Giải pháp để khơi thông thị trường vốn

Tại toạ đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn" tổ chức sáng 17/3, chuyên gia cho rằng nguyên nhân các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn do các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đang bị “tắc”, từ trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu cho đến tín dụng ngân hàng.

Để khơi thông thị trường vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp tháo gỡ, nổi bật là sự ra đời của Nghị định 08 cho phép thanh toán trái phiếu bằng tài sản, gia hạn thời hạn tối đa 2 năm, tạm dừng áp dụng quy định mới về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hay bắt buộc xếp hạng tín nhiệm… để khơi thông thị trường vốn.

Dù vậy, theo các chuyên gia để hướng tới một thị trường trái phiếu bền vững, minh bạch, cần quyết liệt xử lý nhanh chóng, dứt điểm, nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư; kiểm soát việc đại chúng hoá ở thị trường thứ cấp như thời gian qua; khuyến khích các tổ chức tư vấn độc lập về đầu tư trái phiếu; nâng cao chất lượng dòng tiền của tổ chức phát hành.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng. Ngoài thị trường trái phiếu, NHNN cần cải tổ, thanh lọc mạnh mẽ thị trường tín dụng bởi trong hệ thống hiện có nhiều ngân hàng có sức khoẻ tài chính yếu kém. Muốn khai thông nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác thì hệ thống ngân hàng phải được cải tổ một cách toàn diện và thực chất.

Tọa đàm Giải pháp khơi thông thị trường vốn.  
Tọa đàm Giải pháp khơi thông thị trường vốn.  

7 biện pháp tháo gỡ cho thị trường

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, với trái phiếu doanh nghiệp cần lưu ý hai vấn đề quan trọng là tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm để thị trường vốn phát triển.

Tổng quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 chỉ đạt khoảng 338.000 tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 67%, phát hành riêng lẻ giảm 65%). Bước sang năm 2023, thị trường vẫn khá trầm lắng khi trong hai tháng đầu năm, mới có 2.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp mới được phát hành, chỉ bằng 9,3% cùng kỳ năm 2022.

Điều này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khi lượng trái phiếu đáo hạn cao, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau các sai phạm, doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa kịp thích ứng với các quy định pháp lý mới….

Nghị định 08 số 06 mới được ban hành được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh thị trường cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn như hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường (hệ thống giao dịch, công ty định hạng tín nhiệm...) cũng như nền tảng nhà đầu tư.

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực đã đề xuất 7 biện pháp tháo gỡ cho thị trường vốn. Một là, quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất và cả đảo nợ, đảm bảo quá trình phục hồi của nền kinh tế không bị gián đoạn.

Hai là cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp.

Ba là cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hànhtrái phiếu doanh nghiệp).

Bốn là hoàn thiện hạ tầng của thị trườngtrái phiếu doanh nghiệp như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo…. Việc xây dựng và phát triển các thị trường thứ cấp an toàn là nội dung cần sớm triển khai để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

Năm là hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn… Tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Sáu là cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Cuối cùng, thị trườngtrái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản. Việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính, việc áp dụng các quy chuẩn công bố thông tin, an toàn hệ thống... cần được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý một cách phù hợp, với tư cách độc lập nhiều hơn.

Giải pháp để khơi thông thị trường vốn - Ảnh 1

Áp dụng mô hình bảo hiểm trái phiếu

Cũng tại tọa đàm, bàn về giải pháp đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cốt lõi của thị trường TPDN hiện nay là niềm tin. Ngoài triển vọng thị trường vĩ mô ổn định thì cũng phải bảo vệ được lợi ích của các nhà đầu tư và để củng cố niềm tin là xếp hạng tín nhiệm.

Trong bối cảnh, bản thân các doanh nghiệp của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng tín nhiệm, theo ông Tú Anh, vai trò của bảo hiểm rất quan trọng.

“Chúng ta cần phải có những định chế để bảo hiểm cho các khoản đầu tư vào trái phiếu. Nhà đầu tư sẽ tin hơn rất nhiều nếu công ty bảo hiểm có thể đứng ra đánh giá và bán rủi ro. Nếu có rủi ro đã có bảo hiểm thì nhà đầu tư sẽ cực kỳ tín nhiệm. Cứ phải xuống tiền thì mới tin, còn chưa xuống tiền thì chưa tin”, ông Tú Anh nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm lưu ký Chứng khoán cho biết, câu chuyện bảo hiểm của tổ chức kinh doanh chứng khoán được đặt ra từ lúc xây dựng thị trường. Hơn 20 năm, thị trường bàn về vấn đề công ty chứng khoán có mua bảo hiểm khi đầu tư chứng khoán hay không. Ở đây gói gọn lại là mua bảo hiểm cho khoản đầu tư trái phiếu.

Cần phân biệt giữa TPDN phát hành ra công chúng và TPDN chào bán riêng lẻ. Hiểu nôm na, trái phiếu phát hành riêng lẻ ra công chúng thì được quản lý chặt chẽ, phát hành cho người ít hiểu biết. Chào bán riêng lẻ là cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể hiểu là sự dàn xếp tài chính giữa trái chủ và các tổ chức phát hành.

“Vậy câu hỏi là cần bảo hiểm hay không? Nếu có thì đưa vào giá vốn phát hành. Một doanh nghiệp phát hành TPDN sẽ phát hành 10-12%, nhưng giá vốn lên đến 15%, cần thiết mua thì có thôi, nhưng giá mua vốn đội lên. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có cần thiết không? Cái đó thì thị trường sẽ giải quyết”, ông Sơn đánh giá.

Dưới góc nhìn cá nhân, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra một ví dụ, TTCK Mỹ có định chế được thành lập từ năm 1970 để bảo hiểm cho khoản đầu tư. Nhưng bảo hiểm ở đây là bảo hiểm cho tài sản của nhà đầu tư trên tài khoản đó không bị mất vì những lý do trái pháp luật trên thị trường như bị ăn cắp tiền trên tài khoản hoặc sử dụng trái phép chứng khoán của nhà đầu tư, thông qua cơ chế yêu cầu CTCK phải nộp khoản tiền nhất định.

“Do đó, ở đây cần suy nghĩ về tính khả thi của việc bảo hiểm giá trị của khoản trái phiếu đó, nó phụ thuộc vào chất lượng kinh doanh của tổ chức phát hành”, bà Bình nói.

Còn với quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, vị chuyên gia này khẳng định không có một bảo hiểm nào bảo hiểm cho trái phiếu, ngay ở Mỹ cũng không có công ty nào dám bảo hiểm bởi chi phí bảo hiểm rất cao. Thành ra các trái phiếu chỉ có bảo lãnh, một ngân hàng nào đó đứng ra bảo lãnh trái phiếu đó. Theo đó, ông Hiếu cho rằng: “Mô hình bảo hiểm trái phiếu không thể áp dụng và không khả thi”.

MINH ANH

Kinh doanh và Phát triển