Sắc đỏ áp đảo nhóm bất động sản trong phiên 18/5, NVL tiếp tục bứt phá

VN-Index tiếp tục có một phiên giảm điểm trước việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc. Nhóm cổ phiếu bất động sản biến động vẫn tiêu cực khi nhiều mã lớn giảm sâu.

Thị trường chứng khoán phiên 18/5 biến động vẫn theo chiều hướng giằng co với sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, với việc sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên các chỉ số đều đóng cửa trong sắc đỏ.  

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa mạnh nhưng có góp phần đáng kể trong việc khiến các chỉ số giảm điểm. Các mã như VIB, BID, HDB, TPB, VCB, SHB… đồng loạt giảm giá và gây ra áp lực lớn lên thị trường chung. VIB giảm 3,9%, BID giảm 2,2%, HDB giảm 1,8%, TPB giảm 1,5%, VCB giảm 1,5%, SHB giảm 1,3%. SHB chính là nhân tố lớn nhất khiến HNX-Index giao dịch cả phiên trong sắc đỏ.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Tuy nhiên, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng giảm sâu, thay vào đó, các mã như STB, VPB, MBB, TCB… đồng loạt tăng giá và phần nào giúp kìm hãm đà giảm của các chỉ số. STB bất ngờ tăng mạnh 5,2%, VPB cũng tăng 2,1%.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Nhóm cổ phiếu ngành thép biến động tích cực khi HPG tăng 2,4% lên 63.400 đồng/cp. Ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 21/5 đến ngày 18/6. Phương thức giao dịch có thể là khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Tương tự, HSG tăng 2,5% lên 38.450 đồng/cp. Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 - 2021, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.671 tỷ đồng, gấp 3,36 lần cùng kỳ năm trước và tăng thêm 64 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập.

Có ảnh hưởng lớn nhất đến các chỉ số phiên 18/5 là nhóm bất động sản, trong đó, các mã lớn như VIC, VHM, VRE hay THD đều chìm sâu trong sắc đỏ. VIC giảm 2,4% xuống 121.000 đồng/cp, VRE giảm 23% xuống 30.000 đồng/cp, VHM giảm 1,9% xuống 98.900 đồng/cp, còn THD giảm 1% xuống 192.600 đồng/cp. Trong khi đó, NVL là cổ phiếu bất động sản lớn hiếm hoi còn tăng giá. NVL chốt phiên tăng đến 3% lên 141.700 đồng/cp.

Còn đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ áp đảo hơn, trong đó, KBC tiếp tục chuỗi ngày thất vọng khi giảm đến 4,4% xuống còn 32.300 đồng/cp, ASM cũng giảm 3,9% xuống 12.400 đồng/cp, DXG giảm 3,3% xuống 23.150 đồng/cp, DIG giảm 3,2% xuống 27.100 đồng/cp, TCH giảm 3,1% xuống 22.200 đồng/cp. KDH giảm 1,4% xuống 36.000 đồng/cp. Mới đây, Vietnam Ventures Limited - đơn vị thành viên thuộc quỹ VOF (VinaCapital Vietnam Opportunity Fund) do VinaCapital quản lý, đăng ký bán 7,7 triệu cổ phiếu KDH. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 20/5 đến 18/6 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao tăng giá ở phiên 18/5. Trong đó, PVL được kéo lên mức giá trần 3.800 đồng/cp, IDC tăng 2,7% lên 34.600 đồng/cp, FLC tăng 1,2% lên 12.450 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,02 điểm (-0,48%) xuống 1.252,68 điểm. Toàn sàn có 143 mã tăng, 274 mã giảm và 46 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,15 điểm (-0,72%) xuống 294,64 điểm. Toàn sàn có 103 mã tăng, 120 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,45%) xuống 80,06 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn HoSE và HNX giảm nhẹ so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 781 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 22.242 tỷ đồng. FLC và HQC vẫn là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 24 triệu cổ phiếu và 20,7 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng nhưng giá trị giảm đáng kể so với phiên trước và còn 734 tỷ đồng. Trong đó, VIC và KBC là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 125 tỷ đồng và 55 tỷ đồng. Chiều ngược lại, không có cổ phiếu bất động sản nào nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại.

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường giảm điểm trong phiên thứ hai liên tiếp nhưng với thanh khoản suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy áp lực bán ra là không thực sự mạnh. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng góp phần vào lực bán. Rất may là VN-Index vẫn giữ được ngưỡng 1.250 điểm nên trên góc nhìn kỹ thuật, khả năng để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá cao hơn so với khả năng thị trường bước sang sóng điều chỉnh a. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 19/5, thị trường có thể sẽ tăng điểm trở lại để đi tiếp sóng tăng 5 với target theo lý thuyết sóng elliott là quanh ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4).

Tuấn Hào

Theo Reatimes