Ông Nguyễn Đỗ Lăng: Ngày trở lại sau lệnh bắt giam, sắc tím đã 'nhạt'
Màn tái xuất của ông Nguyễn Đỗ Lăng khiến bộ ba cổ phiếu APS, API và IDJ phủ sắc tím. Song so với thời điểm vị doanh nhân này hô hào 'gồng lãi', sắc tím đã nhạt đi rất nhiều.
Đầu tuần này, ‘chứng trường’ được một phen xôn xao khi bộ ba cổ phiếu APS, API và IDJ ‘nhà’ Apec đồng loạt tăng kịch trần ngay trong những phút giao dịch đầu tiên và đóng cửa trong sắc tím, bất chấp việc cả ba vẫn đang bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) duy trì diện cảnh báo và kiểm soát. Sự hưng phấn tiếp tục được duy trì sang phiên giao dịch hôm nay. Khi thị trường vừa mở cửa, nhóm cổ phiếu này đã ‘tím lịm’ và liên tục 'cháy hàng'
Cũng cần nói thêm, đây là lần đầu tiên vị doanh nhân này xuất hiện trước cổ đông sau gần 1 năm nhận quyết định khởi tố, bắt tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán từ Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội.
Trong ngày trở lại, vẫn với phong cách quen thuộc, ông Nguyễn Đỗ Lăng xuất hiện trong chiếc áo dài cách tân, hình ảnh người ta vẫn thường thấy trong những lần vị doanh nhân này điều hành tham gia ĐHĐCĐ. Chỉ khác là, lần này, ông Lăng không còn đảm nhận bất kỳ chức vụ nào và bản thân ông vốn không có ý định tham gia cuộc họp mà dự định chỉ ở phía sau hậu trường.
Có lẽ, đây là lần xuất hiện ít ‘rầm rộ’ nhất của vị doanh nhân này. Trước đó, cái tên Nguyễn Đỗ Lăng từng có nhiều màn “lên sóng” hoành tráng.
Profile “khủng”
Ông Nguyễn Đỗ Lăng bắt đầu thu hút sự chú ý trên thương trường vào năm 2006 khi thành lập liên tiếp hai doanh nghiệp là Công ty CP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API) và Công ty CP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APS). Đây là hai trong số ba trụ cột chính của hệ sinh thái Apec Group sau này.
Thời điểm đó, với số vốn điều lệ 60 tỷ đồng, APS là một trong những công ty chứng khoán khá lớn. Cũng cần nói thêm, vào thời điểm mới thành lập, những cái tên đời đầu như SSI, BSC, BVSC… thậm chí còn không có mức vốn cao bằng APS.
Cụ thể, năm 1999, vốn điều lệ của SSI chỉ ở mức 6 tỷ đồng, trong khi BSC là 55 tỷ đồng, còn BVSC là 43 tỷ đồng. Ra đời trong bối cảnh các công ty chứng khoán ‘đua nhau’ tăng vốn và lên sàn, không chịu đứng ngoài cuộc chơi, APS của ông Lăng cũng liên tục tăng vốn và ‘gia nhập’ thị trường chứng khoán. Năm 2009, hơn hai năm sau khi thành lập, doanh nghiệp này ra mắt sàn UPCoM và một năm sau đó thì chuyển sang HNX.
Cũng với tiến trình tương tự, ‘người anh em’ của APS là API cũng lên sàn UPCoM năm 2009 và chuyển sang HNX vào năm 2010, đồng thời đặt chân vào lĩnh vực bất động sản với dự án Trung tâm thương mại Thái Nguyên quy mô 1.239 tỷ đồng.
Không chỉ gây dấu ấn bằng việc thành lập rồi cùng lúc đưa cả hai doanh nghiệp lên sàn, ông Nguyễn Đỗ Lăng còn khiến dư luận phải trầm trồ với ‘profile’ khủng. Vị doanh nhân người Bắc Ninh sinh năm 1974 sở hữu bằng Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Trento (Ý) và từng có thời gian làm việc tại nước ngoài. Năm 1998, ở tuổi 24, khi còn khá trẻ, ông Lăng đã là Giám đốc điều hành Công ty Prometeo (Ý).
Sau khi về nước lập nghiệp, ông đã đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn quốc tế Cát Tường – CIC trong suốt 6 năm, từ năm 2000 đến năm 2006. Năm 2006, khi sáng lập hệ sinh thái Apec Group, ông Nguyễn Đỗ Lăng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS và Chủ tịch của API.
Dưới sự dẫn dắt của ông Lăng, APS được đánh giá là công ty chứng khoán có tiềm năng lớn. Năm 2013, Asean Small Cap Fund và Luceme Enterprise Ltd đã rót tiền vào APS và trở thành cổ đông lớn của công ty này với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 6,39% và 6,08%. Trong khi đó, API liên tục mở rộng quỹ đất từ Bắc vào Nam.
Đến năm 2015, hệ sinh thái Apec tiếp tục được mở rộng với sự kiện ông Nguyễn Đỗ Lăng gia nhập Công ty Đầu tư IDJ Việt Nam với tư cách Thành viên HĐQT. Thời điểm đó, API cũng là cổ đông lớn nhất của IDJ với tỷ lệ sở hữu hơn 20%. Đáng chú ý, kể từ khi xuất hiện của doanh nhân Bắc Ninh, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này được cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, ông Lăng còn có nhiều năm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Cotana (HNX: CSC) - một doanh nghiệp nằm ngoài hệ sinh thái Apec Group.
Khối tài sản nghìn tỷ và màn hô ‘gồng lãi’ chấn động năm 2021
Năm 2021, cái tên Nguyễn Đỗ Lăng trở thành tâm điểm của sự chú ý khi bộ ba cổ phiếu APS, API và IDJ đồng loạt “nổi sóng”, đưa vị doanh nhân này lọt top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Cụ thể, tháng 8/2021, API bắt đầu “nổi sóng” và đến phiên 8/11/2021 rồi đạt mức 100.300 đồng/cp trong phiên 8/11/2021, trở thành một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán. Trong thời gian này, IDJ ‘phi nước đại’ và đạt tới 74.800 đồng/cp trong phiên 15/11/2021, tăng trưởng 400% sau nửa năm. Tương tự, từ vùng ‘trà đá’, APS leo một mạch lên mức đỉnh 60.000 đồng/cp. Tính số cổ phần mà ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng vợ sở hữu, khối tài sản của vị doanh nhân này lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Vào chính thời điểm cổ phiếu trong cơn sốt nóng, tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào chiều ngày 16/11/2021 của APS, ông Lăng và cộng sự gây chú ý khi quàng khăn tím – màu đặc trưng của dòng cổ phiếu Apec khi đó, hô hào cổ đông “quyết tâm gồng lãi”.
Cũng trong tháng 11/2021, Tập đoàn Apec đã tổ chức buổi tọa đàm “Đại cách mạng nhà ở xã hội giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người Việt Nam”. Tại buổi Toạ đàm, Chủ tịch Nguyễn Đỗ Lăng tuyên bố thành lập Tổng Công ty đầu tư và Phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện một cuộc “đại cách mạng”, phấn đấu hoàn thành khoảng 10 triệu căn hộ nhà ở xã hội 5 sao trong vòng 10 năm.
Những lời hứa hẹn chưa thành hiện thực
Không lâu sau đợt tăng sốc hồi tháng 11/2021, bộ ba cổ phiếu ‘nhà APEC’ đồng loạt rơi sâu, vẽ chiều xuống của hình cây thông, khiến nhóm cổ đông ‘đu đỉnh’ chỉ biết ngậm ngùi. Đến năm 2023, bộ ba này bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng trở lại.
Trước những diễn biến tích cực này, tại ĐHĐCĐ thường niên của APS diễn ra ngày 8/6/2023, ông Nguyễn Đỗ Lăng khẳng định trong tương lai, thị giá cổ phiếu này tăng gấp đôi, gấp ba lần hiện tại và nhóm cổ phiếu Apec sẽ trở thành ‘hoa hậu’ trong năm 2023.
Tuy nhiên, nửa tháng sau đó, ngày 23/6/2023, ông Lăng cùng vợ là bà Huỳnh Thị Mai Dung và 3 bị can khác đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi thao túng 3 cổ phiếu APS, API và IDJ, thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 157 tỷ đồng.
Biến cố này đã khiến nhóm cổ phiếu Apec cũng đã ‘lao dốc’ thê thảm, còn nhóm cổ đông tin vào lời ‘gồng lãi’ vẫn ‘mắc kẹt’ trên đỉnh ngọn thông. Gần một năm sau biến cố của nhóm lãnh đạo, bộ ba APS, API và IDJ đã mất khoảng 60% thị giá. Còn nếu so với mức đỉnh thiết lập hồi giữa tháng 11/2021, thị giá của nhóm này đã “bốc hơi” 80 - 90%.