Phát triển 1 triệu căn NƠXH - khó khăn ở “đầu ra”

Hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp là một trong số những rào cản lớn nhất đối với người lao động khi muốn mua nhà ở xã hội (NƠXH).

Bên cạnh những vướng mắc liên quan đến lãi suất, tín dụng ưu đãi và nguồn vốn là những “trở lực” đáng kể khi phát triển các dự án nhà ở xã hội thì các điều kiện để thuê và mua nhà ở xã hội cũng là một trong những cách thức quan trọng tháo gỡ "nút thắt" cho phân khúc này.

Thủ tục xin thuê/mua NƠXH rất khó khăn, phức tạp.
Thủ tục xin thuê/mua NƠXH rất khó khăn, phức tạp.

Theo khảo sát chuyên đề về nhà ở xã hội của Ban kinh tế tư nhân, có đến 57% người lao động có nhu cầu thuê hoặc mua nhà, trong đó có gần 1 nửa số lượng là có nhu cầu mua NƠXH. Điều này cho thấy nhu cầu rất lớn, tuy nhiên thực tế đến nay có rất ít người lao động có thể tiếp cận được. Bên cạnh khan hiếm nguồn cung thì một trong những nguyên nhân chính là do các thủ tục xin thuê/mua NƠXH rất khó khăn, phức tạp.

Hiện thủ tục xác minh người được thuê/mua NƠXH phải đáp ứng 3 điều kiện: Một là nơi cư trú: có hộ khẩu hoặc phải tạm trú và đóng bảo hiểm xã hội liên tiếp trên 6 tháng. Hai là mức thu nhập thấp, không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân (nghĩa là dưới 11tr/tháng). Cuối cùng là chưa có sở hữu nhà hộ gia đình.

Kết quả khảo sát gần nhất của Ban kinh tế tư nhân, có 27% người lao động được hỏi gặp khó khăn tiếp cận NƠXH bởi "hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp", đây là 1 trong 4 rào cản lớn nhất đối với họ khi muốn mua NƠXH.

Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng quản lý nhà, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Vướng mắc chủ yếu là ở cơ sở liên thông cơ sở dữ liệu. Hiện nay chúng ta có nhiều cơ sở dữ liệu, thông tin liên quan đến nhà ở, đất ở của người dân nhưng nằm rải rác ở các cơ quan. Ví dụ như ở Sở Tài nguyên và Môi trường và văn phòng đăng ký liên quan đến các giao dịch nhà ở đất ở, quyền sử dụng đất, các thông tin về chuyển nhượng mua bán nhà ở tại các văn phòng công chứng do Sở Tư pháp quản lý. Các thông tin về đóng thuế thu nhập được quản lý bởi cơ quan thuế. Như vậy, những nội dung này nó phải được liên thông, phải được kiểm tra rà soát trên toàn địa bàn thành phố, thì nó mới đảm bảo điều kiện quy định về nhà ở xã hội, thì cái này cơ quan nhà nước phải chủ động mới tháo gỡ vướng mắc cho người dân".

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera đề xuất “cởi mở” hơn trong xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội nhằm gỡ khó “đầu ra” cho phân khúc này.

Theo đó, cần sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở xã hội này.

Chuyên gia cho rằng, mặc dù Chính phủ “thúc” các bộ ngành và địa phương quyết liệt đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhưng hiện nay tiến độ vẫn đang rất chậm.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu về NƠXH rất lớn, nhưng việc đầu tư loại hình này còn hạn chế so với mục tiêu của đề án đến năm 2025.

Báo cáo Bộ Xây dựng mới đây về tình hình phát triển nhà ở xã hội quý I/2024, trên cả nước hiện có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn.

Trong số đó, đã hoàn thành 75 dự án với quy mô 39.884 căn, số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 127 dự án với quy mô 114.984 căn và số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư gồm 301 dự án với quy mô 263.332 căn.

Chỉ riêng trong quý I/2024, căn cứ vào tình hình báo cáo của 42/63 địa phương, trên địa bàn cả nước đến nay có 13 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 16.008 căn. Trong số đó, lượng dự án hoàn thành là 5 dự án (gồm 3 dự án hoàn thành toàn bộ và 2 dự án hoàn thành 1 phần) với quy mô 2.016 căn.

Số lượng dự án khởi công xây dựng gồm: 4 dự án với quy mô 8.073 căn và số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 4 dự án với quy mô 5.919 căn.

Nhằm giải quyết khó khăn này, trong dự thảo Nghị định về Nhà ở xã hội mới nhất, Chính phủ cũng đã có một số thay đổi xác minh đối tượng thuê/mua nhà ở xã hội như: nâng cao mức thu nhập, bỏ điều kiện cư trú. Tuy nhiên, để cải thiện quy trình xét duyệt phức tạp như hiện nay đòi hỏi nhiều giải pháp đột phá hơn.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và cuộc sống