Quy mô 11 tỉnh thành không sáp nhập: Có tỉnh rộng gấp 22,5 lần Singapore
11 tỉnh thành được đề xuất giữ nguyên theo nội dung tờ trình và dự thảo về sắp xếp đơn vị hành chính mà Bộ Nội vụ vừa hoàn tất.
Bộ Nội vụ hoàn tất tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, chuyển Bộ Tư pháp thẩm định.
Tờ trình của Bộ Nội vụ nêu, dự thảo Nghị quyết quy định về tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị cấp tỉnh và cấp xã theo hướng bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất gồm: diện tích tự nhiên; quy mô dân số; lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; địa kinh tế (trong đó bao gồm tiêu chí về vị trí địa lý, quy mô và trình độ phát triển kinh tế); địa chính trị; quốc phòng, an ninh.
Trên cơ sở các tiêu chí này, tờ trình của Bộ Nội vụ cho hay, 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp là TP. Hà Nội, TP. Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Vậy 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp có dân số, diện tích, quy mô kinh tế ra sao?

Đáng chú ý, trong số 11 tỉnh thành được đề xuất không phải sáp nhập, có Nghệ An là tỉnh rộng nhất Việt Nam và rộng gấp 22,5 lần Singapore. Singapore có diện tích khoảng 735,7 km², trong khi Nghệ An rộng 16.486 km². Đứng thứ 2 về diện tích trong số 11 tỉnh thành là Thanh Hoá đạt 11.133 km².
Theo số liệu của Cục Thống kê, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành năm 2024 của Hà Nội đạt khoảng 1.430.000 tỷ đồng, đứng thứ hai cả nước và đứng đầu trong top 11 tỉnh, thành phố dự kiến không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Với con số trên, quy mô GRDP của Hà Nội gấp hơn 50 lần Cao Bằng - tỉnh có GRDP thấp nhất trong nhóm 11 tỉnh, thành dự kiến không thực hiện sắp xếp.
Các vị trí tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh với GRDP đạt 347.500 tỷ đồng; Thanh Hoá là 318.752 tỷ đồng, Nghệ An là 216.943 tỷ đồng và Hà Tĩnh đạt 112.855 tỷ đồng.
Các tỉnh, thành có mức GRDP dưới ngưỡng 100.000 tỷ đồng gồm: Huế 80.000 tỷ đồng; Sơn La 65.000 tỷ đồng; Lạng Sơn 27.500 tỷ đồng; Điện Biên 32.000 tỷ đồng; Lai Châu 30.000 tỷ đồng và thấp nhất là Cao Bằng đạt 25.500 tỷ đồng.
Về mảng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2023 Quảng Ninh và Nghệ An chia nhau vị trí số 1, số 2, lần lượt đạt 3,19 tỷ USD và gần 1,32 tỷ USD. Xếp sau hai tỉnh này là Hà Nội với 643 triệu USD. Lạng Sơn, Thanh Hóa, Huế có vốn FDI đăng ký dao động trong khoảng 100-275 triệu USD, Hà Tĩnh là 70 triệu USD. Các địa phương khác như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu không thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, tức vốn FDI là 0.