'Núi tiền' của Phan Sào Nam; ông Vượng nghiên cứu Big Data

Phan Sào Nam chỉ còn phải thi hành án khoảng 9 tỷ đồng; tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập công ty Big Data... là tin tức nổi bật trong tuần.

Tài sản khủng của 'ông trùm' Phan Sào Nam

Là một trong những “ông trùm” cầm đầu đường dây đánh bạc ngàn tỷ Rikvip/Tip.Club, Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần VTC Online) đã hưởng lợi được hơn 1.475 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền mà Phan Sào Nam phải phải nộp khắc phục theo bản án tòa tuyên.

Đến nay, Phan Sào Nam đã nộp khắc phục phần lớn số tiền và hiện chỉ còn phải thi hành khoảng 9 tỷ đồng.

Ông trùm đường dây đánh bạc ngàn tỷ Phan Sào Nam.  
Ông trùm đường dây đánh bạc ngàn tỷ Phan Sào Nam.  

Theo hồ sơ vụ án, sau khi hưởng lợi số tiền từ hoạt động đánh bạc, Phan Sào Nam đã chuyển cho bị can Phan Thu Hương hơn 236 tỷ đồng gửi tiết kiệm và mua bất động sản; nhờ Đỗ Bích Thủy rút 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư góp vốn vào Công ty Vịnh Xanh Hạ Long, Công ty Ấn Tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech gần 93 tỷ đồng.

Nam cũng nhờ Nguyễn Thị Hồng Nhung (39 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TPHCM) gửi tiết kiệm hơn 384 tỷ đồng; gửi Nguyễn Mạnh Hùng (41 tuổi, ở phường Hồng Hà, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cất giữ gần 147 tỷ đồng và tiền đô la, vàng trị giá hơn 142 tỷ đông; nhờ Phí Quang Hưng (39 tuổi, ở Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) gửi tiết kiệm hơn 101 tỷ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ tại khu Đô thị Vila Park - TP.HCM, trị giá hợp đồng gần 112 tỷ đồng; chuyển tiền mua 2 căn hộ đứng tên Hoàng Thành Trung, trị giá hợp đồng gần 28 tỷ đồng và Phan Sào Nam mua 2 căn hộ, trị giá hợp đồng gốc là hơn 12 tỷ đồng; gửi tại Ngân hàng Bank of Singapore số tiền 3,5 triệu USD.

Ngoài ra, Nam khai chuyển cho bị can Tuấn cất giữ vàng, đô la trị giá 150 tỷ đồng, chuyển Trung và Kiên sử dụng, cất giữ vàng, đô la trị giá 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các bị can Tuấn, Trung và Kiên đang trốn, nên chưa xác minh làm rõ được.

Bị cáo Phan Sào Nam đã chuyển cho bị cáo Phan Thu Hương (dì ruột của Phan Sào Nam) 236 tỷ đồng, ban đầu là để cất giữ, sau là đầu tư sinh lời giúp. Tuy nhiên, số tiền này được chuyển qua tài khoản công ty Lô Gích với danh nghĩa “xử lý tài chính” giúp bằng cách Công ty VTC Online ký hợp đồng với Công ty Lô Gích, thanh toán theo hợp đồng. Công ty Lô Gích xuất hóa đơn. Sau khi nhận được tiền, Công ty Lô Gích rút tiền ra, chuyển cho các tài khoản mà Phan Sào Nam chỉ định.

Tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án (tháng 11/2018), cơ quan điều tra tạm giữ của Nam hơn 800 tỷ đồng, phong tỏa 77 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng, kê biên hai nhà, trị giá theo hợp đồng 12,4 tỷ đồng; phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ, trị giá 139 tỷ đồng, tạm giữ 5 ôtô. Tổng tiền, tài sản Nam đã nộp là hơn 1.300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số tiền lớn Nam khai giấu ở nhà bạn ở Quảng Ninh, khi trinh sát đến nơi, chủ nhà mới hay hai thùng đồ Nam nhờ gửi chính là thùng tiền. Trong nhà kho không có khóa cửa, ở xó nhà có hai thùng (cao 80 cm, dài hơn 2 m, rộng 80 cm) được che bạt. Cậy nắp thùng, bên trong chất các cọc tiền cao tới 40 cm. Số tiền này tổng cộng 147 tỷ đồng, 7 máy đếm tiền hoạt động hết công suất từ 17h30 đến 22h30 mới kiểm đếm xong. Trong khi đó, số tiền 300 tỷ đồng, Nam khai gửi tại nhà một người bạn ở TP HCM, nhưng khi cơ quan tố tụng xác minh thì số tiền lên tới 375 tỷ đồng.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập công ty nghiên cứu Big Data

Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa thông qua việc thành lập Công ty cổ phần VinBigData, với vốn điều lệ gần 471 tỷ đồng do Vingroup góp 99%.

Công ty này đăng ký 25 lĩnh vực kinh doanh, trong đó nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ là ngành nghề chính.

Dữ liệu lớn (Big Data) trở thành một hiện tượng toàn cầu khi được sử dụng cho mọi mặt trong cuộc sống. Tại Việt Nam, sức ảnh hưởng của Big Data lên các ngành kinh doanh cũng ngày càng lớn hơn.

Trước đó, đầu tháng 8, Vingroup đã thành lập Công ty Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI. Hoạt động chính của công ty này là nghiên cứu và phát triển các công nghệ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, doanh số bán ôtô năm nay của Vingroup tăng 59% lên 40.000 xe, giúp doanh thu mảng công nghiệp có thể đạt 25.600 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD).

Tài sản của ông chủ Hóa chất Đức Giang tăng vọt

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tăng trần lên 141.900 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất từ khi lên sàn của mã chứng khoán này. Cùng với đó là thanh khoản đạt hơn 2 triệu cổ phiếu, mức cao nhất trong gần 2 tháng vừa qua.

Với việc thị giá liên tục vượt đỉnh, giá trị vốn hóa của Hóa chất Đức Giang cũng liên tiếp leo lên các mức mới và hiện đạt 24.276 tỷ đồng. Qua đó Hóa chất Đức Giang trở thành doanh nghiệp tiếp theo có vốn hóa 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán.

Cũng nhờ đà tăng giá này mà tài sản của cổ đông cũng có sự đột biến, nhất là nhóm cổ đông lớn liên quan đến ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hóa chất Đức Giang.

Vào đầu năm 2021, ông Huyền mua 1 triệu cổ phiếu DGC và sau đó nhận thêm cổ tức tỷ lệ 20:3 bằng cổ phiếu. Nhờ đó lượng cổ phiếu mà vị doanh nhân đang sở hữu là hơn 31,66 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ gần 18,5% vốn.

Xét theo giá thị trường, khối cổ phần mà đại gia này đang nắm giữ trực tiếp lên đến 4.493 tỷ đồng. Giá trị tài sản này giúp cá nhân ông lên vị trí thứ 33 trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán. Hiện ông đang xếp trên ông Đặng Thành Tâm (chủ tịch Đô thị Kinh Bắc) và xếp dưới ông Trần Lê Quân (đồng sáng lập Thế Giới Di Động).

Minh Thái

Theo Đất Việt