Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận 368 tỷ đồng, tăng 37,9%
Trong 4 năm gần đây, lợi nhuận của Saigonbank liên tục được cải thiện, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, đã đạt 332 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Tăng trưởng kép 38,4% cho giai đoạn 2019-2023
Saigonbank từng đạt lợi nhuận cao kỷ lục 882 tỷ đồng vào năm 2010 nhưng sau đó giảm dần theo năm tháng và chỉ còn 53 tỷ đồng vào năm 2018 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt hộng kinh doanh của ngân hàng dần cải thiện trong vài năm trở lại đây với mức tăng trưởng kép 38,4% cho giai đoạn 2019-2023.
Kết thúc năm 2023, Saigonbank đạt 332 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 77 tỷ đồng, tương đương 40,4% so với năm 2022 và vượt 10,8% kế hoạch năm.
Tại thời điểm 31/12/2023, Saigonbank đạt 31.501 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 13,7% so với đầu năm và vượt 7,1% kế hoạch.
Huy động vốn đạt 26.608 tỷ đồng, tăng 14,1% và vượt 7,5% kế hoạch. Trong đó, vốn huy động từ doanh nghiệp và dân cư là 23.557 tỷ đồng, chiếm 88,5% tổng nguồn vốn huy động và tăng 14,9% (+3.057 tỷ đồng). Cơ cấu nguồn vốn huy động tiếp tục được duy trì hợp lý về kỳ hạn, cân đối giữa nguồn vốn - sử dụng vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Dư nợ tín dụng là 20.377 tỷ đồng, tăng 4,2% và chỉ đạt 97,4% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,99%. Trong năm 2023, Saigonbank đã nổ lực xử lý nợ bằng nhiều biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần giảm nợ xấu, tạo thu nhập cho ngân hàng.
Đối với hoạt động thanh toán đối ngoại, doanh số đạt gần 210 triệu USD, giảm 33,3% so với năm 2022 và hoàn thành 63,6% kế hoạch.
Lũy kế đến năm 31/12/2023, Saigonbank đã phát hành 473.209 thẻ. Số dư tiền gửi qua thẻ là 367 tỷ đồng. Doanh số thanh toán thẻ tín dụng quốc tế năm 2023 là 1,74 triệu USD, tăng 6,9% so với năm trước.
Tuy vậy, Saigonbank vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế như sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ còn khiêm tốn, mức cạnh tranh còn hạn chế so với các ngân hàng. Chính sách tiền lương, đãi ngộ nhân sự còn hạn chế nên khó khuyến khích giữ và tuyển được nhân sự giỏi cho ngân hàng.
Năm 2024, mục tiêu lợi nhuận tăng 37,9%, đạt 368 tỷ đồng
HĐQT Saigonbank sẽ triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2024 theo đúng định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, ngân hàng củng cố và nâng cao hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro từng bước theo chuẩn mực Basel II; Đẩy mạnh chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp; Nâng cao giá trị thương hiệu.
Đồng thời hoạt động của Saigonbank tuân thủ quy định pháp luật, quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Theo đó, Saigonbank đề ra các chỉ tiêu thực hiện trong năm nay gồm, lợi nhuận trước thuế đạt 368 tỷ đồng, tăng 37,9% so với năm 2023.
Tổng tài sản đạt 32.300 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm; vốn huy động 27.300 tỷ đồng, tăng 3%; tổng dư nợ cho vay đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 12,9%.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Saigonbank sẽ trích 40 tỷ đồng để trích lập các quỹ pháp định như bổ sung vốn điều lệ (5%), dự phòng tài chính (10%), nguồn lợi nhuận còn lại là 227 tỷ đồng.
Đại hội sẽ giao HĐQT quyết định trích lập các quỹ còn lại như quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động; quỹ thưởng của người quản lý. Nguồn vốn còn lại được ngân hàng tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Saigonbank là ngân hàng thương mại đầu tiên của cả nước, ra đời ngày 16/10/1987 với vốn điều lệ ban đầu là 650 triệu đồng.
Ngân hàng trở thành công ty đại chúng vào 29/9/2014 nhưng cổ đông khá cô đặc với 4 cổ đông lớn sở hữu đến 65,25% vốn điều lệ. Gồm Văn phòng Thành ủy TP.HCM cùng 3 doanh nghiệp Nhà nước của TP.HCM là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM.