Sabeco: Doanh thu sụt giảm nặng nề, dòng tiền kinh doanh âm gần 1.100 tỷ đồng
Các biện pháp tiết giảm chi phí của Sabeco không thể bù đắp nổi những mất mát về doanh thu và lợi nhuận vì Covid-19. Lợi nhuận ròng của Sabeco chỉ đạt hơn 700 tỷ đồng trong quý 1/2020.
Sabeco: Dòng tiền kinh doanh âm gần 1.100 tỷ đồng
Công ty Bia Rượu NGK Sài Gòn (Sabeco) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 với doanh thu thuần đạt 4.909 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.
Dòng tiền kinh doanh của Sabeco cũng âm gần 1,100 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm, trong khi cùng kỳ dương 378 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng của Sabeco chiếm 560 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Công ty cắt mạnh chi phí cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị (giảm 31%) và chi phí bao bì luân chuyển (giảm 58%). Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng xuống còn 141 tỷ đồng, giảm 15%.
Các biện pháp tiết giảm chi phí của Sabeco không thể bù đắp nổi những mất mát về doanh thu và lợi nhuận vì Covid-19. Lợi nhuận ròng của Sabeco chỉ đạt hơn 700 tỷ đồng trong quý 1/2020, sụt 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giảm lớn nhất của Tổng công ty này trong vài năm gần đây.
Cổ phiếu SAB vẫn đang chịu áp lực điều chỉnh rất lớn bởi tác động kép từ Nghị định 100 về hạn chế sử dụng rượu bia đối với người tham gia giao thông và đợt bùng phát dịch Covid-19 khiến nhu cầu giảm sút.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ tính riêng giai đoạn sau tết Âm lịch, cổ phiếu mất 22% giá trị, tương đương vốn hóa thị trường giảm hơn 32.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD).
Sau đó, SAB tiếp tục giảm sâu xuống mức 115.500 đồng vào ngày 24/3. Chốt phiên ngày 29/4, cổ phiếu SAB đóng cửa ở mức 163.000 đồng/cp. Tuy đã cao hơn giai đoạn cuối tháng 3, tuy nhiên, tính trong 3 tháng gần đây, SAB đã mất đến 23% giá trị.
Tuy đã cao hơn giai đoạn cuối tháng 3, tuy nhiên, tính trong 3 tháng gần đây, SAB đã mất đến 23% giá trị.
Kết quả kinh doanh chững lại, thậm chí giảm của Sabeco đã có tác động trực tiếp đến Tập đoàn ThaiBev. Báo cáo tài chính quý I niên độ 2019-2020 (tức 1/10-31/12/2019) cho thấy mảng bia của ThaiBev chỉ còn đóng góp 44% doanh thu, trong khi rượu mạnh vươn lên dẫn đầu với 45,5%.
Tổng sản lượng tiêu thụ bia của ThaiBev 3 tháng cuối năm qua giảm nhẹ 0,1% xuống 731,4 triệu lít, nhưng nếu loại trừ doanh số bia của Sabeco thì sản lượng lại tăng 13,5%, đạt 253 triệu lít bia. Sự sụt giảm của Sabeco cũng kéo theo doanh thu mảng bia tại thị trường nước ngoài giảm 12%.
Thực tế trong 3 tháng cuối năm 2019, thương hiệu bia Sài Gòn chỉ ghi nhận 9.729 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với cùng kỳ. Hai quý cuối năm 2017 và 2018, doanh thu của Sabeco đều vượt 10.000 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, công ty Vietnam Beverage (một đơn vị thuộc Thai Beverage - ThaiBev) đã mua đấu giá thành công 53,6% vốn Sabeco với giá 320.000 đồng/cp. Tuy nhiên, việc người Thái chấp nhận mua Sabeco ở giá cao như vậy bởi chiến lược chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam, tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế của tập đoàn đồ uống này.
Chịu khủng hoảng kép
Sabeco cho biết kết quả trên là do cuộc khủng hoảng không mong đợi vì đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Nghị định 100 cũng tác động đáng kể lên sức tiêu thụ bia trong giai đoạn đầu năm 2020.
Cùng với ngành hàng không và du lịch, ngành bia, rượu, nước giải khát nằm trong nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch Covid-19. Sabeco, với thị phần bia lớn nhất cả nước, là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hồi tháng 3, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có công văn gửi Chính phủ kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát.
VBA cho biết, từ đầu năm 2020, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp trong ngành đều sụt giảm mặc dù vào đúng dịp Tết và mùa lễ hội, mùa có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong các năm trước đây. Nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40-50%.
Theo VBA, việc giảm tiêu thụ rượu, bia có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 bao gồm việc giảm các khoản đóng góp từ doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến rượu, bia.
VBA kiến nghị Chính phủ xem xét giảm một số loại thuế, phí tạo điều kiện các doanh nghiệp ngành bia, các tổ chức kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời hoãn đề xuất tăng các loại thuế trong thời gian tới để các doanh nghiệp ổn định yên tâm đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đối với Nghị định 100, VBA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và thông lệ quốc tế.
VBA kiến nghị Chính phủ xem xét lại mức xử phạt hiện nay vì mức phạt này là quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, đặc biệt là mức phạt đối với xe máy, phương tiện giao thông rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam, xem xét bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo đối với những người đi xe máy vi phạm lần đầu với nồng độ cồn thấp như quy định trước đây của Chính phủ.
Theo Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ
Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/sabeco-doanh-thu-sut-giam-nang-ne-dong-tien-kinh-doanh-am-gan-1100-ty-dong-d74753.html