Petrolimex kinh doanh ra sao dưới thời ông Đào Nam Hải?

Dưới thời CEO Đào Nam Hải, tình hình kinh doanh Petrolimex nhiều biến động. Dù sở hữu nửa thị phần xăng dầu tại VN nhưng lợi nhuận Petrolimex chưa tương xứng.

Bộ Tài chính vừa ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) với ông Đào Nam Hải, người đại diện phần vốn nhà nước, thành viên HĐQT, tổng giám đốc tập đoàn này, cho đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Đào Nam Hải (sinh năm 1974) có bằng Thạc sĩ Luật Kinh tế, Cử nhân Quản trị Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trước khi ngồi ghế CEO Petrolimex từ tháng 3/2022, ông Hải có gần 5 năm đảm nhiệm vai trò Phó Tổng giám đốc (10/2017 - 3/2022), đồng thời là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) trong suốt 8 năm (4/2014 - 3/2022).

Ngoài ra, ông Hải cũng từng giữ nhiều vị trí chủ chốt tại các đơn vị thành viên của Petrolimex như: Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Xây lắp 1 - Petrolimex, Thành viên HĐQT Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam.

Ít tuần sau khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Petrolimex, ông Hải tiếp tục được giao trọng trách kiêm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT Tập đoàn.

Ông Đào Nam Hải  
Ông Đào Nam Hải  

Kể từ khi ông Hải đảm nhiệm CEO của Petrolimex, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này có nhiều biến động.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex năm 2022 đạt 1.902 tỷ đồng (giảm 39% so với năm 2021), năm 2023 là 3.077 tỷ đồng (tăng 61% so với năm 2022) và năm 2024 ở mức 3.161 tỷ đồng (tăng 3,3%).

Tính bình quân trong giai đoạn 2020-2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Petrolimex tăng lần lượt 27,5%/năm và 43,6%/năm.

Dù lợi nhuận đã có sự cải thiện nhưng nếu so với giai đoạn 2016-2019, kết quả này vẫn thấp hơn khá nhiều.

Kết thúc quý đầu năm 2025, dù thu hàng trăm tỷ đồng từ lãi hoạt động tài chính nhưng Petrolimex vẫn báo lãi "rơi tự do" và được dự báo sẽ đối diện với một số thách thức trong tương lai khi hàng tồn kho lớn, nợ vay ngắn hạn chiếm áp đảo.

Trong quý I/2025, doanh thu thuần của Petrolimex đạt gần 67.896 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2024. Giá vốn hàng bán giảm gần 9%, về 64.149 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp sụt giảm 20%, còn 3.711 tỷ đồng.

Các chi phí khác có xu hướng tăng như chi phí bán hàng tăng 5% lên 3.353 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10% lên 263 tỷ đồng. Lãi trước thuế Petrolimex trong quý I/2025 còn 358,4 tỷ đồng, giảm hơn 75% so với cùng kỳ.

Sau khi khấu trừ thuế, Petrolimex báo lãi 210 tỷ đồng, giảm hơn 81% so với quý I/2024.

Tính đến cuối quý I/2025, giá trị hàng tồn kho của Petrolimex ở mức 16.012 tỷ đồng, chiếm đến 20% tổng tài sản, tỉ lệ khá cao so với thông lệ ngành. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho tăng 354% so với đầu năm 2025, lên 334 tỉ đồng.

Giải trình về kết quả sa sút này, lãnh đạo Petrolimex cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ diễn biến thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá dầu thô WTI giảm từ mức 77,8 USD/thùng đầu quý xuống còn 67,04 USD/thùng vào cuối quý, do tác động từ các yếu tố như chính sách thuế quan, quyết sản lượng từ OPEC+, căng thẳng địa chính trị và tình hình kinh tế của các nền kinh tế lớn.

"Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn hàng bán và dẫn đến việc tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm kết thúc quý theo đúng quy định hiện hành"- Petrolimex cho hay.

Năm 2025, Petrolimex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất giảm 13%, về mức 248.000 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế giảm 19%, về mức 3.200 tỷ đồng. Với kết quả 358,4 tỷ đồng lãi trước thuế sau 3 tháng, Petrolimex mới hoàn thành hơn 11% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PLX tăng 6,57% trong phiên 8/5, lên mức 35.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, so với đầu năm, cổ phiếu này đã giảm khoảng 10%.

Mai Anh

Theo VietnamFinance