Phân khúc này tiếp tục là “ngôi sao hy vọng” của thị trường bất động sản

Nhờ nhu cầu tăng trưởng mạnh và dòng vốn FDI đổ vào các khu công nghiệp, phân khúc bất động sản KCN ngày càng trở thành phân khúc hấp dẫn và là “điểm sáng” của thị trường suốt những năm qua. Đến năm 2025, phân khúc này được dự báo sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản.

Phân khúc này tiếp tục là “ngôi sao hy vọng” của thị trường bất động sản - Ảnh 1

Tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, cả nước có tổng cộng 443 KCN đã được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 138,9 nghìn ha và diện tích đất công nghiệp là khoảng 95 nghìn ha. Trong số này, khoảng 301 KCN đã đi vào hoạt động, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số KCN được hình thành. Đặc biệt, các tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc và phía Nam tiếp tục duy trì tỷ lệ lấp đầy cao, với tỷ lệ lấp đầy KCN miền Bắc đạt khoảng 83%, trong khi miền Nam lên đến 92%.

Bên cạnh đó, thị trường BĐS công nghiệp còn chứng kiến sự xuất hiện của các dự án mới. Từ đầu năm đến ngày 5/12/2024, đã có thêm 28 dự án đầu tư hạ tầng KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích lên đến 8.991 ha, gấp hơn hai lần so với năm 2023. Các dự án này chủ yếu tập trung tại miền Bắc, nhưng các KCN lớn hơn lại xuất hiện chủ yếu ở miền Nam.

Một điểm đáng chú ý là xu hướng mở rộng nguồn cung KCN sang các thị trường cấp 2, nơi có quỹ đất dồi dào và mức giá thuê hợp lý hơn. Đây là một chiến lược thông minh của các chủ đầu tư khi nhu cầu phát triển sản xuất đang gia tăng mạnh mẽ. Các tỉnh thành này, mặc dù không phải là những khu vực có nền công nghiệp phát triển mạnh như miền Bắc và miền Nam, nhưng lại có lợi thế về giá thuê đất thấp hơn và quỹ đất sẵn có.

Việc mở rộng các KCN không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế mà còn hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) một trong những yếu tố chính giúp BĐS công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ là dòng vốn FDI dồi dào. Vốn FDI không chỉ được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp mà còn để phát triển các dự án khu công nghiệp bền vững. Sự đổ bộ của các tập đoàn lớn quốc tế vào thị trường Việt Nam không chỉ giúp gia tăng giá trị BĐS mà còn mở rộng cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nội địa.

VARS cho biết, những khoản đầu tư này tập trung chủ yếu vào các KCN đã đi vào hoạt động, đặc biệt là các KCN có cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện nay đang ở mức cao, đạt khoảng 75%, và trong đó các KCN tại miền Nam tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với tỷ lệ lấp đầy 92%.

Động lực đến từ dòng vốn FDI

Năm 2025, một trong những phân khúc bất động sản đáng chú ý và có triển vọng tăng trưởng mạnh là bất động sản công nghiệp. Theo các chuyên gia, thị trường này sẽ tiếp tục phát triển nhờ vào sự gia tăng nguồn cung và sự nâng cấp chất lượng của các khu công nghiệp trên toàn quốc. Các khu công nghiệp mới được xây dựng, cùng với việc mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu, sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các ngành sản xuất, logistics, và công nghệ cao.

Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, cho biết dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc (chương trình Trung Quốc +1), sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bất động sản công nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam ngày càng tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công nghệ cao và sản xuất sạch. Điều này làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp chất lượng cao, cũng như các nhà xưởng, kho bãi hiện đại phục vụ cho ngành logistics và thương mại điện tử.

Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam.
Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo Báo cáo của của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong cả năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng hơn 9%. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với gần 25,58 tỷ USD. Theo sau là lĩnh vực bất động sản với 6,3 tỷ USD, tăng 35%.

Theo bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư Savills Hà Nội cho biết, ngoài bất động sản nhà ở, phân khúc bất động sản công nghiệp cũng đang là một điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, đang khiến loại hình bất động sản này trở thành một lựa chọn hấp dẫn.

Bà Dung nhấn mạnh, bất động sản công nghiệp, đặc biệt là các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đang thu hút sự quan tâm lớn từ các quỹ đầu tư và chủ đầu tư quốc tế. Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển của ngành sản xuất mà còn là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Những dự án này đáp ứng yêu cầu chất lượng cao và tiêu chuẩn quốc tế, do đó chúng luôn nhận được sự quan tâm lớn.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống