9 tháng đầu năm, dòng tiền loạt 'ông lớn' ngân hàng giảm mạnh tại NHNN và các TCTD

Lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tiền, vàng gửi tại các TCTD khác đã sụt giảm mạnh tại các "ông lớn" ngân hàng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, loạt "ông lớn" ngân hàng đang có xu hướng rút lượng lớn tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác.

9 tháng đầu năm, dòng tiền loạt 'ông lớn' ngân hàng giảm mạnh tại NHNN và các TCTD - Ảnh 1

Ở mục tiền các ngân hàng thương mại gửi tại NHNN, BIDV là nhà băng ghi nhận con số cắt giảm lớn nhất với tỷ lệ giảm 70% giá trị tiền gửi tại đây. Hồi đầu năm, giá trị tiền gửi của nhà băng này tại NHNN hơn 135.255 tỷ đồng, nhưng đến cuối quý 3/2020 con số đã giảm xuống còn gần 40.336 tỷ đồng.

Cùng diễn biến, giá trị tiền gửi tại NHNN của Vietcombank trong 9 tháng đầu năm cũng giảm 29% so với đầu năm, chỉ còn gần 24.744 tỷ đồng. Tương tự, MB cũng ghi nhận con số tiền gửi tại NHNN giảm 43% so với đầu năm, chỉ còn gần 8.210 tỷ đồng.

Ngoài việc rút lượng lớn tiền gửi tại NHNN, 9 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng lớn còn có xu hướng rút tiền khỏi các TCTD khác cùng hệ thống.

Cụ thể, tại Vietcombank đã rút 21% lượng tiền gửi tại các TCTD khác, từ 190.100 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 149.619 tỷ đồng từ đầu năm. Tại MB ghi nhận giảm 27% so với đầu năm, xuống còn gần 21.329 tỷ đồng. Tương tự, Techcombank cũng giảm 42% so với đầu năm, chỉ còn 22.303 tỷ đồng.

Việc ngân hàng giảm lượng tiền gửi tại các TCTD khác kéo theo chỉ số tiền các TCTD gửi tại ngân hàng (thuộc nợ phải trả) trên bảng cân đối kế toán giảm theo 9 tháng đầu năm 2020.

Chẳng hạn lượng tiền các TCTD khác gửi tại Vietcombank đã giảm từ hơn 71.000 tỷ xuống 50.569 tỷ đồng, tương đương mức giảm 29%. Hay tại Techcombank giảm 56%, xuống còn 16.856 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vẫn có những ngân hàng quy mô nhỏ hơn ghi nhận tiền gửi tại NHNN giảm mạnh.

 

Điển hình tại LienVietPostBank, trong 9 tháng đầu năm đã rút 71% lượng tiền gửi tại NHNN, chỉ còn 1.937 tỷ đồng. Tương tự, lượng tiền gửi tại các TCTD khác giảm 72% so với đầu năm, chỉ còn 2.624 tỷ đồng. Theo đó, lượng tiền các TCTD khác gửi tại LienVietPostBank cũng  giảm từ 12.947 tỷ đồng xuống còn 4.890 tỷ đồng, tương đương mức giảm 62%.

Hay tại OCB, tiền gửi tại NHNN giảm 22% so với hồi đầu năm, xuống còn 1.624 tỷ đồng; lượng tiền gửi tại các TCTD khác cũng giảm 62% chỉ còn gần 5.454 tỷ đồng. Do đó, lượng tiền vàng các TCTD khác gửi tại OCB giảm 21%, chỉ còn ở mức 10.830 tỷ đồng.

Nguồn: tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.
Nguồn: tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng đang phải tung ra nhiều gói tín dụng quy mô lớn với lãi suất ưu đãi. Để đáp ứng nguồn vốn hàng trăm nghìn tỷ này, các ngân hàng cũng phải tự cân đối thanh khoản và nguồn tiền để sẵn sàng bơm ra thị trường.

Cụ thể, BSC cho biết tín dụng trong những tháng đầu năm đã giảm mạnh so với cùng kỳ do các doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh vì dịch Covid-19. 

Đơn vị  này cũng cho rằng nhu cầu tín dụng năm nay sẽ giảm xuống mức 10,5% (giảm 2% so với dự báo trước). Trong đó, việc điều chỉnh đến từ giảm nhu cầu tín dụng từ ngành thương mại, sản xuất, du lịch và dịch vụ (hiện chiếm tỉ trọng lớn cơ cấu cho vay); giảm nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp FDI do giảm xuất nhập khẩu; và dịch bệnh có khả năng sẽ kéo dài thêm 3-6 tháng trước khi được kiểm soát.

Ngoài ra, mức cấp tín dụng thấp từ NHNN được đưa ra trong bối cảnh cầu tín dụng suy giảm cũng là một tác động khiến ngân hàng chưa tăng huy động vốn, thay vào đó sử dụng đến nguồn tiền gửi để bù đắp. Ước tính, NHNN đưa ra mức cấp tín dụng cho các ngân hàng và TCTD ở 10,1% (thấp hơn nhiều so với mức 13% đặt ra hồi đầu năm).

Mặt khác, các ngân hàng đang công bố nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi với quy mô, chục nghìn, trăm nghìn tỉ đồng. Để sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn giải ngân, mỗi nhà băng sẽ cần chuẩn bị tốt thanh khoản và nguồn tiền cho thị trường.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