'Nói khơi thông dòng vốn, vậy vốn đang ở đâu mà khơi thông?'

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM nguồn vốn này không ở ngân hàng, không ở Nhà nước mà nằm trong nền kinh tế, trong chính dự án bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM.

Nói về khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề: “Chúng ta nói khơi thông dòng vốn, vậy dòng vốn đang ở đâu mà khơi thông?” 

Theo quan điểm của ông Châu nguồn vốn này không ở ngân hàng, không ở Nhà nước mà nằm trong nền kinh tế, trong chính dự án bất động sản.

“TP. HCM đã có 9 đợt làm báo cáo 106 dự án với 1/4 nằm ở các chính sách hỗ trợ để tháo gỡ. Các dự án vướng mắc lên đến vài trăm, nếu khơi thông được thu thuế VAT đã là 200.000 tỷ, lợi nhuận 20% của 200.000 tỷ đã là 400 tỷ”, ông Châu nói.

Từ thực tế tiếp xúc với doanh nghiệp, ông Châu nhấn mạnh hiện nay doanh nghiệp đang thiếu vốn, thiếu tiền, thiếu thanh khoản, nhưng chúng ta có bài học về luân chuyển đồng tiền sẽ sinh ra tạo cơ chế đồng tiền chạy.

“Hiện nay, đối với TP. HCM muốn giải quyết được vướng mắc thị trường bất động sản thì cần giải quyết thủ tục hành chính, vừa rồi chúng tôi đã giải quyết được một số dự án rồi nhưng con số này là nỗ lực của thành phố. Hôm kia (Ngày 6/8/2023) TP. HCM đã họp và giải quyết được một dự án thiệt hại hàng trăm tỷ, tuần trước đó giải quyết được 3 dự án, giải quyết huy động vốn 50%, nói chung sự vào cuộc của thành phố đáng ghi nhận”, ông Châu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Châu, huy động vốn đâu cần nhờ ngân hàng, chính thị trường sẽ giải quyết vấn đề thanh khoản, muốn dựa vào được thị trường phải tháo gỡ cơ chế về chính sách, chúng tôi ghi nhận sự phản hồi chính sách của Nhà nước, như nghị định 08, nói về thị trường vốn, vốn chủ sở hữu quy định từ 10-20% nhưng bây giờ bị bào mòn, vốn bây giờ nằm trong hàng hóa chứ không phải trong tiền. Đây là điểm yếu.

Trước những lo ngại khi thị trường bất động sản có dấu hiệu khủng khoảng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào thôn tính, ông Châu cho rằng nhìn từ chuyện vừa rồi tập đoàn lớn Việt Nam phải bán 1,5 tỷ USD thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra điều đó có thể xảy ra.

“Trước đây chúng tôi có niềm tin doanh nghiệp trong nước có thể thống lĩnh thị trường nhưng từ quý 3/2022 quan điểm bị lung lay, muốn đất nước mạnh, doanh nghiệp phải mạnh. Hiện nay có nghị định 08 giải quyết câu chuyện trái phiếu nhưng còn liên quan đến tín dụng, chúng tôi chỉ mong các bộ ngành địa phương làm theo Nghị quyết 33, khơi thông thị trường trong nước”, ông Châu nói.

Liên quan gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, ông Châu cho rằng, đây không phải "đũa thần". Gói hỗ trợ này có tác dụng trực tiếp cho chủ đầu tư được vay với lãi suất 8%/năm nhưng với người mua là chưa ổn do từ tháng 1/7 sẽ công bố lãi suất mới.

Về vấn đề phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, ông Châu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu gói 110.000 tỷ đồng vì đây là gói vay với lãi suất, đây là thứ chúng ta cần, song cần thông qua, dù vậy cần lưu ý nếu vay gói 120.000 tỷ sẽ không được chuyển sang vay gói 110.000 tỷ, nên gói 120.000 tỷ như gói chữa cháy.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance