Phải có chế tài đủ mạnh để ngăn vi phạm trong lĩnh vực đất đai
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Nghị định quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai phải có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 425/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tiếp và trực tuyến về Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai: Phải có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe
Thông báo kết luận nêu rõ, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến đóng góp tại cuộc họp, rà soát dự thảo Nghị định, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và nguyên tắc thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Đất đai, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra và các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Trong đó, các Bộ cần rà soát các quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để bổ sung đầy đủ các hành vi, đối tượng như: vi phạm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa; chưa làm thủ tục giao đất mà đã tiến hành xây dựng công trình; lấn đất, chiếm đất chưa sử dụng…
Nghị định cần quy định rõ nội hàm, tính chất của các hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm phù hợp với thực tiễn, dễ hiểu, dễ kiểm tra, dễ phát hiện, dễ lượng hóa trong thực thi và giám sát việc thực thi; phải có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm..
Về quy định xác định số lợi bất hợp pháp cần có quy định đảm bảo tính khả thi, phù hợp với Luật Đất đai (Điều 171, Điều 172…) và thực tiễn tại các địa phương; có quy định xử lý số lợi bất hợp pháp đối với trường hợp nhiều tổ chức hoặc cá nhân cùng vi phạm, cùng hưởng lợi từ một vụ việc vi phạm.
Đối với tính hợp hiến, hợp pháp trong quy định về thu hồi đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát quy định trong Luật đất đai năm 2024 về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm, thẩm quyền, trách nhiệm đảm bảo đã được Luật định; trên cơ sở đó thống nhất với Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với các hành vi có yếu tố lịch sử mà chưa có văn bản xử lý như: không xử lý đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành (khoản 4 Điều 3 dự thảo Nghị định),…, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định của pháp luật qua từng thời kỳ, làm rõ sự phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính để có quy định xử lý trong Nghị định phù hợp với hành vi.
Về quy định xử lý đối với một người vi phạm cùng một hành vi tại nhiều thửa đất trên cùng một địa giới hành chính cấp xã hoặc trong cùng một dự án: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp căn cứ vào nguyên tắc quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính để có quy định phù hợp với tính chất, quy mô, mức độ vi phạm, đảm bảo có tính răn đe, ngăn ngừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và đúng quy định của pháp luật.
Về hình thức xử phạt bổ sung "tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn" chỉnh lý theo hướng trường hợp giấy phép còn thời hạn ít hơn thời hạn xử phạt thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép và chỉ được cấp lại sau thời gian tước theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát bổ sung thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt của các cơ quan khác như cơ quan thanh tra của quốc phòng, công an, nông nghiệp… phù hợp với thẩm quyền quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở thực tiễn gửi ý kiến góp ý cụ thể đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định. Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ trước 20/9/2024.
Xử phạt vi phạm về đất đai hiện chưa tương xứng
Đơn cử, tại Hà Nội, theo Báo cáo số 194/BC-UBND ngày 07/6/2024 của UBND Thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan hành chính trực thuộc UBND Thành phố đã tiếp nhận và xử lý 22.014 đơn các loại gồm: 5.276 đơn khiếu nại; 4.551 đơn tố cáo và 12.187 đơn kiến nghị, phản ánh, dân nguyện. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, kết quả giải quyết mới đạt tỷ lệ khoảng 54%, số vụ còn lại đang trong thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết…
“Công tác xử lý vi phạm về đất đai là công việc khó khăn, phức tạp; trong khi đó hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai lại liên tục thay đổi theo từng thời kỳ, tuy thay đổi nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đồng thời, các chế tài được quy định trong quá trình xử lý đối với cả những đối tượng vi phạm và người thi hành công vụ chậm trễ hoặc né tránh thực thi công vụ... chưa đủ mạnh, thiếu sự răn đe, nên vi phạm vẫn tiếp diễn theo chiều hướng phức tạp và nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài” - báo cáo nêu rõ.
Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy, những sai phạm và hành vi vi phạm về đất đai đang diễn ra hết sức phức tạp, trong khi việc xử phạt vi phạm này hiện chưa tương xứng. Vì vậy, việc xây dựng và sớm ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai rất cần thiết; yêu cầu đặt ra là phải có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm; thúc đẩy phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.
Theo luật sư Hoàng Văn Đạo - chuyên gia về pháp lý bất động sản, những vi phạm về sử dụng đất đai trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, với mục đích mang lại lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Theo đó, các cá nhân, tổ chức đã cố tình sai phạm hoặc “lách luật” để thực hiện hành vi trái pháp luật; trong khi đó, một số cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước có hiện tượng “bao che”, hay kéo dài thời gian xử lý để hợp thức hóa vi phạm...
“Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật về đất đai (Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành) còn tồn tại nhiều bất cập. Thời điểm hiện tại, khi Luật Đất đai năm 2024 đã chính thức có hiệu lực thi hành, nhưng đang trong quá trình chuyển tiếp, lại khiến nhiều địa phương lúng túng giữa việc áp dụng quy định mới và quy định cũ trong quá trình xử lý vi phạm. Điều đó cũng gây ra những khó khăn cho cả phía cơ quan quản lý Nhà nước và người sử dụng đất” - luật sư Hoàng Văn Đạo phân tích.
Trước những diễn biến phức tạp về vi phạm trong quá trình sử dụng đất đai, sau khi Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng các văn bản, quy định liên quan đến đất đai) đã xây dựng xong dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và đang tổ chức lấy ý kiến góp ý, trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành. Trong đó, nhiều nội dung mới liên quan đến chế tài xử lý hành vi và đối tượng vi phạm về sử dụng đất đai đã được đưa vào dự thảo.
Dự thảo Nghị định tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các cấp quản lý (phân quyền đến cấp xã) trong việc lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, kèm theo các chế tài: tịch thu giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Cấp huyện được phép tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn...