Chủ tịch HoREA: Đề nghị xem xét nâng room tín dụng thêm 1-2%

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA hiện các ngân hàng thương mại gần như đã cạn room. Đề nghị xem xét nới room tín dụng thêm 1 - 2%.

 

Các ngân hàng không thiếu vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn thì phải được vay
Các ngân hàng không thiếu vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn thì phải được vay

Huy động vốn nhiều khó khăn

Tại diễn đàn mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, vốn tín dụng ngân hàng là cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp bất động sản có đủ nguồn vốn hoạt động. Nếu vốn tín dụng ngân hàng tắc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Theo quy định pháp luật về đất đai, để làm dự án, doanh nghiệp bất động sản phải có vốn chủ sở hữu từ 15 đến 20% tổng vốn đầu tư. Nếu dự án có quy mô từ 20 ha trở lên thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu là 15% và yêu cầu tỷ lệ vốn 20% với dự án có quy mô nhỏ hơn 20 ha. Như vậy, 80 - 85% nguồn vốn đầu tư là từ huy động. Tuy nhiên, thị trường huy động còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản có một số kênh huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Các ngân hàng thương mại chính là "bà đỡ" của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng là nguồn vốn mồi quan trọng hàng đầu với các doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Châu, nguồn vốn cần thiết nhất với doanh nghiệp sau nguồn vốn chủ sở hữu là nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn thứ hai là trái phiếu doanh nghiệp và thứ ba là nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, nguốn vốn qua quỹ bất động sản, quỹ tín thác đang là nguồn vốn khiếm khuyết khi hiện nay chỉ có một quỹ duy nhất và đầu tiện tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại là quỹ của Techcombank, còn được gọi là TCREIT. Nhưng quỹ này cho đến nay vẫn còn rất nhỏ với số vốn là 50 tỷ đồng.

"Thị trường vốn của Việt Nam còn sơ khai. Trong khi phát hành trái phiếu thì tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 1% và 99% còn là là phát hành riêng lẻ. Do đó, thị trường trái phiếu còn thiếu minh bạch và thiếu bền vững", Chủ tịch HoREA cho biết.. 

Một kênh huy động vốn quan trọng khác với doanh nghiệp bất động sản là nguồn vốn huy động từ khách hàng. Nhưng nguồn vốn này lại cần vốn tín dụng. Hiện nay, các ngân hàng thương mại không cho phép vay để mua đất mà chỉ được vay đề phát triển dự án sau khi có quỹ đất.

Bên cạnh đó, room tín dụng của năm 2022 là 14%. Ông Châu đề nghị xem xét nâng thêm 1 - 2%. Bởi phần lớn các ngân hàng thương mại hiện đã gần cạn room.

Do đó, Chủ tịch HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá và cho phép 4 ngân hàng lớn nới room, và xem xét nới room cho các ngân hàng đạt chuẩn BASE II nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Chia sẻ mới đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhận định, nhiều kênh dẫn vốn vào thị trường bất động sản như tín dụng, trái phiếu, thị trường cổ phiếu đều đang bị tắc nghẽn. 

Cụ thể, nguồn vốn tín dụng gặp khó khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa có tín hiệu sẽ nới room tăng trưởng tín dụng, thị trường trái phiếu chững lại, thị trường cổ phiếu có bước sụt giảm mạnh trong những tháng qua.

Tuy nhiên, khi các kênh dẫn vốn cho bất động sản trong nước đang gặp khó khăn thì đây lại là cơ hội cho các quỹ đầu tư nước ngoài. Chính các quỹ cũng nhận định rằng, đây chính là cơ hội vàng để họ giải ngân vào bất động sản Việt Nam, ông Lực cho biết. "Vấn đề là các doanh nghiệp có tiếp cận được với nguồn vốn từ các quỹ này hay không?", vị này nói.

Đủ điều kiện vẫn được vay vốn

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM khẳng định,  các ngân hàng không thiếu vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn thì phải được vay.

Với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn thì các ngân hàng không thể cho vay vốn vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống ngân hàng. 

Theo ông Minh, vốn cho doanh nghiệp được nhìn nhận ở góc độ ngân hàng có 2 chính sách: tín dụng và lãi suất.

Về tín dụng, năm 2022 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng là 14% và ông Minh cho rằng mục tiêu là rất phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh.

Vị này thông tin, trong gần 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,3%, tức là dư địa còn lại là 4,7% trên tổng dư nợ, tương đương 450.000 tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP.HCM, room tín dụng còn trên dưới 150.000 tỷ đồng.

Về chính sách lãi suất, hơn 20 năm nay, cơ chế lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng vẫn được duy trì và điều kiện dựa trên căn cứ vào quan hệ cung cầu vốn trên thị trường; mức độ tín nhiệm của ngân hàng với khách hàng. Sau nhiều lần giảm lãi suất thì mức lãi suất cho vay ngắn hạn với các đối tượng vay thông thường là khoảng từ 5-7%/năm. 

“Tôi có thể khẳng định các ngân hàng không thiếu vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn thì phải được vay”, ông Minh nhấn mạnh.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống