sài Gòn Hà Nội (SHS).
P/v: Xin chào ông. Đầu tiên, xin ông phân tích những yếu tố nào đã là tác nhân cho việc TTCK Việt Nam có đợt suy giảm mạnh trước Tết?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Vào tuần giao dịch đầu tháng 2/2018, thị trường đã chứng kiến một số phiên lao dốc rất mạnh. Có thể nói, đây là một trong những phiên có phần trăm giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự giảm điểm khá bất ngờ của Chứng khoán Mỹ và giá dầu thế giới.
Cho đến hôm nay, để xác định chính xác việc tại sao TTCK Mỹ giảm điểm mạnh và bất ngờ như vậy, là điều rất khó. Có thể bắt nguồn từ việc thay đổi Bảng lương phi nông nghiệp, dấy lên nỗi lo sợ về lạm phát và việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Có những lời đồn đoán rằng FED sẽ tăng lãi suất 4 lần, thay vì 3 lần như dự kiến trong năm 2018. Mặt khác, sau thời gian dài tăng điểm, liên tiếp lập các kỷ lục, sẽ có rất nhiều các NĐT sẵn sàng chốt lời khi có biến động mạnh là điều dễ hiểu. Hiệu ứng chốt lời đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm sâu bất thường. Sự liên thông của dòng vốn toàn cầu đã gây ra những phiên giao dịch bao trùm sắc đỏ trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, chứng khoán trong nước còn phải đối diện với một vài vấn đề riêng. Đó là nỗ lo Margin tăng cao, các CTCK thu hồi nợ để làm báo cáo tổng kết kiểm toán. Tâm lý nghỉ ngơi trong thời điểm cận Tết cũng làm suy yếu dòng tiền nội khối. Tuy nhiên, nếu nhìn trên bình diện dài hạn, thì đây là đợt điều chỉnh hết sức bình thường. Nếu xét trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index chưa gãy trend trung hạn khi luôn giữ vững mốc 980 điểm và mốc tâm lý 1000 điểm. Thị trường cũng đã tạo nền đáy khá vũng, trước khi chuẩn bị cho đợt phục hồi và tăng trưởng sắp tới.
P/v: Như vậy có thể khẳng định đợt điều chỉnh đã kết thúc? Liệu sắp tới, cụ thể là trong quí 1/2018 có còn đợt điều chỉnh nào nữa hay không?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Chúng ta nên đón nhận các đợt điều chỉnh ngắn hạn với tâm thế bình thản và sang suốt. Đó là những diễn biến bình thường ngay cả trong các chu kỳ uptrend mạnh. Lên mạnh, ắt có điều chỉnh. Đây cũng là cơ hội để thị trường thay máu, đi lên vững vàng hơn. Nên nhìn thị trường dưới góc nhìn dài hạn hơn. Khi có biến động, nhà đầu tư hãy nên tự hỏi, bản chất thực của sự tăng trưởng chứng khoán thời gian qua là gì? Liệu những điều tích cực đó đã kết thúc hay chưa?
P/v: Vậy đâu là bản chất của sự tăng trưởng thần kỳ của TTCK thời gian qua?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: có 4 yếu tố chúng ta cần lưu tâm trong thời gian qua. Thứ nhất: kinh tế thế giới, với đầu tàu là nước Mỹ đã có sự hồi phục rất ấn tượng. Không chỉ thể hiện qua những con số từ phố Wall như kỷ lục của chỉ số công nghiệp Dow Jones, mà những chỉ số khác như chỉ số việc làm, GDP, cũng như KQKD của các doanh nghiệp đều đạt những thành tích rất khả quan.
Ngay cả động thái tăng lãi suất của FED cũng khẳng định sự vững vàng của kinh tế Mỹ. Thứ hai: kinh tế vĩ mô trong nước có rất nhiều điểm sáng. GDP tăng cao, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, lạm phát và lãi suất đều được kiểm soát tốt.
Đặc biệt, công cuộc cải tổ ở khối ngân hàng đang mang lại nhiều thành công với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh. Thứ ba: dòng tiền hướng vào TTCK tăng cao. Việc chính phủ quyết liệt trong chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, không chỉ thu hút các dòng vốn ngoại, mà còn đánh thức rất nhiều dòng tiền lâu nay "nằm ngủ" trong dân.
Có thể nói, kênh đầu tư chứng khoán đã trở thành số một hiện nay trong mắt NĐT. Những phiên giao dịch ấn tượng với giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng là minh chứng rõ nét nhất. Thứ tư: nội tại của rất nhiều các doanh nghiệp niêm yết đã được cải thiện. Việc có đến 92% các DNNY báo cáo có lãi trong năm 2017 đã lan tỏa tâm lý lạc quan của giới đầu tư trong và ngoài nước.
