'Ông lớn' sở hữu 'cú đấm thép' ấp ủ kế hoạch tạo 'cú hích' với đường sắt cao tốc chạy 850km/h: Hành trình Bắc - Nam chỉ còn 2 tiếng

Tập đoàn hàng đầu Việt Nam sẵn sàng đấu thầu dự án đường cao tốc Bắc - Nam với kế hoạch đưa vận tốc đường sắt lên đến 850km/h.

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát diễn ra ngày 11/4, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh về hoạt động chủ chốt trong ngắn hạn 5-10 năm tới là tập trung vào lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt, xây dựng và phát "cú đấm thép" Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2.

Tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2, Tập đoàn Hòa Phát sẽ làm đường ray xe lửa cho đường sắt cao tốc. Từ đây, Hòa Phát cũng sẵn sàng đấu thầu cho dự án đường sắt cao tốc Bắc  - Nam.

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Hòa Phát
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Hòa Phát

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Long cho biết, doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu đề án sản xuất đường ray tốc độ cao với tốc độ tính toán ban đầu có thể lên đến 850km/h: "Bao giờ ra sản phẩm cũng phải tính được thì tương lai. Bây giờ thế giới phổ biến là 300-500km/h. Nhưng tôi được biết nhiều nước đang có thử nghiệm 800km/h. Mình làm sau, mình phải bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu về tốc độ. Tốc độ càng cao thì tính ăn mòn càng khủng khiếp".

Được biết, ngoài Tập đoàn Hòa Phát còn có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước muốn thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một trong số đó Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC). 

Trong Thông báo về kết luận tại Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh về mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm phát triển kinh tế.

Đặc biệt, để lựa chọn kịch bản tối ưu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc  - Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá toàn diện các yếu tố: công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải (hàng hóa và hành khách) của đường sắt trên trục Bắc Nam (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt khổ 1.000mm hiện hữu), tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế…

Ảnh minh họa bởi AI
Ảnh minh họa bởi AI

Theo đề án, đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài dự kiến là 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h. Đến năm 2030, phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh dài 281km, TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang dài 370km.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến về 3 kịch bản đường sắt Bắc - Nam.

Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Chi Chi

Theo Chất lượng và cuộc sống