Saigon Glory đề xuất người sở hữu trái phiếu cho phép được gia hạn thanh toán gốc trái phiếu theo phân kỳ
Công ty TNHH Saigon Glory, chủ đầu tư dự án khu tứ giác Bến Thành đã công bố thông tin tài chính năm 2022 với khoản lỗ sau thuế lên tới 152 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đang đứng trước áp lực trả nợ gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu, chưa đàm phán được với Người sở hữu trái phiếu về việc gia hạn những lô trái phiếu này.
Lỗ sau thuế hơn 152 tỷ đồng, nợ gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu
Tại bản công bố thông tin tài chính năm 2022, Saigon Glory lỗ hơn 152,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 290,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm so với cùng kỳ, còn hơn 6.847 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2022 của Saigon Glory ở mức hơn 34.000 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả thua lỗ, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Saigon Glory cũng tăng từ 3.73 lên 3.99, hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tăng từ 1.43 lên 1.46 lần, tương đương, dư nợ trái phiếu gần 10.000 tỷ đồng.
Được biết, Saigon Glory có 10 lô trái phiếu được phát hành năm 2020 thông qua 10 đợt phát hành với mục đích tăng quy mô vốn hoạt động, triển khai dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ của Công ty.
Số trái phiếu này được Saigon Glory phát hành từ năm 2020, lãi suất năm đầu tiên 11%/năm. Từ năm thứ 2, lãi suất không thấp hơn 11%/năm, là lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi (lãi suất gửi tiết kiệm 12 tháng cho khách hàng cá nhân của Vietcombank) cộng 4,5%/năm. Một nửa trong số đó có kỳ hạn 3 năm, nửa còn lại có kỳ hạn 5 năm, lần lượt đáo hạn vào tháng 6-7/2023 và tháng 8/2025.
Trong năm 2022, Saigon Glory đã thực hiện 40 đợt thanh toán lãi trái phiếu với tổng số tiền 1.100 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020, công ty này cũng chi tới 359,5 tỷ đồng để trả lãi cho trái chủ.
Tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu này của Saigon Glory bao gồm: “Toàn bộ phần vốn góp của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tại Saigon Glory” và “Tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại dự án thành phần The Spirit of Saigon bao gồm các tài sản thuộc Tháp A”, với tổng giá trị là hơn 18.550 tỷ đồng.
TVSI yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo trái phiếu Saigon Glory
Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) là đại lý phát hành trái phiếu Công ty TNHH Saigon Glory đã chính thức gửi văn bản yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này.
Trước đó, Saigon Glory cam kết mua lại 5 lô trái phiếu trị giá 5.000 tỷ đồng trước ngày 12/6/2023 và 5 lô còn lại trước ngày 12/6/2024. Tuy nhiên, do không thể thu xếp nguồn vốn mua lại, ngày 11/6, công ty đã tổ chức hội nghị trái chủ để xin gia hạn nhưng không thành công do tỷ lệ Người sở hữu trái phiếu đến tham dự của 5 lô Trái phiếu nói trên chỉ đạt từ 60,95% đến 72,74%, chưa đủ điều kiện 75% tổng mệnh giá trái phiếu để tổ chức Hội Nghị theo quy định.
Đến thời điểm hiện tại, Saigon Glory cho biết chưa thể có nguồn tài chính để thanh toán ngay tiền gốc của các lô Trái phiếu. Để có đủ thời gian sắp xếp và thực hiện kế hoạch phát triển, kinh doanh, bán hàng của dự án nhằm có nguồn thu thanh toán Trái phiếu, Saigon Glory đề xuất người sở hữu trái phiếu cho phép được gia hạn việc thanh toán gốc trái phiếu theo phân kỳ.
Trước tình trạng chậm thanh toán trái phiếu, ngày 13/6, với vai trò là địa lý thanh toánTVSI đã gửi thông báo tới Saigon Glory yêu cầu thanh toán toàn bộ trái phiếu đang lưu hành trong vòng 10 ngày làm việc ngay sau khi nhận được công văn.
Tuy nhiên, tính đến 28/6, Saigon Glory vẫn chưa có bất kỳ hành động thực hiện thanh toán nào đối với các lô các lô trái phiếu theo yêu cầu. Do vậy, TVSI đã chính thức gửi công văn yêu cầu Saigon Glory, tổ chức quản lý tài sản bảo đảm (TSBĐ), và các bên liên quan cùng tiến hành phối hợp xử lý TSBĐ để hoàn trả, thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu cho các trái chủ của Saigon Glory.
Theo quy định, số tiền thu được sẽ sử dụng để thanh toán chi phí xử lý tài sản, nộp thuế sau đó trả lãi quá hạn, lãi đến hạn và gốc trái phiếu. Số tiền còn lại sẽ được hoàn trả cho bên bảo đảm. Trong trường hợp tiền xử lý tài sản đảm bảo không đủ để thanh toán, thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả đẩy đủ cho trái chủ.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu các lô Trái phiếu không được người sở hữu trái phiếu cho phép gia hạn mà buộc phải thực hiện bước xử lý tài sản bảo đảm thì sẽ là một thiệt hại lớn và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính người sở hữu trái phiếu, chưa kể đến thủ tục xử lý tài sản bảo đảm có thể kéo dài, quy trình phức tạp đối với những tài sản còn đang xây dựng dở dang.
Siêu dự án đã chậm tiến độ nhiều năm chưa hoàn thành
Liên quan đến tài sản đảm bảo của các lô trái phiếu trên là tài sản tại dự án The Spirit of Saigon tọa lạc tại “siêu tứ giác” 4 đường lớn Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính, đối diện chợ Bến Thành, ngay nhà ga metro số 1 (Khu Tứ giác Bến Thành). Dự án này được TPHCM chấp thuận cho Tập đoàn Bitexco đầu tư dự án trên với diện tích 8.537m2. Sau đó công trình được khởi công bởi nhà thầu Coteccons và dự kiến hoàn thành năm 2017. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.
Năm 2018, Bitexco thành lập công ty con là Saigon Glory và chuyển nhượng dự án Spirit of Saigon cho pháp nhân này. Công ty do ông Vũ Quang Bảo làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Anh Đức làm Thành viên HĐQT, ông Trịnh Công Quang (sinh năm 1990) làm Tổng Giám đốc.
Chủ đầu tư cũng lên kế hoạch triển khai xây dựng khối tháp từ cuối năm 2020 và phấn đấu hoàn thành dự án vào đầu năm 2023, dù thời hạn cho phép đến năm 2024. Tuy nhiên đến nay, dự án đã dừng thi công nhiều tháng qua và chưa có dấu hiệu khởi động trở lại.