Mặc dù giá nhiều mã chứng khoán đã tăng nhiều, nhưng chỉ số P/E của nhiều DNNY vẫn còn rất hấp dẫn.
P/v: Xin ông cho biết những yếu tố nào cần lưu tâm và những tác động của chúng vào TTCK trong nước trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: bên cạnh những thông điệp của chính phủ trong năm 2018 như tiếp tục giữ vững đà tăng GDP, kiểm soát lạm phát, hạ lãi suất, chúng ta cũng không thể chủ quan trước những diễn biến phức tạp của kinh tế chính trị thế giới.
Thứ nhất: cần theo dõi chặt chẽ việc rút vốn khỏi các quĩ đầu tư cổ phiếu tại Mỹ và các thị trường trên toàn cầu. Ngoài ra, nếu Mỹ tăng lãi suất, có khả năng một số NĐT sẽ rút tiền tại các thị trường mới nổi để mang về Mỹ. Lãi suất Trái phiếu cũng cần lưu ý.
Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng vì dù đã có bước tăng trưởng mạnh, nhưng quy mô vốn hóa của TTCK Việt nam hãy còn quá nhỏ so với thế giới. Sẽ có người đi, kẻ đến. Nhất là trong năm 2018 sẽ tiếp tục hứa hẹn nhiều món hàng mới được cổ phần hóa hoặc thoái vốn nhà nước.
Thứ hai: lạm phát luôn là con dao hai lưỡi, hết sức đề cao cảnh giác. Trong bối cảnh kiều hối có dấu hiệu chững lại, cần theo dõi những dòng vốn đầu tư gián tiếp khác. Dù nỗ lực giảm lãi suất, nhưng sự canh tranh thị trường ngày càng cao, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba: qui mô TTCK tăng cao, nhưng chưa đồng thuận với sự phục vụ của các CTCK. Hạ tầng còn yếu, vốn nhỏ, nhân sự chưa đủ năng lực, là những vấn đề mà hầu hết các CTCK đang khá "đau đầu".
TTCK Việt nam đại bộ phận là các nhà đầu tư cá nhân, rất nhạy cảm và bị tâm lý bầy đàn tác động khá nhiều. Chỉ một vài động thái thay đổi về chính sách, về sản phẩm giao dịch hoặc tỷ lệ kiểm soát rủi ro của các CTCK cũng có thể kéo theo những hệ lụy nhất thời.
Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy UBCK nhà nước, hai Sở GDCK luôn nỗ lực để giảm thiểu những tác động xấu lên thị trường, đồng thời cũng suy nghĩ để phát triển thị trường một cách bền vững. Ngay trong tháng 3 này, sẽ ra đời sản phẩm đầy hứa hẹn Covered Warrant. Chúng tôi rất kỳ vọng Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách nâng hạng thị trường trong kỳ tháng 5/2018 hoặc tháng 11/2018.
P/v: Cuối cùng, xin ông đưa ra dự báo về kịch bản TTCK trong quí 1/2018.
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Trong thời gian Việt Nam đón chào năm mới Mậu Tuất, chứng khoán Mỹ đã có nguyên tuần phục hồi khá tốt. Chỉ số Dow Jones đã lấy lại mốc 25.000 điểm. Giá dầu WTI cũng đã lên trên 61$/thùng. Với thống kê của lịch sử, TTCK thường mang sắc xanh sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán.
Với những phân tích mà chúng ta đã nói, cho dù có những thách thức nhất định, nhưng xu hướng thị trường trong thời gian tới là tăng. Quí 1 thường là quí các doanh nghiệp đưa ra BCTC có kiểm toán, đề ra KHKD cho cả năm mới.
Đây có thể gọi là sóng Đại hội. Sẽ có phân hóa sâu sắc, nhưng phần đông sẽ mang màu sắc tích cực. Đặc biệt, dòng vốn nội sẽ tổng tiến công với sự hậu thuẫn của khối ngoại, việc chỉ số VN-Index phá đỉnh lịch sử chỉ là vấn đề thời gian. Chúng tôi dự báo ngay trong quí 1/2018 chúng ta sẽ chứng kiến Vn-index đạt con số 1200.
Vận nước đang lên cao, chứng khoán Việt Nam sẽ thăng hoa trong thời gian tới.
P/v: Xin cảm ơn ông. Xin chúc ông và gia đình có một mùa xuân thật an bình. Chúc công ty SHS cũng như TTCK phát triển rực rỡ trong năm 2018.
Theo Minh Anh
Tri thức trẻ
Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/noi-cong-ngoai-kich-vn-index-se-pha-dinh-lich-su-ngay-trong-quy-12018-4201820211538579.htm