Thực hư 'tin đồn' xoay quanh Sacombank ra sao?
Từ cuối tuần qua, râm ran tin đồn CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) sẽ mua 180 triệu cổ phiếu STB của Sacombank (10% cổ phiếu đang lưu hành) với giá 18.000 đồng/cp từ Kienlongbank theo diện giải chấp.
Nhiều bên phủ nhận giao dịch cổ phiếu STB với khối lượng lớn
Tuy nhiên, chiều 22/9, sau khi cổ phiếu STB tăng kịch trần và là phiên tăng giá thứ ba liên tiếp, đại diện của Thaco phân trần với báo chí rằng Thaco "chưa sở hữu bất kỳ cổ phiếu STB nào". Đồng thời, đại diện của Thaco cũng khẳng định, Thaco không có kế hoạch đầu tư vào cổ phiếu STB trong giai đoạn hiện nay.
Như vậy, sau khi Thaco chính thức lên tiếng, tin đồn xuất hiện trên thị trường trong mấy ngày qua bị lật tẩy là fake news.
Nếu bình tâm lại để phân tích thông tin, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tránh được cái bẫy do người nào đó đã giăng ra. Bởi thông tin giá mua 18.000 đồng/cổ phiếu STB là điều không tưởng, nhất là khi giá trị giao dịch của STB ở thời điểm hiện tại chỉ từ 11.000 – 12.000 đồng/cp.
Nếu mua 180 triệu cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng (theo tin đồn), Thaco phải chi đến 3.240 tỷ đồng. Trong khi đó, với giá trung bình gần đây 11.000-12.550 đồng/cp (mức giá hiện tại), số tiền chi ra để sở hữu 10% vốn điều lệ của Sacombank quanh mức 2.000-2.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tin đồn trên cũng đã giúp cho một số người hưởng lợi khi cổ phiếu STB tăng kịch trần trong phiên 22/9 với mức giá chốt phiên là 12.550 đồng/cp. Khối lượng giao dịch trong phiên này cũng tăng đột biến, 45,707 triệu cổ phiếu giao dịch thành công, gần gấp 3 lần so với phiên trước đó.
Đây cũng là phiên tăng giá thứ ba liên tiếp của STB, giúp cho mã chứng khoán này tăng 9,6% sau 3 phiên.
Được biết, KienLongbank hiện sở hữu 176,4 triệu cổ phiếu STB là tài sản cầm cố cho một khoản vay. Nhà băng này từng 2 lần rao bán đấu giá toàn bộ lô cổ phiếu trên để thu hồi nợ xấu nhưng bất thành cũng vì mức giá khởi điểm quá cao so với giá thị trường.
Cụ thể, đầu năm 2019 Kienlongbank rao bán lô cổ phiếu trên với giá khởi điểm 21.600 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so với giá khởi điểm lần đầu 24.000 đồng/cp, nhưng vẫn là quá cao so với giá trị thực.
Sacombank có vốn điều lệ 18.852.157.160.000 đồng, tương đương với 1.885.215.716 cổ phiếu đang lưu hành.
Hiện chưa rõ ai là người tung tin đồn Thaco mua lại 10% lượng cổ phiếu STB đang lưu hành, nhưng chắc chắn những cá nhân, tổ chức đang nắm giữ STB là những người hưởng lợi nhiều nhất.
Ngoài Kienlongbank đang rất muốn bán 176,4 triệu cổ phiếu STB, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đang mắc kẹt với mớ cổ phiếu này khi đang nắm giữ 88.470.716 cổ phần (4,69%).
Một công ty khác liên quan đến Eximbank là CTCP Đầu tư Sài Gòn Exim cũng đang nắm giữ 65.794.028 cổ phần (3,49%) tại STB.
Cổ đông tổ chức sở hữu lượng lớn cổ phần tại STB còn có: CTCP Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu 39.410.008 cổ phần (2,09%); Quỹ đầu tư Market Vectors Vietnam ETF 38.646.922 cổ phần (2,05%)
Sacombank đang làm ăn ra sao
6 tháng đầu năm, Sacombank lãi trước thuế 1.428 tỷ đồng, giảm 2 % so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí dự phòng cao hơn 49%. Năm nay, ngân hàng được thông qua kế hoạch lợi nhuận 2.573 tỷ đồng, giảm 20% do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tổng tài sản đến cuối tháng 6 hơn 481.897 tỷ đồng, tăng 6%. Cho vay khách hàng tăng 5% so với đầu năm, dư nợ ở mức 310.694 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 6.682 tỷ đồng, tăng gần 17%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 1,8 lần, lên 850,8 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,93% lên 2,15%.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Sacombank là xử lý nợ xấu. CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết khoảng 11.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được xử lý năm nay. 5 tháng đầu năm, doanh số đã đấu giá thành công đạt trên 9.700 tỷ đồng, thực thu tiền mặt là 1.800 tỷ đồng. Trong phần còn lại của năm, con số thu hồi nợ xấu sẽ vượt xa kỳ vọng.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) từng đề cập Sacombank sẽ xử lý 12.000-15.000 tỷ đồng nợ tồn đọng trong năm 2020, không tính việc thanh lý quỹ đất Phong Phú. Tuy nhiên, VCSC nhận định việc thanh lý thành công quỹ đất Phong Phú sẽ giúp hỗ trợ con số này.
Trong báo cáo gần đây, VCSC cho rằng ngân hàng đang đi đúng hướng trong kế hoạch xử lý tài sản tồn đọng và tài sản lớn nhất tính theo giá trị rao bán đã được gỡ khỏi website ngân hàng vào tháng 4. Trong 3 tháng qua, VCSC đã ghi nhận một số các tài sản khác được niêm yết như dự án căn hộ Xi Grand Cout nằm tại quận 10, TP HCM (giá chào bán 577 tỷ đồng), tài sản rộng 407 m2 nằm ở quận 3, TP HCM (giá chào bán 257 tỷ đồng), tài sản rộng 614 m2 tại quận 11, TP HCM (giá chào bán 122 tỷ đồng) và 38 quyền sử dụng đất tại tỉnh Long An (giá chào bán 150 tỷ đồng).
Chủ tịch Sacombank ông Dương Công Minh từng cho biết ngân hàng đang tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu. Tài sản xấu xử lý, được hoàn vào vốn kinh doanh, chỉ cần NHNN cấp hạn vốn tín dụng như đề án tái cơ cấu được duyệt thì Sacombank sẽ đẩy nhanh được quá trình. Ông Dương cho rằng trong 5 năm, ngân hàng sẽ được tái cơ cấu xong theo đúng tinh thần của đề án đã được phê duyệt năm 2017.
Trong báo cáo thường niên mới nhất, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng bình quân 12%/năm và đạt 927.000 tỷ đồng năm 2025. Huy động và cho vay tăng lần lượt 13% và 15%/năm, lợi nhuận trước thuế mục tiêu tăng 26% trong giai đoạn 2020-2025.
Theo Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/thuc-hu-tin-don-xoay-quanh-sacombank-ra-sao-d82876.html