Sai phạm tại dự án gần 500 tỷ ở Thái Nguyên, Tập đoàn Kosy bị Thanh tra Chính Phủ “nêu tên”
Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm tại dự án KĐT Kosy Sông Công do Kosy Group làm chủ đầu tư. (Nguồn Thanh tra Chính phủ).
Kết luận về sai phạm của dự án KĐT Kosy Sông Công
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ tại dự án Khu đô thị Kosy Sông Công việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án là không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật đất đai năm 2003 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của chính phủ về ban hành quy chế quản lý Khu đô thị mới.
Phía Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thái Nguyên. “Trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.Sông Công, UBND tỉnh Thái Nguyên”, kết luận của Thanh Tra Chính phủ chỉ rõ.
Theo tìm hiểu, dự án KĐT Kosy Sông Công tọa lạc tại phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Có tổng mức đầu tư gần 481 tỉ đồng, nguồn vốn do chủ đầu tư ứng trước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật được trừ vào tiền sử dụng đất nhưng thực chất là giao đất để thực hiện dự án kinh doanh. Về vị trí dự án, phía Bắc cách tim đường Thắng Lợi 40m và giáp khu dân cư lô 1 đường Thắng Lợi; phía Nam giáp khu dân cư hiện có; phía Đông giáp khu đường phân khu phía Tây trường PTTH Sông Công và khu dân cư; phía Tây giáp khu dân cư hiện có và đất hoa màu.
Việc UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt phương án tài chính đợt 1, 2 trong đó khấu trừ khoản chi phí xây dựng hạ tầng hơn 39,5 tỷ đồng vào tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp là không có cơ sở theo khoản 2, điều 4, Nghị định 45/2014 của Chính phủ. Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm của việc này thuộc về Sở Tài chính, UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND TP.Sông Công và hội đồng thẩm định giá của tỉnh.
Được biết dự án này được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu đô thị Kosy – Sông Công vào ngày 13.3.2011. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, đến nay hạ tầng của khu đô thị vẫn chưa hoàn thiện, các hạng mục thi công dở dang, ngổn ngang phế thải vật liệu xây dựng.
Thời điểm năm 2020, dự án do Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh, kiểm tra. “Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đã báo báo UBND tỉnh “không tiến hành giải quyết đơn thư của công dân và chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ“. Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra từ năm 2019, đến nay chưa có kết luận“, ông Hà Văn Dương – Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên cho biết.
Tháng 9/2020, TP Sông Công đã tổ chức hội nghị xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Kosy. Theo đó, dự án Khu đô thị Kosy được Công ty cổ phần Kosy thực hiện ở phường Thắng Lợi, có diện tích 38,7ha. Trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, nhiều hộ dân không đồng thuận chính sách bồi thường. Do đó đơn vị này đề xuất điều chỉnh ranh giới của dự án từ 38,7ha xuống còn 25,6ha.
Tập đoàn Kosy có gì?
Theo tìm hiểu CTCP Kosy được thành lập vào năm 2008, vốn điều lệ 120 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Năm 2011, Kosy chuyển mạnh sang bất động sản và xác định đây là mảng miếng chủ lực với dự án đầu tay Moutain View quy mô 38ha ở TP.Lào Cai.
Giai đoạn 2014-2017, Kosy tăng mạnh vốn lên 415 tỷ đồng và lấn sân phát triển các dự án nhà ở tại Thái Nguyên và Bắc Giang, bên cạnh dự án chủ lực ở Lào Cai.
Cuối năm 2017, Kosy trở thành công ty đại chúng và giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM, đầu tháng 9/2019 niêm yết cổ phiếu trên HoSE và phát triển chuỗi dự án bất động sản, năng lượng từ Bắc vào Nam với tổng vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Hệ sinh thái doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Việt Cường cũng đang phát triển theo mô hình tập đoàn với nhiều thành viên, mỗi đơn vị phụ trách một bộ phận riêng biệt.
Thực chất, hệ sinh thái Kosy Group là một doanh nghiệp gia đình với các thành viên trong nhà Chủ tịch kiêm TGĐ Nguyễn Việt Cường chia nhau nắm giữ những chức vụ chủ chốt. Như vợ ông là bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Chủ tịch HĐQT; Em gái ông là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ; Bố vợ là ông Nguyễn Ngọc Sáu – Ủy viên HĐQT…
Ngoài 8 công ty thành viên, vợ và các em ông Cường còn đảm trách chức vụ chủ chốt tại một số đơn vị khác như em trai Nguyễn Thế Hùng là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Sơn Phúc có vốn 626 tỷ đồng; em trai Nguyễn Trung Kiên là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Đông Đô; em gái Nguyễn Thị Phương Thảo phụ trách CTCP Đầu tư Kosy và Văn phòng đại diện Kosy tại Lai Châu.
Về phần mình, ông Nguyễn Việt Cường chỉ trực tiếp đứng tên CTCP Kosy – pháp nhân lõi trong cả hệ thống và CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thủy điện (vốn 350 tỷ đồng) sau khi mua lại từ nhóm cổ đông sáng lập vào tháng 10/2018.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Kosy đang sở hữu quỹ đất lớn ở Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Giang… Chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh BĐS từ năm 2011, đến năm 2016, Kosy bắt đầu công bố kế hoạch phát triển hàng loạt dự án tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và đang làm chủ đầu tư một số dự án lớn như Khu đô thị Kosy Lào Cai (Khu đô thị Kosy Mountain View), TP Lào Cai; Khu đô thị Kosy Bắc Giang, TP Bắc Giang; Khu đô thị Kosy – Gia Sàng, Khu đô thị Kosy Sông Công, Khu đô thị Kosy Gia Sàng, tỉnh Thái Nguyên…
Ngoài BĐS, Năng lượng cũng là một lĩnh vực chủ chốt của Kosy, hiện Kosy đang triển khai một số nhà máy thủy điện tại Lai Châu với công suất 34 MW, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, mục tiêu tháng 12/2020 phát điện. Bên cạnh đó, Kosy cũng đang đẩy mạnh công tác đầu tư, tiến tới khởi công nhiều dự án thủy điện mới tại Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai.
Các dự án điện gió tại Bạc Liêu (400 MW), Cà Mau (200 MW), các dự án điện mặt trời tại Bình Thuận (200 MW)… Riêng lĩnh vực thủy điện, Kosy tự tin đặt mục tiêu đến năm 2025 có 200 MW phát điện.
Về tình hình kinh doanh, Kosy kỳ vọng sẽ đạt 12.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2023 và tăng lên 20.000 tỷ đồng vào năm 2025.