Quản 'tiền bẩn' chảy vào BĐS: Nhận diện thế nào?

Dịch bệnh, sản xuất gặp khó, dòng tiền khó lưu thông, tiền đổ vào BĐS sẽ rất lớn, vì thế, nguồn

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - vừa đưa ra một loạt đề xuất đặc trị "sốt đất", "sốt nhà". Trong đó có đề xuất kiểm soát chặt chẽ nguồn "tiền bẩn" mua bất động sản để "rửa tiền".

Quản 'tiền bẩn' chảy vào BĐS: Nhận diện thế nào? - Ảnh 1
Cần kiểm soát "tiền bẩn" chảy vào BĐS. Ảnh minh họa

Cùng mối quan tâm, một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS lý giải, chứng khoán, BĐS là các lĩnh vực rủi ro hàng đầu. Dòng tiền đổ vào BĐS thời gian qua quá lớn, khiến thị trường BĐS lên cơn "sốt nóng". Dòng tiền đổ vào BĐS có rất nhiều nguồn, tuy nhiên, điều cần lưu ý là tăng trưởng tín dụng BĐS cao nhưng tăng trưởng tín dụng chung lại không quá bất thường (tăng trưởng tín dụng BĐS là 3%, trong khi tăng trưởng tín dụng chung là 2,93%). Như vậy, cần đặt câu hỏi về nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng" đến từ đâu?

"Đầu tiền phải nhìn vào nguồn kiều hối. Theo công bố từ Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD. Còn tính toán từ phía ngân hàng nhà nước ước tính, có khoảng 21% nguồn kiều hối được đầu tư vào BĐS.

Nguồn thứ hai là nguồn tiền, vàng để dành trong dân và nguồn chốt lời từ thị trường chứng khoán, chuyển hướng đầu tư vào BĐS để tránh rủi ro.

Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, sản xuất ngưng trệ, nguồn tiền trên đổ vào BĐS, làm tăng trưởng thị trường BĐS là rất bình thường, nguồn tiền này không gây rủi ro.

Tuy nhiên, có một nguồn tiền khác cần phải lưu ý. Vào khoảng quý 4/2020, công an đã phát hiện một vụ chuyển ngân lậu gần 30.000 tỷ ra nước ngoài. Không thể không đặt câu hỏi về nguồn gốc dòng tiền này, trong khi trước đó đã có nhiều cảnh báo về tình trạng rửa tiền, tiền từ tội phạm, tham nhũng, buôn lậu, bán ma túy... Trường hợp, số tiền này được chuyển lậu thành công thì cũng đồng nghĩa sẽ có nguy cơ dòng tiền này quay ngược lại đầu tư vào trong nước, trong đó đầu tư vào BĐS là thuận lợi nhất. Vì thế, đặt vấn đề cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn" (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để "rửa tiền" là hoàn toàn chính xác", vị chuyên gia phân tích.

Vị chuyên gia khuyến nghị, nếu không khống chế được các giao dịch BĐS bất thường, sự ra vào của dòng tiền quá lớn cũng có thể tạo ra dòng vốn ảo, có thể gây biến động trong lĩnh vực ngân hàng, và có nguy cơ tác động xấu tới nền tài chính quốc gia.

PGS.TS Nguyễn Quang Học, khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, với một nền kinh tế còn sử dụng tiền mặt phổ biến như Việt Nam thì nguy cơ tiêu "tiền bẩn" là có cơ sở.

Theo vị PGS, một trong những kênh hấp thụ "tiền bẩn" nhanh và hiệu quả nhất chính là đầu tư qua BĐS và chứng khoán vì nguồn vốn đầu tư lớn, giao dịch nhanh, thu tiền ngay.

"Ví dụ, chỉ cần thông qua một giao dịch mua bán là hàng tỷ "tiền bẩn" đã được chuyển sang "tiền sạch".

Cần phải đặc biệt lưu ý, có biện pháp kiểm soát chặt dòng tiền chảy vào BĐS thời điểm này. Đây là thời điểm nhạy cảm, do dòng tiền đổ vào BĐS rất lớn, vì thế, nguồn "tiền bẩn" có cơ hội, có sân chơi để bơi theo", vị chuyên gia nhận định.

Về giải pháp, PGS Nguyễn Quang Học cho rằng rất khó phát hiện nhưng hoàn toàn có thể nhận diện những dấu hiệu bất thường thông qua các giao dịch mua bán tại địa phương.

"Một địa phương thu về một năm khoảng vài nghìn tỷ nhưng bỗng nhiên lại có số tiền đầu tư vào BĐS lên tới cả trăm nghìn tỷ thì rõ ràng đó là bất thường, cần phải tra rõ", vị PGS nêu ví dụ.  

Vị chuyên gia cho hay, đầu tư vào BĐS là phân khúc dành cho các đại gia, những tỷ phú của Việt Nam. Chỉ những người rất nhiều tiền ở Việt Nam mới có thể tham gia đầu tư, mua bán, người dân bình thường không dễ có tiền để mua đất, mua nhà.

"Vì thế, cần đẩy mạnh thanh tra, giám sát mạnh, quyết liệt truy tìm nguồn gốc dòng tiền để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật, bảo đảm cho nền kinh tế có môi trường hoạt động lành mạnh, bền vững.

Nếu lần theo hướng này cũng có thể sẽ kiểm soát được phần nào các giao dịch BĐS bất thường", ông Học nói.

Bên cạnh đó, cần phải triệt để sử dụng giao dịch tiền qua tài khoản, ngân hàng, hạn chế giao dịch tiền mặt, nhằm kiểm soát dòng tiền tốt hơn.

Lam Lam

Theo Đất Việt