Quốc hội đồng ý cho UBND các cấp quyết chủ trương dự án dưới 4.600 tỷ
Theo luật mới, UBND các cấp được quyết định chủ trương đầu tư nhóm B (từ 90 tỷ đến dưới 4.600 tỷ) và nhóm C (dưới 240 tỷ) do địa phương quản lý, thay vì thẩm quyền của HĐND như trước đây.
Chiều 29/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV đã thông Luật Đầu tư công (sửa đổi), với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C.
Theo đó UBND các cấp tỉnh, huyện và xã được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý. Đồng thời, được quyết định các dự án nhóm B, nhóm C thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Riêng UBND cấp tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. UBND cấp huyện được quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã nếu được đề nghị.
Luật cũng quy định các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C. Trong đó, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí như: Sử dụng vốn đầu tư công từ 30.000 tỷ đồng trở lên (quy định trước đây là 10.000 tỷ đồng); Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên; Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong các trường hợp: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng cũng được quy định trong luật, như: Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; Giao 1 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Luật cũng cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội…