PGBank 'lận đận' đường sáp nhập
Từ năm 2013 đến nay, PGBank luôn trong trạng thái chờ sáp nhập. Vậy đâu sẽ là điểm đến tiềm năng cho PGBank?
Sếp MSB sang PGBank?
Mới đây, hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng Giám đốc PG Bank từ ngày 2/11/2020.
Cùng ngày trên, khi quyết định bổ nhiệm làm Quyền Tổng Giám đốc tại PGBank bắt đầu đi vào hiệu lực, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động cũng như miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc của ông Hùng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng có hiệu lực.
Theo giới thiệu, ông Nguyễn Phi Hùng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, từng đảm nhiệm cương vị Giám đốc Khối Vận hành của PG Bank; Trưởng phòng Thanh toán quốc tế và Tài trợ thương mại, Trưởng phòng phụ trách giao dịch ngân quỹ tại Ngân hàng Citibank NA Hà Nội; Giám đốc Khối Vận hành Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Năm 2013, ông Hùng gia nhập MSB, đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Công nghệ và vận hành, rồi sau này được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối vận hành.
Trước ông Nguyễn Phi Hùng, tháng 05/2020, một “tướng” khác của MSB cũng bất ngờ gia nhập và giữ trọng trách ở PGBank. Đó là ông Hoàng Xuân Hiệp.
Theo giới thiệu của PGBank, ông Hiệp từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB trước đó, như: Phó Tổng Giám đốc; Tổng Giám đốc công ty quản lý và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Hàng Hải. Sang PG Bank là Phó Tổng Giám đốc, ông Hiệp đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.
Thực tế, MSB và PGBank đã có mối quan hệ gắn bó từ trước. Tại thời điểm 31/12/2018, MSB từng sở hữu cổ phiếu PGB (Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex - PGBank) với tỷ lệ là 9,98%.
Được biết vào năm 2017, Hội đồng quản trị MSB cũng đã "hứa hẹn" về việc thoái vốn PGBank (thời điểm đó, PGBank đang trong quá trình làm thủ tục sáp nhập với VietinBank). Tới đầu năm 2019, lãnh đạo ngân hàng MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cp, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ giao dịch đã thực sự diễn ra hay chưa và bên nào là người mua?
Và động thái dịch chuyển nhân sự giữa MSB và PGBank có thể chỉ là hoạt động thay đổi nhân sự đơn thuần hoặc cũng có thể là sự chuẩn bị cho một “dụng ý” lớn nào đấy? Phải chăng thông qua việc bổ nhiệm này, MSB đang gia tăng ảnh hưởng tại PGBank giữa lúc thương vụ sáp nhập với HDBank vẫn chưa rõ kết quả.
PGBank “lận đận” đường sáp nhập
Được biết, nhiều năm trở lại đây, PGBank luôn trong trạng thái chờ sáp nhập. Đích đến đầu tiên là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) nhưng rồi bất thành.
Thông tin sáp nhập PGBank vào Vietinbank đã có từ năm 2013 và được cụ thể hoá năm 2015 khi ĐHĐCĐ thường niên cả hai ngân hàng đều phê duyệt phương án sáp nhập. Vietinbank theo đó sẽ phát triển PGBank trở thành công ty tài chính của mình. Quá trình sáp nhập dự kiến hoàn thành ngay trong năm 2016.
Tuy nhiên cuộc 'hôn nhân' giữa Vietinbank và PGBank đã không diễn ra như dự kiến, liên tục bị trì hoãn mà vướng mắc lớn nhất là tỷ lệ hoán đổi cổ phần, được xác định theo tỷ lệ 1:0,9, tức là 1 cổ phần PGBank sẽ đổi lấy 0,9 cổ phần Vientinbank. Sự việc kéo dài đến năm 2017, cổ đông than phiền sự chậm trễ sáp nhập gây ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu và không được nhận cổ tức. Cuối cùng, sau nhiều năm đàm phán đã không có cuộc “hôn nhân” giữa VietinBank và PGBank.
Sau đó, đích đến của PGBank chính là Ngân hàng Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank). Mặc dù, hơn 2 năm qua đã có đề án và được cổ đông thông qua, đồng thời cũng từng được chấp thuận về chủ trương từ phía Ngân hàng Nhà nước, song đến thời điểm này thương vụ PGBank sáp nhập vào HDBank vẫn chưa có tiến triển gì thêm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2020 của PGBank diễn ra tháng 6/2020, Ông Trần Ngọc Năm - Thành viên HĐQT PG Bank, đại diện sở hữu vốn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) chia sẻ trong bối cảnh Petrolimex bị những ràng buộc, quy định Nhà nước bắt Petrolimex phải thoái vốn, thậm chí phải thoái 100% vốn tại PGBank chứ không phải chỉ xuống 15%, nếu không được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Petrolimex sẽ thoái vốn tại PGBank.
Ông Năm cho biết: "Tôi đã thay mặt ban lãnh đạo Petrolimex ký văn bản sang HDBank với tư cách một cổ đông thông báo với HDBank, đến ngày 31/08/2020, không thực hiện được vấn đề sáp nhập, Petrolimex sẽ thoái vốn. Điều này có nghĩa sẽ không thực hiện sáp nhập nữa. Nếu 60% cổ đông khác vẫn quyết định sáp nhập thì đó là quyền của các cổ đông khác. Còn chúng tôi sở hữu 40% sẽ thoái vốn".
Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ 2020 vừa qua của HDBank vào tháng 6/2020, ông Nguyễn Hữu Đặng - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cũng cho biết, hiện tại HDBank và PG Bank đang hỗ trợ nhau điều tiết nhân sự, đang đốc thúc để đẩy nhanh tiến độ sáp nhập. Theo đó, HDBank đã cử ông Lý Vinh Quang “biệt phái” sang làm Thành viên HĐQT PG Bank. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp thương vụ sớm hoàn tất. Tuy nhiên, đến nay đã qua hạn 31/8/2020 nhưng thương vụ sáp nhập này vẫn biệt vô âm tín.
Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá "Khả năng HDBank mua lại PGBank khá thấp" và nhận định thương vụ không có lợi đối với HDBank nên thông tin này là tín hiệu tích cực với giá cổ phiếu.
Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của PGBank cực kỳ cô đặc. Tại ĐHĐCĐ ngân hàng vào tháng 6/2020, tuy chỉ có 29 cổ đông tham dự nhưng đại diện tới 283,6 triệu cổ phần, chiếm 94,53% vốn điều lệ. Nếu trừ đi hơn 40% sở hữu của Petrolimex, thì 28 cổ đông còn lại đã nắm giữ tới 54,53% vốn điều lệ PGBank. Điều này phần nào chứng tỏ suốt thời gian qua, cổ phần của PGBank đã được gom mua khá lớn. Và ai là người mua thì vẫn là một ẩn số?
Tính đến cuối tháng 9/2020, Petrolimex vẫn ghi nhận sở hữu gần 40,6% vốn điều lệ tại ngân hàng này, với giá trị ghi sổ là hơn 1.541 tỷ đồng.
Giả định thương vụ sáp nhập PGBank – HDBank bất thành, thì đâu sẽ là đích đến tiếp theo của PGBank. Nếu phía PGBank thông báo không sáp nhập nữa thì nhóm cổ đông nào sẽ cầm chịch?
Thực tế, trước đây đã có những thương vụ sáp nhập ngân hàng đình đám nhưng nhanh chóng tan tành.
Chẳng hạn, hồi năm 2012, ngân hàng Sacombank và Eximbank - vốn sở hữu chéo lẫn nhau – đã ký kết thỏa thuận chiến lược toàn diện, đồng thời Eximbank cũng cử người sang quản trị ở Sacombank là ông Phạm Hữu Phú.
Những thông tin mở có, úp có, đều hướng về khả năng hai ngân hàng sẽ về chung một nhà trong một tương lai không xa. Nhưng chỉ chưa đầy 2 năm sau đó, ông Phú quay về Eximbank và kịch bản sáp nhập cũng tan vỡ.
Năm 2015 thị trường cũng chứng kiến một làn sóng tin đồn nữa về việc Nam A Bank có kế hoạch sáp nhập với Eximbank.
Câu chuyện tưởng đã đi đến cái kết khi hai nhân sự “khủng” nhất Nam A Bank từ nhiệm khi đang trên đỉnh vinh quang thành công để ứng cử vào Eximbank với mỗi người đại diện cho nhóm cổ đông nắm hơn 10% vốn. Nhưng cuối cùng, hành trình Nam A Bank sáp nhập Eximbank đứt gánh giữa đường. Nam A Bank ra mặt khẳng định họ không nắm giữ cổ phần nào của Eximbank và các cá nhân là cựu lãnh đạo ngân hàng này ứng cử sang ngân hàng kia là việc cá nhân của họ.
Rục rịch lên UPCoM, bỏ ngỏ thương vụ sáp nhập với HDBank
PGBank tiền thân là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập năm 1993. Sau khi có sự tham gia của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, ngân hàng đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, từ năm 2012, kết quả kinh doanh của PG Bank bắt đầu lao dốc.
Gần 10 năm qua, lợi nhuận của PG Bank đều tăng giảm có quy luật, lợi nhuận năm trước tăng thì năm sau sẽ giảm mạnh và ngược lại. Do đó, lợi nhuận năm 2019 giảm 43% so với năm 2018 nên PGBank kỳ vọng lợi nhuận năm 2020 sẽ tăng trưởng tốt đạt 190 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất nhỏ so với thời điểm năm 2011.
Tính đến 30/9/2020, lợi nhuận trước thuế của PG Bank đạt hơn 131 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch năm.
Về chất lượng nợ vay, những năm gần đây, “sức khỏe” của PGBank đã được cải thiện, tình hình xử lý nợ xấu có chuyển biến tích cực và lượng tiền gửi tăng lên.
Tại ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của Ngân hàng giảm nhẹ 5% so với đầu năm, xuống còn gần 715 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm 33% nợ nghi ngờ, tuy nhiên nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng 81%, lên gần 81 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của PGBank chỉ giảm nhẹ từ mức 3,2% đầu năm xuống còn 2,8%. Tuy nhiên, so với hệ thống ngân hàng thì con số nợ xấu này vẫn ở mức khá cao.
Đáng chú ý, giữa lúc cổ đông lớn nhất đang sắm sửa thoái vốn, PGBank cho biết đang có kế hoạch nộp hồ sơ đăng kí giao dịch 300 triệu cổ phiếu trên thị trường UPCoM. Do vậy, ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/10 để đăng kí chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Sau khi chốt danh sách cổ đông, PG Bank sẽ tiếp tục hoàn tất các thủ tục khác để đăng kí lưu kí tập trung tại VSD và đăng kí giao dịch trên UPCoM theo qui định. Ngày giao dịch chính thức trên UPCoM sẽ được ngân hàng thông báo trong thời gian tới.
Một số khó khăn trong M&A ngân hàng tại Việt Nam
Một là, các nhà quản trị NHTM, các cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực M&A.
Hai là, tình trạng báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch.
Ba là, khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác sáp nhập
Bốn là, khó khăn trong việc tích hợp công nghệ thông tin
Năm là, những bất ổn về nhân sự
Sáu là, khó khăn khi các nhà đầu tư muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh,...