Doanh nghiệp bất động sản thận trọng trong gọi vốn trái phiếu
Trong tháng 5, chỉ có một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng thấp. Trong khi tháng trước đó, không có doanh nghiệp bất động sản nào...
Chuyên gia cảnh báo nên cẩn thận trọng với tín dụng BĐS
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) dựa trên công bố của HNX, tính từ đầu tháng 5 đến ngày 27/5, có một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG và 28 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 15.681 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng thương mại chiếm khối lượng lớn giá trị phát hành trong tháng 5 với 12.829 tỷ đồng, chiếm 80,3% tổng giá trị phát hành. Trong đó, Ngân hàng Phương Đông có giá trị phát hành lớn nhất với 2.600 tỷ đồng (chiếm 16,2% tổng số phát hành) với hai đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng (chiếm 12,5% giá trị phát hành). Tiếp đến là BIDV với 1.850 tỷ đồng (chiếm 11,6% giá trị phát hành),...
Đứng ở vị trí thứ 2 là nhóm dịch vụ lưu trú với 1.617 tỷ đồng, chiếm khoảng 10,1% tổng giá trị phát hành. Trong đó, CTCP Sunbay Ninh Thuận có giá trị phát hành lớn nhất (900 tỷ đồng).
Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 8.996 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 95.672 tỷ đồng, giảm 26,5% (chiếm khoảng 91,4% tổng giá trị phát hành).
Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, có một số doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong tháng 5 như: CTCP Hội An Invest phát hành 4 đợt với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Mỹ Phú phát hành một đợt với giá trị 700 tỷ đồng trái phiếu; CTCP Bất động sản An Gia cũng phát hành 300 tỷ đồng,…
Mặc dù các doanh nghiệp gọi vốn qua trái phiếu trong tháng 5 khá “dè dặt” nhưng đã có sự cải thiện so với tháng trước bởi trong tháng 4/2022 không ghi nhận doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trong tháng này.
Cụ thể, trong tháng 4, có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.472 tỷ đồng. Danh sách này không có sự xuất hiện của doanh nghiệp bất động sản. Phần lớn doanh nghiệp phát hành trong tháng 4 đến từ các ngân hàng thương mại với 14.940 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành.
Thời gian qua, câu chuyện doanh nghiệp huy động vốn qua phát hành trái phiếu đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi đầu tháng 4 năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng trị giá hơn 10.000 tỉ đồng của nhóm doanh nghiệp liên quan Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Việc này có thể khiến các trái chủ mua trái phiếu doanh nghiệp của nhóm Tân Hoàng Minh đứng trước nguy cơ khó thu hồi được vốn.
Dù vậy, đây không phải lần đầu tiên cơ quan quan lý xử lý vi phạm về việc phát hành trái phiếu sai quy định. Trước đó, một số doanh nghiệp đã bị xử phạt do vi phạm trong phát hành trái phiếu như Tập đoàn Apec Group, Tập đoàn VSETGroup đều đã bị xử phạt và buộc thu hồi lại trái phiếu đã phát hành, trả tiền cho nhà đầu tư.
Đây được cho là động thái “mạnh” của các cơ quan quản lý nói chung đối với việc làm lành mạnh hoạt động của thị trường chứng khoán, đặc biệt là hoạt động của thị trường trái phiếu - một kênh huy động vốn mới và nóng trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Trước khi các lô trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tân Hoàng Minh bị hủy, Bộ Tài chính và các chuyên gia đã thường xuyên cảnh báo về những rủi ro và nguy cơ của trái phiếu DN, việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia…
Trong một báo cáo gửi tới Chính phủ mới đây của Bộ Tài chính cũng cho biết, có 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số nợ lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.
Liên quan đến việc phát hành trái phiếu trong thời gian tới, trong một báo cáo của CTCP Chứng khoán VNDirect dự báo, trong ngắn hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể trầm lắng trong một đến hai quý tới do thị trường đang chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách, pháp lý được cơ quan quản lý nhà nước ban hành trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phát hành, tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành, nhà đầu tư tổ chức (Ngân hàng, công ty bảo hiểm) cần thời gian để thích ứng với những thay đổi mới về mặt chính sách, pháp lý khi các Thông tư, Nghị định mới đi vào hiệu lực.
Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng cần thêm thời gian để ổn định tâm lý, suy xét và đánh giá tình hình thị trường trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Về nhóm ngành, công ty chứng khoán này cho rằng, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ của nhóm bất động sản sẽ giảm dần trong một vài quý tới và nhường dòng vốn cho những doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thiết yếu.