Phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu chóng vánh, Bông Sen đang phải cấp tập mua lại trước biến
Phát hành trái phiếu để trả nợ trái phiếu. Nợ để trả nợ. Mô hình ponzi trái phiếu này liệu nên được hiểu ra sao cho đúng khi mà việc lấy nợ sau trả nợ trước cũng được chấp thuận phát hành và con số nghìn tỷ đồng liệu có quá dễ dàng chui lọt lỗ kim của đơn vị đại lý phát hành VPS?
Thị trường trái phiếu đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi mà sau sự vụ hủy 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh gây tác động đến giới đầu tư nói riêng và nền kinh tế. Sau sự kiện đó, thông tin trái phiếu vẫn chưa hết nóng khi danh sách huy động hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng trái phiếu liên tục gây rúng động.
Không phải tất cả trái phiếu đều có vấn đề nhưng những doanh nghiệp huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu một cách chóng vánh luôn đặt ra dấu hỏi lớn cho giới đầu tư: Ai mua trái phiếu, trái phiếu đảm bảo bằng gì? Nếu lỡ có vấn đề rủi ro xảy ra với nhà phát hành trái phiếu thì chủ nợ, nhà đầu tư và cả nền kinh tế sẽ phải chịu trận ra sao khi mà con số nợ trái phiếu của mỗi doanh nghiệp lên đến hàng nghìn tỷ đồng?
Công ty cổ phần Bông Sen bất ngờ mua lại hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu chóng vánh
Theo thông báo gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Bông Sen bất ngờ mua lại hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu chóng vánh. Việc mua lại trái phiếu diễn ra chóng vánh cũng không khác gì khi phát hành lượng lớn trái phiếu của công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, sản xuất và cung cấp dịch vụ này.
Theo thông báo mua lại, Bông Sen đã hoàn tất mua lại 480 tỷ đồng của lô trái phiếu BSECH2122001 chỉ trong 2 ngày 31 và 1/6/2022. Bông Sen cũng hoàn tất mua 1.554 tỷ đồng trái phiếu thuộc lô BSECH2122002 chỉ trong 1 ngày 31/5/2022.
Trước 2 lô này, hồi tháng 5/2022, Bông Sen cũng đã mua lại 376 tỷ đồng thuộc lô trái phiếu BSECH2122002.
Việc bất ngờ tất toán toàn bộ 2 lô trái phiếu với tổng giá trị tất toán diễn ra chóng vánh lên đến hơn 2.000 tỷ đồng diễn ra trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tháng nữa là cả 2 lô trái phiếu cùng đáo hạn. Vậy thì, vì sao Bông Sen lại phải vội vàng "trả trạng thái zero trái phiếu" khi chỉ còn thời gian ngắn hạn nữa thôi là thời điểm tất toán đã đến?
Có hay không trạng thái "tháo chạy" khỏi trái phiếu trước kỳ thanh tra trái phiếu lớn của các cơ quan quản lý đang là câu hỏi lớn với công ty!
Theo dữ liệu trên HNX, Bông Sen có lãnh đạo là ông Phạm Thanh Bình là giám đốc/người được ủy quyền CBTT và bà Đinh Thị Ngọc Thanh là Người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên. Cả ông Bình và bà Thanh đều mới có giao dịch đảm bảo thế chấp trái phiếu/cổ phiếu của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Bông Sen và hoạt động huy động nguồn tiền trái phiếu "khủng"
Trước khi "tháo chạy" khỏi trái phiếu, Bông Sen có hoạt động thu hút vốn trái phiếu "khủng". Tháng 8/2021, Bông Sen huy động 2 lô trái phiếu nêu trên ( BSECH2122001/ BSECH2122002) với tổng giá trị 4.800 tỷ đồng. Đáng lẽ cả 2 lô trái phiếu này đáo hạn vào tháng 8/2022 nhưng công ty vừa cấp tập mua lại toàn bộ lượng trái phiếu này vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 như đã nêu trên.
Sang tháng 10/2021, Bông Sen tiếp tục huy động thêm 4.800 tỷ đồng trái phiếu với ký hiệu BSECH2126003 và lô trái phiếu này có thời gian đáo hạn 5 năm tức đến năm 2026 mới đáo hạn. Như vậy là năm 2021, Bông Sen đã huy động được 9.600 tỷ đồng trái phiếu!
Quay trở lại với bản phát hành trái phiếu của Bông Sen để hiểu rõ hơn một chút. Trong bản thông tin phát hành 4.320 tỷ đồng lô BSECH2122002, Bông Sen ghi rõ đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 4.320 tỷ đồng này là cổ phần trong CTCP Daeha và trong chính tổ chức phát hành; quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền trên đất của khu/lô đất nằm tại các quận trung tâm thành phố HCM....
Điều đáng nói là, mục đích phát hành lô trái phiếu 4.320 tỷ đồng của Bông Sen là nhằm cơ cấu lại các khoản nợ theo các trái phiếu do Tổ chức phát hành phát hành riêng lẻ vào năm 2019. Trái phiếu lần này của Bông Sen được Công ty cổ phần chứng khoán VPS làm đại lý phát hành.
Phát hành trái phiếu để trả nợ trái phiếu. Nợ để trả nợ. Mô hình "ponzi" trái phiếu này liệu nên được hiểu ra sao cho đúng khi mà việc lấy nợ sau trả nợ trước cũng được chấp thuận phát hành và con số nghìn tỷ đồng liệu có quá dễ dàng "chui lọt lỗ kim" của đơn vị phát hành?