Quý 1/2021, kinh tế Đà Nẵng đang khởi sắc trở lại!
Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ, về tình hình kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng trong quý 1/2020, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Có 53,33% doanh nghiệp được hỏi đã dự báo tình hình quý II/2021 tiếp tục có xu hướng tốt hơn lên so với quý I/2021.
“Với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa tăng cường phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế, Đà Nẵng là một trong các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19; kinh tế TP trong quý I/2021 bước đầu đã có những khởi sắc” – Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ thông tin ngày 7/4/2021.
Nhà máy cơ khí Hà Giang Phước Tường (Đà Nẵng) đang khẩn trương chế tạo các thiết bị cho dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên.
Một trong những biểu hiện cụ thể của việc kinh tế Đà Nẵng bước đầu có những khởi sắc trở lại là trong 3 tháng đầu năm 2021, TP đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 776 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký 6.017 tỷ đồng, tuy giảm 17,5% về số doanh nghiệp nhưng lại tăng 23,2% về số vốn so với cùng kỳ năm 2020.
Điểm đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ, mặc dù giá trị tạo ra từ hoạt động sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng chưa nhiều trong tổng GRDP toàn TP, nhưng với sự chuyển biến tích cực của lĩnh vực này ở những tháng đầu năm 2021 cho thấy kinh tế Đà Nẵng đang dần được phục hồi, chỉ số tăng trưởng âm dần được thu hẹp, một số ngành công nghiệp công nghệ cao được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và xúc tiến đầu tư.
Cùng với đó, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết giữa tháng 11/2020 đã và đang dần tạo ra cơ hội cho một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng thay thế một số thị trường dệt may, giày da… mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.
Cụ thể, theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong tháng 3/2021 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn dự ước tăng 25,52% so với tháng trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 13,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 29,53%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,23%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải dự kiến giảm 0,59%.
“Sự biến động tăng đột biến này một phần là do thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều hơn so với tháng 2/2021” – Ông Trần Văn Vũ nói. Đồng thời Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cũng cho biết, so với cùng kỳ năm trước, trong 3 tháng đầu năm 2021 một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của Đà Nẵng đã đạt được mức tăng trưởng khá.
Cụ thể, động cơ điện một chiều có công suất từ 37,5W trở xuống (+35,63%); lốp hơi mới bằng cao su, loại dùng cho xe buýt, xe tải hoặc máy bay (+25,38%); dược phẩm khác chưa được phân vào đâu (+162,29%); gạch và gạch khối xây dựng bằng xi măng (+52,91%).
Bên cạnh đó, một số sản phẩm có giá trị cao tuy khối lượng sản xuất vẫn còn đạt thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng khoảng cách đã dần được thu hẹp. Đơn cử, nếu tại thời điểm cuối quý 4/2020 sản phẩm tôm đông lạnh chỉ đạt 82,85% so với cùng kỳ thì đến quý 1/2021 đã tăng lên 94,14%. Sản phẩm quần áo cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc đạt 68,66% trong quý 4/2020 và tăng lên 73,26% trong quý 1/2021; sản phẩm thanh, que sắt hoặc thép không hợp kim, cán nóng so với cùng kỳ tăng từ 72,49% trong quý 4/2020 lên 84,11% trong quý 1/2021.
Tình hình tiêu thụ hàng hoá cũng đang có chiều hướng tăng dần khi chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự ước tháng 3/2021 tăng 18,49% so với tháng trước tháng báo cáo và giảm chỉ còn 4,05% so với cùng kỳ 2020 (tháng 2/2021 giảm so với cùng kỳ là 11,92%). Trong đó, các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao hơn so với chỉ số tiêu thụ chung là sản xuất chế biến thực phẩm (+14,91%); sản xuất hoá chất và các sản phẩm từ hoá chất (+60,97%); sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo khác (+32,82%)...
Cộng dồn trong 3 tháng đầu năm 3/2021, chỉ số tiêu thụ hàng hóa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng 1,92% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao hơn so với chỉ số tiêu thụ chung là sản xuất chế biến thực phẩm (+17,57%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+7,28%); sản xuất sản phẩm điện tử máy vi tính, sản phẩm quang học (+25,01%); sản xuất thiết bị điện (+9,94%)...
Một thông tin đáng chú ý khác cũng được Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết là qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 76 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn TP trong quý 1/2021 cho thấy có 29,34% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 29,33% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn hơn và 41,33% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý II/2021 so với quý I/2021, có 53,33% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 21,34% doanh nghiệp dự báo sẽ khó khăn hơn và 25,33% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
“Đang có nhiều kỳ vọng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tìm kiếm thị trường mới để bổ sung hoặc thay thế thị trường hiện đang bị tàn phá nghiêm trọng từ đại dịch nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng xuất khẩu phát triển!” – Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho hay.