Bất động sản 24h: Hùa theo sốt đất, nhà đầu tư “tay mơ” coi chừng ôm hận
Hùa theo sốt đất, nhà đầu tư “tay mơ” coi chừng ôm hận; BĐS Việt Nam tiếp tục hấp dẫn dòng vốn ngoại; Choáng váng với căn hộ siêu đắt ở TP.HCM, lo phân khúc nữa tuyệt chủng... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.
Hùa theo sốt đất, nhà đầu tư “tay mơ” coi chừng ôm hận
Trong “cơn say” giá đất, chủ một salon tóc ở trung tâm phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) phó mặc chuyện kinh doanh cho nhân viên. “Ông chủ đi suốt vì đất đang sốt. Buôn đất có lời tốt, nên ông ấy làm thêm mảng này”, một nhân viên của salon kể.
Gần đây, những trường hợp chuyển hướng sang buôn đất như ông chủ salon tóc nói trên không hiếm, nguồn cơn đến từ việc “cò đất” sử dụng, “bơm vá” thông tin liên quan đến Đồ án Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng để đẩy giá đất lên.
Đang “ôm” nhiều mảnh đất ngoài đê tả sông Hồng, một nhân viên văn phòng môi giới đất đai tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh) cho hay, giá đất ngoài đê tả sông Hồng, quanh khu vực Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng đã tăng vọt lên 25 - 40 triệu đồng/m2, ngay cả đất chưa có cấp sổ đỏ cũng được rao bán với giá 25 - 30 triệu đồng/m2.
Sức nóng từ ngoài đê lan ngược lại khu vực trong đê. Tại trung tâm xã Hải Bối, khu vực giáp với đại dự án thành phố thông minh Đông Anh, giá nhiều mảnh đất với ngõ vào chỉ rộng 2,5 - 3m đã “nhảy” lên 38 - 45 triệu đồng/m2, tăng 8 - 10 triệu đồng/m2 so với năm 2020. Các lô đất mặt đường rộng 40 m2 tiếp nối hệ thống thoát nước của dự án thành phố thông minh được “hét” giá trên 80 triệu đồng/m2.
Đây không phải lần đầu đất nền tại Đông Anh lên cơn sốt. Cuối năm 2019, đất nền Đông Anh từng phát sốt bởi thông tin Đông Anh trở thành quận, cộng với các đại dự án như thành phố thông minh sẽ được triển khai.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê ghi nhận trong quý I/2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 597,7 triệu USD, chiếm 14,6%. Riêng tại TP.HCM có 7 dự án vốn FDI đăng ký 117,4 triệu USD được cấp phép mới.
Trước đó, năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với vốn FDI đăng ký gần 4,2 tỷ USD, cao hơn số vốn 3,88 tỷ USD của cả năm 2019. Trong số này có tới 2 tỷ USD rót vào thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đã và đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chính trị bình ổn và sự tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô.
“Việt Nam sẽ trở thành điểm mới thay thế nhiều nguồn cung bất động sản trên toàn cầu”, TS. Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế kiêm Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam chia sẻ tại một hội thảo mới đây.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn giữ được tăng trưởng dương và hội đủ các yếu tố để tăng tốc khi dịch bệnh được khống chế. Đây là một cơ hội rất lớn đối với thị trường bất động sản Việt Nam khi khơi thông được nguồn cung và thu hút đầu tư nước ngoài.
PGS.TS Trần Kim Chung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng, các chính sách ứng phó với đại dịch và điều hành kinh tế của Việt Nam trong vòng 1 năm qua rất đúng đắn và đem lại kết quả tích cực. Việt Nam đang nằm trong vùng tăng trưởng của thế giới với nền kinh tế ổn định. Chính phủ quyết tâm triển khai vốn đầu tư là cú hích rất lớn cho phát triển kinh tế. Quan hệ quốc tế vô cùng thuận lợi với các hiệp định FTA, RCF, CPTTP đã khẳng định vị thế của Việt Nam từ nước đến sau trong WTO trở thành nước đi đầu, áp đặt cuộc chơi cho thế giới mới. Xuất nhập khẩu và kết quả sản xuất rất tích cực.
Một dự án tại TP.HCM được mở bán với mức giá dự kiến từ khoảng 16.000 USD/m2 - tương đương khoảng 370 triệu đồng/m2. JLL - một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản nói đây là mức giá bán cao nhất trên thị trường từ trước tới nay.
Thực tế tại dự án này, báo chí còn phản ánh thông tin về giao dịch lên tới 18.000 USD/m2, tức là vào khoảng hơn 400.000 triệu đồng đối với những căn hộ có vị trí đẹp.
Theo ghi nhận, một vài năm trở lại đây, giá bán căn hộ siêu sang tại TP.HCM mỗi năm đều lập những đỉnh mới khiến không ít người cảm thấy choáng váng. Những căn hộ lên tới vài trăm triệu đồng/m2 không còn xa lạ.
Một số chuyên gia nhận định giá căn hộ hàng hiệu ở mức "trên trời" dù đây là một mô hình mới của thế giới và xuất hiện khá mạnh ở Việt Nam trong 1 - 2 năm trở lại đây.
Trước sự leo cao về giá cả mặt bằng căn hộ ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản - từng cho biết: Giá nhà ở TP.HCM chỉ có thể đánh giá được ở phân khúc trung cấp bởi lẽ giá nhà ở bình dân không còn. Phân khúc cao cấp thì có sự chênh lệch giá quá lớn.
Khu đất "vàng" 13.000m2 sau khi di dời nhà máy May Thăng Long giờ ra sao?
Dự án bao gồm 2 tòa chung cư và 1 tòa văn phòng cho thuê được xây dựng trên 13.500m2 đất, được coi là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ chung cư cao cấp. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Thăng Long, đơn vị thi công là Công ty CP đầu tư xây dựng ECON.
Theo ghi nhận của PV Reatimes, hiện nay dự án đã hoàn thành 2 toà chung cư và đã đi vào hoạt động, còn 1 toà văn phòng nằm ngay mặt đường Minh Khai vẫn đang bị bỏ hoang với những khối bê tông, sắt thép hoen gỉ.