Quỹ đầu tư lớn sẽ đổ vốn vào Việt Nam, nếu…
Để khơi thông thị trường vốn nợ, quá trình lấy lại niềm tin của nhà đầu tư là rất quan trọng. Quá trình này không thể thiếu vai trò của những tổ chức xếp hạng tín nhiệm hay bảo lãnh trái phiếu. Khi có được niềm tin, dòng tiền từ các quỹ đầu tư lớn sẽ đổ vào Việt Nam.
Dòng tiền lớn vẫn còn e ngại
Thị trường vốn nợ, trong đó có kênh trái phiếu doanh nghiệp, đang dần trở nên phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam. Với quy mô đạt 11% GDP vào cuối năm 2023, có thể thấy sự phục hồi đang diễn ra tương đối tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau những cơn “bão” xảy ra trước đó hơn 1 năm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng quy mô của thị trường này lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, cần có thêm những cơ chế thu hút đầu tư dài hạn thực sự hấp dẫn.
Bà Lyn Maxwell - Tổng giám đốc thương mại toàn cầu S&P Global Ratings, nhận định Việt Nam thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Những nhà đầu tư này bày tỏ mong muốn đầu tư và làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Tuy nhiên, các kênh dẫn vốn dài hạn của Việt Nam như thị trường vốn nợ với các sản phẩm như trái phiếu hiện nay đang tăng trưởng chậm và chiếm tỷ trọng khá nhỏ nếu so với các nước lân cận như Thái Lan (27%), Trung Quốc (39%). Điều này đã phần nào hạn chế quyết định của các nhà đầu tư, tổ chức lớn của nước ngoài muốn bỏ vốn vào thị trường tài chính Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc FiinRatings, nhà đầu tư nước ngoài hầu như chưa tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, ngoại trừ một số lô trái phiếu của vài doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về vốn dài hạn trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh việc thu hút dòng vốn nước ngoài từ việc nâng hạng lên “mới nổi” của thị trường chứng khoán và từ kênh vốn xanh, vốn liên kết bền vững. Nhà đầu tư nước ngoài dù không tham gia nhiều như thị trường chứng khoán (khoảng 20% là vốn ngoại) nhưng với kênh trái phiếu doanh nghiệp thì chỉ cần 5-10% cũng đã rất tốt bởi quy mô thị trường vốn nợ lớn hơn nhiều lần thị trường vốn cổ phiếu.
“Hiện dòng vốn tín dụng xanh cam kết bởi các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn, các quỹ hưu trí quốc tế cũng có quy mô lớn hơn hàng trăm lần so với các quỹ đầu tư vốn cổ phần, tuy nhiên họ tham gia còn rất hạn chế vào Việt Nam”, ông Thuân nhấn mạnh.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, lý do các nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp là họ cần một thị trường minh bạch hơn, xếp hạng tín nhiệm rõ ràng, có cơ chế xử lý tài sản đảm bảo khi doanh nghiệp gặp khó khăn không thể đáp ứng được nghĩa vụ nợ hoặc thậm chí phá sản. Cùng với những chính sách thông thoáng cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia để tăng tính thanh khoản, nhà đầu tư nước ngoài sẽ từng bước tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.
Quay lại với các nhà đầu tư trong nước, tại Việt Nam hiện nay, những nhà đầu tư lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng thương mại, nhà đầu tư cá nhân, các quỹ trái phiếu, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là các ngân hàng thương mại, có năng lực vốn, khả năng đánh giá và kiểm soát rủi ro, được thị trường đánh giá là “có nghề” nhất trong các nhóm nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam.
“Ngân hàng vừa là đơn vị phát hành để huy động vốn nhưng vừa là bên mua trái phiếu doanh nghiệp, hay nói cách khác ngân hàng tạo nền tảng và dẫn dắt thị trường”, ông Thuân nhận định.
Một nhà đầu tư tiềm năng khác là các công ty bảo hiểm, theo ước tính của FiinRatings, đang quản lý tổng tài sản hơn 913.000 tỷ đồng vào cuối 2023 nhưng chủ yếu phân bổ vào trái phiếu chính phủ và tiền gửi ngân hàng, chỉ một tỷ lệ nhất nhỏ phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy được dư địa còn khá nhiều và còn tăng trưởng nữa nếu như hạ tầng của thị trường vốn nợ hoặc trái phiếu doanh nghiệp phát triển hơn.
Phải có được niềm tin
Để khơi thông thị trường vốn nợ, vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là không thể thiếu. Việc xếp hạng có chất lượng, cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm giúp cho các doanh nghiệp có thể vay với lãi suất thấp hơn nhằm khơi thông thị trường vốn nợ Việt Nam.
Theo bà Maxwell, xếp hạng tín nhiệm mang lại sự minh bạch cho thị trường, mang lại tính thanh khoản mạnh mẽ hơn và là nền tảng để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư cũng như đảm bảo tính bền vững lâu dài của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây không chỉ đơn thuần là các biện pháp quản lý mà còn là công cụ then chốt để đánh giá và quản lý rủi ro, giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả hơn.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng để thúc đẩy thị trường vốn nói chung và vốn nợ nói riêng, cần phải có hai yếu tố quan trọng. Yếu tố thứ nhất sẽ tạo ra sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư chính là hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức phát hành, đây là yếu tố cần. Yếu tố đủ để tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư và tạo ra sự phát triển lành mạnh và bền vững cho thị trường vốn nợ là sự minh bạch.
Theo ông Quỳnh, nếu hiệu quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành đi liền với sự minh bạch thì sẽ thúc đẩy được niềm tin, sự kết nối giữa các tổ chức phát hành với các nhà đầu tư, góp phần giúp thị trường vốn nợ phát triển bền vững.
Ngoài ra, một giải pháp nữa cũng được nhiều chuyên gia nhắc đến trong việc lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư đó là hình thức bảo lãnh tín dụng. Ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng việc có những định chế tài chính bảo hiểm quốc tế sẵn sàng tham gia thẩm định, bảo lãnh cho các trái phiếu đạt tiêu chuẩn là chất xúc tác cực tốt cho thị trường trái phiếu Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Lý giải rõ hơn về vai trò của hình thức bảo lãnh tín dụng, ông MitsuhiroYamawaki, Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc rủi ro của Quỹ đầu tư và bảo lãnh tín dụng (CGIF) - một quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á - cho biết việc bảo lãnh tín dụng, xếp hạng tín nhiệm là việc mà các tổ chức như CGIF đứng ra bảo lãnh cho các nhà phát hành trái phiếu.
“Nếu xảy ra rủi ro về thanh khoản, CGIF sẽ đứng ra chi trả cho các nhà đầu tư, đồng thời làm việc với các nhà phát hành để tái cấu trúc lại. Nghiệp vụ này cần được triển khai mạnh mẽ hơn ở Việt Nam để thị trường vốn nợ phát triển bền vững hơn", ông MitsuhiroYamawaki cho hay.